Chấm thi THPT Quốc gia 2019: Không vội, không làm tắt

Thủy Trúc - Nhật Tâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những người chấm thi đều phải qua công an xác định nhân thân; mã hóa đáp án chấm trắc nghiệm; bài tự luận được chấm hai vòng độc lập là những giải pháp ngăn chặn gian lận trong công tác chấm thi.

Quy trình đặc biệt
Ngay sau khi môn thi cuối cùng Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 kết thúc, 63 hội đồng thi trong cả nước đã triển khai chấm bài thi trắc nghiệm và tự luận
. Để không xảy ra những sự việc tiêu cực ở vài địa phương như năm 2018, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT Mai Văn Trinh cho biết: Năm nay, Bộ GD&ĐT quy định chấm thi trắc nghiệm theo quy trình đặc biệt. Đầu tiên, hội đồng thi kiểm tra túi bài thi có còn dấu niêm phong, sau đó cắt từng túi đựng bài thi và quét ngay. Dữ liệu quét được mã hóa bằng phần mềm thông minh. Vì thế, phần mềm chỉ cho phép người dùng can thiệp sửa lỗi kỹ thuật vào những chỗ có lỗi.
 Thí sinh tham dự kỳ thi THPT Quốc gia 2019 tại điểm trường THPT huyện Mê Linh. Ảnh: Phạm Hùng
Việc thực hiện đánh phách điện tử, không thể có mối liên hệ giữa thông tin cá nhân, kết quả bài làm của thí sinh. Người thực hiện cũng không thể quay lại quy trình của phần mềm, chỉ khi nào Bộ GD&ĐT cho phép mới cấp cho một mã số.
Tại nhiều địa phương, những người được cử đi làm in sao, chấm bài thi trắc nghiệm đều phải qua công an xác định nhân thân. Đối với công tác chấm thi tự luận, các hội đồng thi thực hiện triệt để việc cách ly khâu đánh phách, làm phách.
Tiếp đến, thực hiện nghiêm túc bốc thăm chấm, chấm hai vòng độc lập. Trong các khu vực chấm đều có camera an ninh giám sát. Với môn tự luận, sẽ thực hiện chấm kiểm tra tối thiểu 5% trên tổng số bài. Trong đó, tất cả những bài thi Ngữ văn đạt điểm cao đều được mang ra chấm kiểm tra.
Ngay cả việc nhập kết quả của môn Ngữ văn vào phần mềm cũng phải tiến hành 2 lần độc lập. Sau đó, phần mềm đối sánh không còn lỗi gì mới đưa lên hệ thống. Nếu hội đồng thi nào làm tắt, lập tức phần mềm phát hiện ra ngay.
“Với sự tăng cường bảo mật bằng cách mã hóa từ dữ liệu trung gian đến cuối cùng, ngay cả đáp án chấm trắc nghiệm cũng được mã hóa hy vọng chúng ta sẽ thực hiện chấm thi nghiêm túc theo đúng quy định đặt ra” - ông Mai Văn Trinh nhấn mạnh.
Làm theo hướng dẫn, không sáng tạo
Thực hiện lịch trình chấm thi xong trước ngày 13/7, nhiều hội đồng đã huy động cán bộ, giáo viên chấm theo số lượng bài thi đảm bảo kế hoạch. Một đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, Sở này đã huy động gần 500 cán bộ chấm thi, trong đó gần 40 người là giảng viên đại học. Cùng với đó, khoảng 70 nhân sự, bao gồm an ninh, phục vụ và 12 máy đã được huy động chấm trắc nghiệm.
Từ chiều ngày 28/6, các bài thi trắc nghiệm đã được bàn giao cho Đại học (ĐH) Quốc gia Hà Nội – phụ trách chấm trắc nghiệm. Ngày 29/6, hội đồng thi Hà Nội thảo luận đáp án trong 58 cán bộ nòng cốt và toàn bộ giảng viên chấm thi. Công tác chấm bài thi tự luận sẽ hoàn thành vào ngày 12/7 theo đúng kế hoạch. Đối với các trường ĐH được giao nhiệm vụ chấm bài thi trắc nghiệm cũng đã chủ động lựa chọn nhân sự và tổ chức tập huấn nghiệp vụ.
Hiệu trưởng trường ĐH Thương mại Đinh Văn Sơn cho hay: Trường huy động 18 cán bộ chấm thi trắc nghiệm và cử một phó hiệu trưởng lên Phú Thọ phụ trách việc này. Nhà trường luôn nhắc cán bộ chấm thi bám sát văn bản và làm theo đúng quy chế”. Nhiều trường ĐH khác cử cán bộ đi chấm thi đều đã quán triệt thực hiện đúng theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT; không được vận dụng, sáng tạo quy chế. Trước đó, dù có nhiều năm kinh nghiệm chấm trắc nghiệm nhưng trường ĐH Thủy lợi vẫn tập huấn kỹ càng toàn bộ quy trình cho đội ngũ đi chấm thi ở Điện Biên.
Ông Trương Quốc Quân – Trưởng phòng Khảo thí và kiểm định chất lượng, trường ĐH Thủy lợi cho biết thêm: “Nhà trường đã in thành cẩm nang quy trình làm việc rất rõ ràng và chuyển đến các nhóm công tác. Tính đến thời điểm này, mọi công việc đều diễn ra đúng kế hoạch”.
Trước những ý kiến cho rằng, khi bài thi tự luận được Bộ GD&ĐT giao về cho các địa phương chấm, rất có thể có gian lận bởi bệnh thành tích, ông Đinh Văn Sơn phản hồi: Những địa phương không nghiêm túc trong kỳ thi năm 2018 đã phải trả giá xương máu.
Bộ GD&ĐT quy định các địa phương chấm bài thi tự luận bởi các trường ĐH không có giáo viên chấm môn Văn... (trừ trường ĐH Sư phạm Hà Nội). Nếu Bộ giao các trường ĐH chủ trì chấm bài thi tự luận, cuối cùng lại huy động giáo viên phổ thông. Cho nên chúng ta thực hiện theo phương án của Bộ và có kiểm tra, kiểm soát bằng quy chế; cộng với camera an ninh và lực lượng thanh tra, giám sát nên gian lận khó có thể xảy ra.

Sau khi kiểm tra khu vực chấm thi trắc nghiệm và tự luận của TP Hà Nội, ngày 30/6, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ lưu ý: Việc chấm thi tự luận phải đảm bảo đúng tiến độ. Đặc biệt, phải chấm kỹ; không vội vàng, làm tắt; không bỏ qua bất cứ quy trình nào mà Quy chế thi đã quy định. Giáo viên chấm thi thực hiện nghiêm túc chấm chung ít nhất 10 bài. Mỗi bài thi tự luận phải đảm bảo có 2 cán bộ chấm thi chấm độc lập hoàn toàn.