Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chậm triển khai mạng 4G sẽ tụt hậu!

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nền tảng để có thể triển khai Chính phủ điện tử, hệ thống thông tin hiện đại... là ứng dụng thông tin.

Theo nhận định từ Bộ TT&TT tại Hội thảo Quốc tế 4G LTE 2016 do Hiệp hội Internet Việt Nam phối hợp với Tập đoàn dữ liệu quốc tế IDG Việt Nam tổ chức sáng 18/8, năm 2016 là thời điểm thích hợp cho Việt Nam triển khai thành công 4G LTE.

Đẩy nhanh cấp phép

Theo số liệu của Bộ TT&TT, đến hết quý I/2016, có khoảng 163 triệu thuê bao điện thoại di động, 6 triệu thuê bao cố định. Hiện các mạng di động đã phủ kín mạng 3G trên toàn quốc. Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho biết, Viettel, MobiFone, VNPT đang thử nghiệm và hoàn tất thủ tục xin cấp phép 4G sử dụng băng tần 1800 MHz, Bộ TT&TT đang đẩy nhanh cấp phép 4G cho DN và có thể sẽ cấp phép ngay từ tháng 9 tới.
Người dùng phải đổi sang SIM 4G mới sử dụng được mạng 4G của Vinaphone. Ảnh: Đức Thiện
Người dùng phải đổi sang SIM 4G mới sử dụng được mạng 4G của Vinaphone. Ảnh: Đức Thiện
Về mặt kỹ thuật, tốc độ truy cập internet của 4G cao hơn 3G gấp 10 lần. Và 4G bắt đầu hướng đến các dịch vụ phi người dùng (machine to machine). Ông Lê Nam Thắng - nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT đánh giá, việc phát triển và ứng dụng viễn thông - công nghệ thông tin không nên chậm trễ, được xác định là một công cụ then chốt và hiệu quả cho đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh quốc gia. “Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là một trong những nước cuối cùng chưa triển khai 4G. Phillipines đã triển khai 4G từ năm 2011, Thái Lan, Malaysia, Brunei, Indonesia từ năm 2013, Lào từ năm 2014 và Campuchia vừa triển khai trong quý IV/2015. Như vậy có thể thấy, việc triển khai 3G tại Việt Nam khá chậm so với khu vực” - ông nhận xét.

Chất lượng và hiệu quả là then chốt

Ông Trần Tuấn Anh - Trưởng Phòng chính sách và chiến lược của Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho rằng, việc đầu tư cho mạng 4G phải đáp ứng các nhu cầu băng rộng của xã hội, tuy nhiên việc đầu tư phải làm sao hiệu quả và đảm bảo chất lượng dịch vụ, cần sự chín muồi về thiết bị đầu cuối và ứng dụng chứ không hẳn chỉ chín muồi về diện phủ sóng.

Hiện ở Việt Nam các nhà mạng đều đang thử nghiệm LTE ở hai băng tần 1800MHz và 2600MHz, nếu điện thoại hay thiết bị thu phát 4G của người dùng hỗ trợ 2 băng tần này thì có thể sử dụng LTE ở Việt Nam, còn tốc độ thế nào còn phụ thuộc vào thiết bị.

Thực tế, nếu DN dành dải băng tần 1800MHz để triển khai thử nghiệm 4G đây là dải băng tần vốn dành cho mạng 2G, sẽ tiết kiệm được chi phí đầu tư nhưng lại có những hạn chế nhất định. “Về mặt lý thuyết, muốn cung cấp dịch vụ có tốc độ cao, thì phải có nhiều tần số, do đó yêu cầu đặt ra, sau khi triển khai dịch vụ 4G, các DN phải nâng cao chất lượng dịch vụ, thúc đẩy người sử dụng lên, tính toán khả thi nhất, trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, DN và người sử dụng” - ông Tuấn Anh chia sẻ.

Đại diện Qualcomm cho rằng, Việt Nam có thể đi chậm hơn các DN khác khi triển khai 4G, nhưng quan trọng hơn là phải thực hiện hiệu quả. Đại diện Qualcomm khuyến cáo Việt Nam nên nghiên cứu thêm xây dựng mạng LTE overlay (LTE lớp), tách biệt hoàn toàn với các mạng 2G/3G giúp quá trình triển khai thuận tiện hơn. Qualcomm cam kết hỗ trợ Việt Nam triển khai công nghệ 4G đầu tiên. Đại diện Qualcomm còn cho biết, Việt Nam là nước đang xuất khẩu tới 15% smartphone của thế giới nên Việt Nam có lợi thế trong sản xuất các thiết bị đầu cuối. Qualcomm sẽ hỗ trợ các DN của Việt Nam sản xuất các thiết bị đầu cuối.
Tốc độ mạng di động của Việt Nam thuộc nhóm kém

Trang web phân tích OpenSignal vừa cho ra mắt bản báo cáo về tốc độ của mạng di động hiện nay. Bản báo cáo được tổng hợp dựa theo khảo sát từ 822.556 người dùng đã cài đặt ứng dụng của OpenSignal từ 95 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Kết quả, tốc độ của mạng di động tại Việt Nam hiện nay đạt 3,81 Mbps và đứng ở vị trí 82/95 quốc gia và vùng lãnh thổ được khảo sát. Đứng đầu danh sách này là Hàn Quốc (41,34 Mbps), Singapore (31,19 Mbps), Hungary (26,15 Mbps), Úc (25,01 Mbps), Đan Mạch (23,35 Mbps). Quốc gia đứng cuối danh sách là Afganistan(2,17 Mbps).
Do vẫn đang trong quá trình thử nghiệm, nên giá cước của các gói dịch vụ mạng 4G vẫn chưa được công bố một cách chi tiết, nhưng theo thông tin các nhà mạng cung cấp, giá cước của dịch vụ 4G sẽ không cao hơn 3G hiện nay.