Theo lãnh đạo thôn Yên Nội, lý do chậm tu sửa là vì sư trụ trì gây khó dễ với nhóm thợ, không hợp tác với chính quyền để cùng tu bổ.
Mâu thuẫn giữa hai bên
Như báo Kinh tế & Đô thị đã phản ánh trong bài: "Tu bổ cấp thiết chùa Báo Ân (Quốc Oai): Vì sao có tiền vẫn chậm tu bổ" trên số báo 126 ngày 5/6, di tích quốc gia chùa Báo Ân (thôn Yên Nội, xã Đồng Quang) đang xuống cấp nghiêm trọng.
Bên trong nhà chùa, mái dột nát, nền nhà chùa bị nứt vỡ; tường vách bị rễ cây đâm xuyên hư hỏng, nứt vỡ; nhiều pho tượng làm bằng đất trong chùa bị sứt mẻ, thậm chí hư hỏng hoàn toàn, chỉ còn trơ lại phần đầu tượng.
Trước thực trạng trên, tháng 11/2018, UBND TP Hà Nội đã bổ sung kinh phí để tu sửa cấp thiết, chống xuống cấp di tích. Tuy nhiên đến tháng 3/2019, chùa Báo Ân mới chính thức được tiến hành tu sửa. Sau hơn 3 tháng triển khai, phần mái chùa vẫn chưa được hoàn thiện, hiện vật trong chùa rơi vào cảnh “màn trời chiếu đất”. Trao đổi với phóng viên, trụ trì chùa Báo Ân Thích Trọng Nghĩa cho biết, việc tu sửa chùa hoàn toàn không nắm được, quá trình tu bổ không được hỏi ý kiến.
“Thời gian mưa, thợ sửa chữa nghỉ, họ thích làm thì làm, không thì thôi. Tối hôm kia, trời mưa, người ta che đậy sơ sài, nước vào trong chùa, nhà chùa đóng cửa, người ta lại trèo tường vào, không coi nhà chùa ra gì” - trụ trì chùa Báo Ân cho hay.
Giải thích về sự việc này, Trưởng thôn Yên Nội (xã Đồng Quang) Nguyễn Đình Long cho biết: “Cách đây mấy ngày, do trời mưa lớn, lãnh đạo địa phương đã gọi một nhóm thợ đến chùa để kiểm tra, gia cố và lắp đặt thêm mái che nhưng sư trụ trì lại không cho thợ vào. Do đợi lâu và sợ trời tối nhóm thợ đã leo tường vào để căng bạt che mưa”.
Ngoài ra, trong quá trình tu sửa chùa, sư trụ trì chùa Báo Ân cũng không cho phép đơn vị thi công sử dụng điện, nước, mặt bằng (không cho tập kết vật liệu xây dựng bên trong khuôn viên chùa gây mất cảnh quan, bụi bặm). Chính quyền địa phương phải đi xin điện của người dân để cho đơn vị thi công thực hiện; sử dụng nhà văn hóa thôn làm nơi tập kết gỗ, phân loại và cắt thành từng phần để sử dụng làm mái chùa.
Mặt khác, liên quan đến việc nhiều pho tượng bằng đất trong chùa bị sụt, gẫy đầu, mất tay, Trưởng thôn Yên Nội cho biết: Trong chùa, ngoài một số bức tượng bị sụt, hư hỏng do ảnh hưởng thời gian, thời tiết, nhiều bức tượng khác bị hư hỏng do tác động của con người. Năm 2010, sư trụ trì đưa một người ở đâu về cúng đã cầm ghế ném gãy đầu, tay tượng”.
Đơn vị quản lý di tích không thể trốn trách nhiệm
Theo lời kể của Trưởng thôn Yên Nội, một phần trách nhiệm dẫn đến việc chậm trễ trong tu bổ là do trụ trì chùa Báo Ân.
Trao đổi với phóng viên, GS Trần Lâm Biền - nhà nghiên cứu văn hóa truyền thống cho biết: “Bảo tồn di sản là việc của toàn dân chứ không phải của riêng nhà chùa, nếu ai cản trở chuyện đó thì cơ quan chuyên môn phải có ý kiến. Việc quản lý di tích là trách nhiệm của Ban Quan lý, nhà chùa chỉ là một thành viên hoặc trụ trì nhà chùa chỉ là một công dân giống như bao nhiêu người khác. Do vậy, sư trụ trì không có quyền cản trở”.
Tuy nhiên, trong các quy định của Nhà nước, trách nhiệm cao nhất trong việc quản lý, tu sửa cấp thiết chùa Báo Ân là của UBND huyện Quốc Oai. Sau khi được cấp 800 triệu đồng để tu sửa, tháng 3/2019, Sở VH&TT Hà Nội đã có văn bản đề nghị UBND huyện Quốc Oai thực hiện ngay các biện pháp gia cố, chống đỡ, cắm biển báo. Trong văn bản của UBND huyện Quốc Oai gửi Sở VH&TT Hà Nội, Ban Quản lý di tích Danh thắng Hà Nội “báo cáo kết quả thực hiện các di tích trong mục chống xuống cấp của TP năm 2018…”, huyện Quốc Oai có nêu: “Chống được tình trạng dột mái, sụt mái làm hư hại di tích và hiện vật, cổ vật bên trong di tích”.
Thế nhưng, tháng 6/2019, theo khảo sát của phóng viên Kinh tế & Đô thị, phần mái chùa vẫn chưa hoàn thiện, bên trong chùa hiện vật vẫn đang ngày một xuống cấp do chịu mưa nắng. Mặt khác, thợ thực hiện quá trình tu bổ chỉ hoạt động cầm chừng, từ 2 - 3 người/ngày. Như vậy, báo cáo của UBND huyện Quốc Oai còn chưa sát thực tế.