Chặn “bệnh thành tích” ngay trong số liệu thống kê

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sai số lớn, thậm chí cùng một lĩnh vực lại có 2 số liệu trái ngược nhau… đang là những tồn tại cần sớm khắc phục nhằm tăng tính chính xác của số liệu thống kê.

Lắp ráp linh kiện tại Nhà máy ô tô Ford Việt Nam.  	Ảnh: Trần Việt
Lắp ráp linh kiện tại Nhà máy ô tô Ford Việt Nam. Ảnh: Trần Việt
Dự án Luật Thống kê (sửa đổi) đang trong quá trình hoàn thiện, trong đó giao Bộ KH&ĐT và Tổng cục Thống kê công bố số liệu thống kê về tổng sản phẩm trong cả nước và của địa phương.

Chênh lệch lớn giữa GRDP với GDP

Tồn tại đầu tiên nhận ra rõ nhất đó là sự chênh lệch khá lớn giữa số liệu về tốc độ tăng tổng sản phẩm địa phương (GRDP) của 63 tỉnh, thành với số liệu tổng sản phẩm quốc nội của cả nước (GDP). Trong 2 năm 2010 - 2011, tốc độ tăng GRDP của 63 tỉnh, thành đều trên hai con số, trong khi của cả nước lần lượt là 6,42% và 6,24%. Tình trạng này tiếp tục lặp lại qua các năm và đến năm 2014, trong khi đa số các tỉnh, thành đều công bố tốc độ tăng GRDP của mình xấp xỉ 10%, nhưng con số tăng trưởng GDP của cả nước được bổ sung mới nhất cũng chỉ 5,98% (báo cáo tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII chỉ là 5,7%). Tính toán lại con số này ở 63 tỉnh, TP, Tổng cục Thống kê phát hiện, chỉ có 13 địa phương tính toán gần sát thực tế, nhiều nơi phải hạ xuống tới 5 - 6% so với con số được đưa ra.

Tình trạng này có nguyên nhân khách quan do các địa phương tính trùng kết quả sản xuất, kinh doanh của nhau, và trùng với kết quả của các ngành, lĩnh vực. Ví dụ như, về nguyên tắc, kết quả sản xuất, kinh doanh của một nhà máy đóng trên địa bàn địa phương khác của các tập đoàn, tổng công ty có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh hay TP Hà Nội thì sẽ không được tính là của nhà máy này, mà tính gộp vào kết quả của tập đoàn, tổng công ty. Tuy nhiên, các địa phương vẫn đưa kết quả sản xuất, kinh doanh của nhà máy này vào để tính GRDP của mình. Trong khi, con số này cũng được tính vào kết quả tăng trưởng của ngành, lĩnh vực.

Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, theo một chuyên gia thuộc Hội Thống kê Việt Nam: Hiện nay, ở nước ta luôn tồn tại 2 loại số liệu thống kê. Một loại số liệu để các cơ quan chuyên dùng khi làm việc với các chuyên gia, nhà nghiên cứu lâu năm, và một bộ số liệu khác được dùng để công bố công khai. Loại số liệu này dễ bị tác động bởi nhiều vấn đề, bị chỉ đạo, nên có điều chỉnh. “Như số liệu GDP, nếu thấp quá phải tính lại cho cao lên. Nó có phần nguyên nhân không nhỏ do “bệnh thành tích”. Nếu anh muốn làm lãnh đạo mà các chỉ tiêu không tăng trưởng, phát triển, thì ai còn bổ nhiệm cho? Tổng cục Thống kê biết nhưng không làm được gì, vì cũng chỉ là một đơn vị thuộc Bộ KH&ĐT” - vị chuyên gia này chia sẻ.

Theo Luật Thống kê 2003, thống kê của Tổng cục Thống kê là con số cuối cùng. Tuy nhiên, thực tế đơn vị thống kê cũng phải dựa vào số liệu của các bộ, ngành, địa phương. Do đó, nếu bộ, ngành, địa phương đưa ra con số sai, số liệu của Tổng cục Thống kê cũng sai theo và chính sách đưa ra không đúng.

Cấm khai man dữ liệu, thông tin thống kê

Tại Dự án Luật Thống kê (sửa đổi) mới nhất, bên cạnh việc lồng ghép vào các quy định hệ thống tiêu chí tiên tiến đang được nhiều nước trên thế giới áp dụng, Bộ KH&ĐT cũng đề xuất quy định trách nhiệm và vai trò của cơ quan thống kê T.Ư trong việc thẩm định số liệu thống kê của các bộ, ngành, địa phương. Trường hợp bộ, ngành không thực hiện ý kiến thẩm định, cơ quan thống kê T.Ư có quyền tự quyết định và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng. Dự luật cũng bổ sung hành vi cấm khai man, hoặc ép buộc người khác khai man dữ liệu, thông tin thống kê; cấm mọi hành vi can thiệp làm sai lệch dữ liệu, thông tin thống kê. Đặc biệt, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định của Luật Thống kê, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trách nhiệm rõ ràng nên rất khó để địa phương lấy kết quả của tập đoàn, tổng công ty, cũng như các địa phương lấy trùng kết quả của nhau. Đây không chỉ là sự thay đổi căn bản trong các số liệu thống kê mà nó còn giúp phản ánh chính xác hơn năng lực quản lý, điều hành. Vấn đề lúc đó không phải là việc địa phương, ngành, đơn vị này có GRDP thấp hơn hay cao hơn, mà con số GRDP lúc đó phản ánh chính xác tiềm năng thực chất của địa phương, để có thể đưa ra dự báo, giải pháp phương hướng phát triển đúng.