Chấn chỉnh nghệ thuật biểu diễn gặp khó

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đầu tháng 4, Bộ VHTT&DL chính thức ra thông báo bác bỏ dự thảo Thông tư quy định chi tiết về việc cấp thẻ hành nghề nghệ thuật biểu diễn (NTBD), trình diễn thời trang cho các nghệ sĩ ở Việt Nam.

Như vậy, thẻ hành nghề biểu diễn cho nghệ sĩ được kỳ vọng góp phần chấn chỉnh NTBD đúng với thuần phong mỹ tục sẽ không được ban hành. Cơ quan quản lý văn hóa lại đau đầu 

Số phận long đong của chiếc thẻ

Thẻ hành nghề biểu diễn không quá xa lạ với các nghệ sĩ. Bởi năm 1999, theo đề xuất của Cục NTBD, hàng nghìn thẻ hành nghề đã được cấp. Tuy nhiên, 3 năm sau, Chính phủ đã yêu cầu bác bỏ thẻ hành nghề của nghệ sĩ, vì xét dưới góc độ quy chuẩn pháp luật, chiếc thẻ hành nghề giống như giấy phép con.

NTBD ngày càng phát triển, Cục NTBD càng cảm thấy bó tay trước những phát ngôn gây sốc của Ngọc Trinh, Phi Thanh Vân, Angela Phương Trinh… Rất nhiều người đẹp không danh cũng tự xưng nghệ sĩ, hoa hậu này, hoa hậu nọ để lừa bịp công chúng, đặc biệt là các sự kiện diễn ra ở các tỉnh xa. Hình ảnh ăn mặc phản cảm của nghệ sĩ xuất hiện ngày càng nhiều nhưng cũng không có chế tài để ngăn chặn. Chính vì vậy, theo quan điểm của Cục NTBD, thẻ hành nghề được xem là giải pháp hiệu quả nhất để chấn chỉnh hoạt động NTBD trở về đúng với thuần phong mỹ tục.
Không cấp thẻ hành nghề sẽ tạo khoảng trống trong quản lý nghệ thuật biểu diễn.
Không cấp thẻ hành nghề sẽ tạo khoảng trống trong quản lý nghệ thuật biểu diễn.
Năm 2012, Cục NTBD thêm một lần đề xuất với Bộ VHTT&DL được phép xây dựng dự thảo Thông tư quy định chi tiết về việc cấp thẻ hành nghề cho các nghệ sĩ ở Việt Nam. Sau rất nhiều lần tưởng cấp rồi lại chưa thể cấp, ngày 1/1/2016, bản dự thảo Thông tư quy định chi tiết việc cấp thẻ hành nghề, biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang vẫn được đưa lên trang web cinet.vn (thuộc Bộ VHTT&DL) để lấy ý kiến đóng góp. Song, vào ngày 2/4, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Vương Duy Biên cho biết: Bộ VHTT&DL chính thức bác bỏ dự thảo Thông tư cấp thẻ hành nghề cho nghệ sĩ. Bởi vì, Nghị định 15/2016/NĐ-CP ban hành ngày 15/3/2016, bổ sung một số điều của Nghị định số 79/2012/NĐ-CP không đề cập đến nội dung cấp thẻ hành nghề biểu diễn cho nghệ sĩ. Khi quyết định này được thực hiện, rất nhiều vấn đề mặt trái của NTBD đang làm khó nhà quản lý vẫn chưa biết cách chấn chỉnh theo cách nào.

“Khoảng trống” quản lý

Ở Việt Nam, thẻ hành nghề được ban hành, ngoài những mục tiêu chấn chỉnh ăn mặc phản cảm, phát ngôn gây sốc, thi “chui”… còn nhằm quản lý những sản phẩm âm nhạc phát hành online đang xuất hiện tràn lan hiện nay. Theo quy định của dự thảo Thông tư cấp thẻ hành nghề, những nghệ sĩ phát hành các sản phẩm lên internet, nếu không xin phép sẽ bị thu thẻ hành nghề. Trước cơn bão MV, nhập nhèm sản phẩm chất lượng và âm nhạc rẻ tiền, ca sĩ Trọng Tấn ủng hộ phương án kiểm duyệt từng sản phẩm âm nhạc. Theo ca sĩ Trọng Tấn, đây không phải việc làm quá khó khăn hay phức tạp, các nghệ sĩ nên hợp tác cùng các đơn vị liên quan để nâng cao chất lượng đời sống văn hóa. Tuy nhiên, khi dự thảo Thông tư cấp thẻ hành nghề không còn được ban hành, thì việc kiểm duyệt nội dung MV còn bỏ ngỏ.

Trước thông tin bác bỏ dự thảo Thông tư cấp thẻ hành nghề, trong giới nghệ sĩ không thiếu những người mừng thầm. Bởi vì, họ tiếp tục được tự do nhận sô, tự do biểu diễn mà không phải báo cáo. Tuy nhiên, những người làm nghề chân chính như ca sĩ Trọng Tấn, ca sĩ Hà Anh - top 6 Sao Mai điểm hẹn 2012… lại tỏ ra buồn rầu, bởi vì chưa có chế tài xử lý vi phạm để tránh chuyện “con sâu làm rầu nồi canh”, gạt bỏ những kẻ hám lợi mà đi ngược lại giá trị nghệ thuật đích thực.

Hiện nay, Bộ VHTT&DL vẫn bỏ ngỏ phương án sẽ làm văn bản xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ cho phép ban hành dự thảo Thông tư chi tiết việc cấp thẻ hành nghề cho nghệ sĩ ở Việt Nam. Song, trước mắt, Bộ sẽ phải chỉ đạo Cục NTBD kịp tìm ra cách quản lý các “khoảng trống” đang còn bỏ ngỏ quản lý trong NTBD. Đặc biệt, Bộ sẽ vận dụng tối đa vào Nghị định 15 mới được ban hành, để đưa giá trị văn hóa trở về đúng với thuần phong mỹ tục.