Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chấn chỉnh tình trạng bổ nhiệm cán bộ “thần tốc”: Phải xử thật nghiêm

Hà Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chưa hết băn khoăn trước đà thăng quan tiến chức nhanh đến chóng mặt tại Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ và tỉnh Thanh Hóa, ai cũng ngỡ ngàng trước quan lộ thần tốc của một vị đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định vừa được báo chí thông tin thời gian qua.

Ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho những việc này, đó là câu hỏi đang được dư luận quan tâm để tình trạng bổ nhiệm "bừa" sẽ không trở thành “tình trạng chung” trong tương lai.

Dục tốc bất đạt

Câu nói đó thật đúng khi “áp” vào một số trường hợp bổ nhiệm cán bộ quá nhanh thời gian qua. Mới đây nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ra nghị quyết cho thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội chuyên trách ở T.Ư đối với ông Nguyễn Văn Cảnh - Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, theo nguyện vọng của ông này. Với một chức vụ “không hề nhỏ” như vậy, nếu đơn thuần là “nguyện vọng cá nhân” thì đây là việc làm đáng trọng, nhưng thực tế cho thấy có khá nhiều khúc mắc đằng sau quyết định “từ quan” này.

Ông Nguyễn Văn Cảnh - nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội và bà Trần Vũ Quỳnh Anh - Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa.

Trong khi hầu hết cán bộ phải miệt mài phấn đấu thời gian rất dài mới được ghi nhận, cất nhắc, bổ nhiệm thì ông Nguyễn Văn Cảnh không hiểu có năng lực gì lại “đốt cháy được giai đoạn” dù mới chân ướt chân ráo bước vào làm công chức. Cụ thể, từ 20/3 - 15/8/2013, trong vòng 5 tháng, ông Cảnh từ chủ một DN tư nhân đã “thần tốc” trở thành Chánh văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội - HĐND tỉnh Bình Định. Đến ngày 28/11/2014, Ban Công tác đại biểu - Ủy ban Thường vụ Quốc hội có công văn thông báo đồng ý chủ trương điều ông Cảnh về làm Ủy viên chuyên trách Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội. Trước tiến độ quá nhanh này, mới đây, Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã yêu cầu tỉnh Bình Định phải kiểm điểm về những thiếu sót, khuyết điểm trong công tác cán bộ, trong đó có trường hợp ông Nguyễn Văn Cảnh. Đến đây, dư luận cũng có thể lờ mờ nhận ra lý do "từ quan” thực chất là gì.

Tuy nhiên, có điều dư luận, trong đó có cả những người làm công tác quản lý vẫn không thể hiểu nổi một quy trình được cho là rất chặt chẽ về công tác cán bộ, đặc biệt là việc bổ nhiệm chức vụ, nhưng không hiểu sao lại rộng mở với số ít cá nhân. Như trường hợp một Vụ phó của Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ được bổ nhiệm khi còn đang du học, thậm chí nhiều lãnh đạo trong cơ quan còn… không biết mặt. Hay chuyện quan lộ “thần tốc” của nữ Trưởng phòng Trần Vũ Quỳnh Anh thuộc Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa mới đây chỉ bị “hãm lại” khi có dư luận. Từ nhân viên tạp vụ, con đường thăng tiến của vị này là cực nhanh, bất chấp vừa làm vừa nghỉ sinh nở và đi học. Không chỉ “giỏi chuyên môn”, bà Quỳnh Anh còn khiến tất cả choáng váng khi kê khai thu nhập cá nhân cả năm được vài chục triệu đồng nhưng lại ở biệt thự hoành tráng, đi siêu xe hàng tỷ đồng.

Không chỉ cá nhân riêng lẻ, thông tin gần đây được Thanh tra Bộ Nội vụ công bố ngày 8/3 là ông Vũ Huy Hoàng, lúc đương nhiệm Bộ trưởng Bộ Công Thương, từ năm 2011 đến tháng 6/2016 đã bổ nhiệm 345 trường hợp, riêng năm cuối nhiệm kỳ là gần 100 trường hợp, trong đó nhiều trường hợp bổ nhiệm có sai phạm, không đúng quy định pháp luật. Điển hình là các quyết định bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh. Riêng trường hợp ông Vũ Quang Hải, con trai ông Vũ Huy Hoàng, các quyết định bổ nhiệm giữ trọng trách tại Bộ Công Thương và tại Tổng Công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SABECO) do lãnh đạo Bộ ra quyết định cũng đã được thu hồi.

Đừng để “hòa cả làng”

Nhiều ý kiến cho rằng, công tác cán bộ hiện đang là mảnh đất màu mỡ để một số cá nhân nắm giữ quyền sinh sát về nhân sự ở một số cơ quan đơn vị trục lợi, kiếm chác, tham nhũng, tiêu cực. Lý do là hành vi tham nhũng trong công tác cán bộ mang lại nhiều lợi ích vật chất nhưng ít để lại dấu vết, dễ che giấu và rất khó phát hiện. Trong khi đó, hiếm có trường hợp nào bị xử lý kỷ luật do bổ nhiệm trái quy định, sai nguyên tắc, cùng lắm chỉ bị nhắc nhở, rút kinh nghiệm.

Trở lại câu chuyện bổ nhiệm đối với ông Nguyễn Văn Cảnh hay bà Trần Vũ Quỳnh Anh, nhiều người đặt câu hỏi: Phải chăng có sự nâng đỡ, chống lưng của ai đó? Bởi với tuổi đời khá trẻ, ít kinh nghiệm thực tế, chưa thể hiện được năng lực gì rõ ràng mà thăng tiến như vậy rất bất thường. Nguyên đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến cho rằng, nhiều cán bộ công chức cống hiến hàng chục năm vẫn không lên được một cấp, nhưng không ít trường hợp lại thăng tiến vù vù, điều đó cho thấy công tác quản lý cán bộ còn bất cập, lỏng lẻo.

Do đó, để hạn chế tình trạng này, phải gắn trách nhiệm người đứng đầu, người bổ nhiệm một cách rõ ràng hơn. Có trường hợp, khi cán bộ sai phạm bị kỷ luật hoặc làm không đúng quy trình, người trực tiếp ký quyết định lại đổ lỗi cho cơ quan tham mưu, thành ra hòa cả làng. Tiếp đó, cần công khai việc bổ nhiệm cán bộ, công chức để người dân biết, giám sát. Những trường hợp chưa đủ điều kiện, có sự ưu ái, cất nhắc sẽ nhanh chóng bị phát hiện, xác minh để xử lý, ngăn chặn kịp thời. Tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác bổ nhiệm cán bộ để phát hiện, xử lý các trường hợp bổ nhiệm không đúng quy định, kiên quyết thu hồi ngay quyết định bổ nhiệm sai, dù việc bổ nhiệm có thể diễn ra trước đó rất lâu. Đồng thời, cần chú trọng đến việc xác minh thông tin phản ánh từ cơ quan báo chí, dư luận xã hội để điều tra, làm rõ đối với các vụ việc có dấu hiệu sai phạm, tuyệt đối không bao che, dung túng cho hành vi vi phạm.

Ngoài các nội dung trên, việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý cần phải có một quy trình chặt chẽ từ khâu lấy phiếu tín nhiệm, công khai, minh bạch, phát huy dân chủ, cạnh tranh, rà soát tiêu chuẩn nhiều mặt, đồng thời tiến tới thi tuyển các chức danh thì mới có thể bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý một cách khách quan, đúng điều kiện, tiêu chuẩn, phát huy tính dân chủ, công bằng và hạn chế tình trạng “loạn” bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan hiện nay.

Không công khai, minh bạch sẽ khó kiểm soát

“Con voi mà chui lọt lỗ kim” thì lỗi do quản tượng. Chúng ta phải kiểm tra lại xem tại sao quản tượng lại giỏi như thế. Có thể quản tượng đã thiết kế một con đường khác hoặc là cho voi phá rào. Quy trình không có lỗi và quy trình bổ nhiệm nhân sự đã được thiết kế, xây dựng rất rõ. Công tác giám sát cũng chưa đến nơi đến chốn. Đặc biệt để xảy ra hiện tượng này, những người chịu trách nhiệm đã không công khai, minh bạch.

Tôi nhớ ở vụ ở Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, khi vụ việc vỡ lở, một đồng chí nguyên Phó Ban chỉ đạo còn nói là không biết. Dù thời điểm nhận cậu này vào, vị Phó Ban kia còn đương chức. Có nghĩa là có đồng chí giấu nhẹm, không đề cập, báo cáo về việc bổ nhiệm. Không cung cấp thông tin, không minh bạch thì làm sao giám sát được. Vai trò người quản tượng, người đứng đầu là vô cùng quan trọng.

Đại biểu Quốc hội  Lưu Bình Nhưỡng


Nên sớm thi tuyển các chức danh lãnh đạo

Nhiều nơi đã thực hiện thi tuyển các chức danh lãnh đạo, quản lý, cho thấy kết quả rất tốt. Vì khi đi thi, các thí sinh đã phải làm hồ sơ, ghi rõ trình độ, sở trường, năng lực, kinh nghiệm thực tiễn thế nào. Khi thi, bên cạnh ban giám khảo, nên mời cả báo chí tham gia giám sát và đưa tin. Công khai, minh bạch như vậy thì sẽ hạn chế được những trường hợp tiêu cực. Bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội cho những người có năng lực được thể hiện, có đất diễn mà không sợ lãng phí tài năng. Lợi ích như vậy, tại sao vẫn chưa làm rộng rãi trong cả nước?

Ông Phạm Văn Biên  (phường Trần Phú, quận Hoàng Mai)