Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chân dung vị Chủ tịch huyện vừa ra đi trong mưa lũ: "Phong Điền kỳ vọng vào Bình lắm”

Quang Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Từ nhỏ đến lớn, Bình sống tình cảm lắm, chẳng làm mất lòng ai. Làm lãnh đạo huyện mà Bình sống chân chất như dân. Tiếc thương, đau đớn lắm!”, ông Nguyễn Xuân Đức (65 tuổi, hàng xóm) nói về vị Chủ tịch UBND huyện Phong Điền Nguyễn Văn Bình gặp nạn khi đi cứu hộ tại thủy điện Rào Trăng 3.

Ngôi nhà cấp 4 loang lổ vì mưa bão
Tới Tứ Hạ, ghé hỏi thăm đường về nhà Chủ tịch UBND huyện Phong Điền Nguyễn Văn Bình, ai cũng biết và chỉ dẫn rất nhiệt tình. Tôi cảm nhận được trong ánh mắt, lời nói của những người mình hỏi chất chứa niềm tiếc thương vị Chủ tịch huyện trẻ tuổi này.
Nhà vị Chủ tịch huyện Phong Điền nằm trên đường Sông Bồ, ở phường Tứ Hạ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế. Đó là căn nhà cấp 4 đã nhuốm màu thời gian, rêu phong. Những bức tường úa màu, loang lổ vì mưa bão suốt những ngày qua. Đồ đạc cũng chẳng có nhiều thứ quý giá. Tôi tự hỏi tại sao một vị Chủ tịch huyện mà vẫn sống với mẹ già, vợ cùng 2 đứa con thơ trong ngôi nhà như thế?
Phía trước nhà ông là con sông Bồ đang cuồn cuộn dòng nước đỏ ngàu từ thượng nguồn đổ về. Bụi tre ở ven đường ngã đổ vì mưa bão vừa kịp dọn. Mảnh vườn nhỏ cây lá xác xơ, bùn non nhão nhoẹt…
Ngôi nhà cấp 4 của Chủ tịch UBND huyện Phong Điền Nguyễn Văn Bình.
Từ sáng sớm, người dân và chính quyền thị xã Hương Trà cũng như huyện Phong Điền tập trung lực lượng đến dọn dẹp, chuẩn bị dựng rạp và mọi thứ để lo tổ chức tang lễ cho ông. Mưa như ai múc nước trên trời đổ xuống nhưng các cán bộ chiến sĩ công an, người thân, hàng xóm chẳng ai nề hà, mỗi người một việc. Mặt ai cũng buồn thương.
Nhà ở sát vách, bác Nguyễn Xuân Đức (65 tuổi) bần thần nói: “Bình từ nhỏ đến lớn sống rất tình cảm, không làm mất lòng ai hết. Làm cán bộ, trải qua nhiều vị trí rồi bây giờ lên đến Chủ tịch huyện nhưng Bình vẫn sống trong căn nhà cấp 4 do bố mẹ xây, bao nhiêu năm nay mà vẫn chưa thấy sửa chữa. Cái xe ô tô hiệu Suzuki đi làm cũ lắm rồi, bán mấy chục triệu chắc chẳng ai mua. Làm cán bộ lãnh đạo huyện mà Bình sống chân chất như dân. Tiếc thương, đau đớn lắm!”.
Ông Nguyễn Xuân Đức kể về ông Bình
“Ai chứ anh Bình thì tui biết rõ lắm, sống như người thân với tui từ nhỏ mà. Gia cảnh tội lắm, vợ làm nhân viên hợp đồng ở Trung tâm Thông tin và thể thao, còn mẹ già ngoài 70 tuổi đau ốm triền miên. Mẹ Bình có lương hưu 2, 3 triệu chi đó mỗi tháng nhưng bà không đủ chi tiêu. Có tháng chưa đến kỳ nhận lương, bà chạy sang tui mượn đỡ vài trăm tiêu tạm mà”, ông Đức kể. Ông Đức cho biết thêm, cách đây khoảng 7 năm, vì bố bị bệnh nan y nên gia đình ông Bình phải vay mượn số tiền mấy trăm triệu để chữa trị.  
Cũng là hàng xóm, ông Tiến nước mắt lưng tròng nói. “Bình đi nửa tháng không về, ai ngờ nó đi luôn. Bình nó tội lắm, chừ để lại vợ và 2 con thơ cùng mẹ già đau ốm, không biết rồi tới đây thế nào. Tui và bà con hàng xóm không bao giờ được gặp Bình nữa rồi”.
Những hàng xóm khác cũng cho hay, từ lúc Huế bão lũ đến nay chẳng mấy khi thấy ông Bình có mặt ở nhà vì bận đi khắp địa bàn chỉ đạo công tác phòng chống cứu nạn, tiếp tế lương thực cứu dân. “Mẹ già hơn 70 đau ốm nằm viện, nhà ngập sâu, Bình nhờ em vợ trông nom giúp để đi lo cho dân. Hôm Bình tham gia đoàn công tác tìm kiếm cứu nạn ở Rào Trăng 3 thì mẹ vẫn đang nằm viện. Bà con trong xóm sốc lắm. Ai cũng cầu mong phép màu sẽ đến với Bình và đoàn cứu nạn nhưng điều đó không xảy ra…”, ông Tiến ngấn lệ.
Nhiều người đội mưa dựng rạp tổ chức tang lễ cho ông Bình.
Ngồi kế bên, mẹ ông Tiến xen vào: “Bình hắn làm chủ tịch, chức to mà sống như dân tui đây. Chừ mấy chú nhà báo đi hết xóm ni hỏi mà coi, ai cũng nói như tui. Chủ tịch mà lo cho dân rứa, quý lắm”.
Ngồi bần thần tự bao giờ, ông T., anh em chú bác với ông Bình cũng xen vào câu chuyện với nỗi lòng thương tiếc, lo lắng. “Hai đứa con của Bình mới học lớp 8 và 9 thôi, mẹ già thì đau ốm quanh năm. Ni (vợ ông Bình) làm công chức ở phòng Văn hóa thông tin huyện, không biết rồi đây có lo nổi gia đình không”, ông T. âu lo. 
“Phong Điền kỳ vọng vào Bình lắm”
Là bạn chí cốt, lớn lên cạnh nhà và học cùng nhau, giờ là thuộc cấp của ông Bình, ông Hoàng Nguyễn Vĩnh Lộc (Phó giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Phong Điền) chia sẻ: “Tôi và Bình học cùng nhau từ nhỏ. Sau lên cấp 3 thì Bình học trường Quốc học Huế, rồi đỗ Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh. Từ khi bạn lên Chủ tịch huyện đến nay, địa phương hết bão rồi lụt nên anh ấy đi suốt”.
Ngôi nhà mà ông Bình sinh sống đã nhuốm màu thời gian.
Về vị Chủ tịch huyện Phong Điền, anh Lộc nói: “Bình là một lãnh đạo tâm huyết, công tác giúp dân hay bất cứ vấn đề gì vướng mắc anh ấy đều tham mưu lãnh đạo tỉnh giải quyết ngay. Chuyên môn thì Bình rất giỏi. Trong công việc, Bình rất quyết liệt chỉ đạo, rất khoa học và chẳng nể nang ai. Những gì anh em làm sai thì Bình đều kêu lên phân tích, uốn nắn. Còn ai cố tình làm sai thì xử lý nghiêm khắc. Bình cũng rất cởi mở trong công việc, luôn lắng nghe ý kiến của cấp dưới để cùng nhau đưa ra quyết định đúng đắn nhất. Không ai có một tiếng xì xầm gì về Bình cả”.
Ông Lộc chia sẻ thêm: “Bình là người lãnh đạo, vừa là đồng nghiệp rất tận tụy với công việc. Vì thế, anh em cơ quan ai cũng nể phục Bình. Phong Điền kỳ vọng vào Bình lắm! Vậy mà…”.
Trời Huế hôm nay mưa như trút nước khiến lòng người thêm trĩu nặng tâm can…
Ông Nguyễn Văn Bình 42 tuổi, trú thị trấn Tứ Hạ, thị xã Hương Trà; quê gốc xã Phong An, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế. Ông được HĐND huyện Phong Điền bầu cử chức danh Chủ tịch UBND huyện tại kỳ họp chuyên đề lần thứ 6, Khóa 6, nhiệm kỳ 2016-2021 ngày 1/9/2020.
Trước khi được bầu giữ chức Chủ tịch UBND huyện, ông Nguyễn Văn Bình từng kinh qua các chức vụ: Phó Giám đốc rồi Giám đốc Ban Đầu tư-Xây dựng huyện Phong Điền. Bí thư Đảng ủy xã Phong An, Trưởng Phòng kinh tế hạ tầng UBND huyện Phong Điền, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, Phó Bí thư Huyện ủy Phong Điền.
Ngày 12/10, ông Nguyễn Văn Bình cùng đoàn công tác của Quân khu 4 và tỉnh Thừa Thiên-Huế vào cứu nạn tại thủy điện Rào Trăng 3. Đêm 12 rạng ngày 13/10, khi đoàn đang nghỉ tại Trạm Quản lý và Bảo vệ rừng thuộc Tiểu khu 67 thì bị núi sạt lở, hy sinh.