Chặn lãng phí, tham nhũng

Vũ Duy Thông
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lâu nay, tuy có nhắc đến nhưng có lẽ do tệ tham nhũng thu hút sự chú ý nên dư luận có phần nào lơ là với tệ lãng phí.

Thực ra, tệ lãng phí cũng phổ biến và gây thiệt hại không kém gì nếu không nói là thiệt hại hơn tham nhũng. Nước ta đang tiến chậm hơn nhiều nước đang phát triển bởi tham nhũng, lãng phí. Lãng phí vì tham nhũng đã đành, lãng phí không do tham nhũng mà do dốt nát, vô trách nhiệm cũng còn khá phổ biến gây tác hại lớn ở nhiều nơi, nhiều ngành.
 Ảnh minh họa
Lãng phí về con người, cả nước hiện có 20 vạn cử nhân, trên cử nhân thất nghiệp. Hàng vạn học sinh, sinh viên du học không chịu về nước vì điều kiện làm việc, lương bổng thấp. Trong khi đó, chất lượng giáo dục, chất lượng đào tạo của nước ta quá kém, nặng về nhồi nhét kiến thức, không lấy mục tiêu đào tạo con người làm chính, hai thập kỷ vẫn loay hoay, lúng túng, không tìm được lối ra. Cả  nước có hàng vạn giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sỹ… nhưng hiệu quả của những người này còn quá ít ỏi cho xã hội. Bộ máy nhà nước cồng kềnh, chồng chéo, hàng triệu người sáng cắp ô đi, tối cắp ô về, năng lực yếu, đạo đức thoái hóa.
Lãng phí về công nghệ, Việt Nam đang trở thành bãi thải công nghệ của thế giới. Rất nhiều đoàn ra nước ngoài nghiên cứu, khảo sát nhưng nhập về toàn máy móc tân trang, nhiều nhà máy công nghệ lạc hậu như xi măng, thép, bê tông đúc sẵn, các nhà máy không có hệ thống xử lý khói bụi, nước thải. Hàng nhiều thập kỷ, đầu tư nước ngoài bằng mọi giá, cốt lấy vốn tăng trưởng, mặc tài nguyên bị bóc lột, môi trường xuống cấp, kinh tế xô lệch, lãi chảy ra nước ngoài. Do không chú ý tới cải tiến, đổi mới công nghệ, năng suất lao động của nước ta chỉ bằng 15% đến 50% so với khu vực và trên thế giới trong khi giá trị ngày công lao động không ngừng tăng lên.
Lãng phí về tài nguyên, tiền của, hàng ngàn héc ta đất nông nghiệp bị phá hoại, để mặc cỏ mọc, hàng loạt công trình nghìn tỷ như nhà máy xơ sợi, phân bón, giấy… không điều tra quy hoạch kỹ càng, lỗ mẹ chồng lỗ con, càng sản xuất càng lỗ. Rồi nhiều dự án, quy hoạch  làm cho lấy lệ hoặc không được tôn trọng, bị treo hàng vài chục năm. Chất lượng công trình xuống cấp vì điều tra quy hoạch không cẩn thận, thi công bớt xén, quấy quá. Rồi chuyện cán bộ mới lên chức thì mua xe sang, thay đổi nội thất. Cơ quan địa phương từ tỉnh, huyện, xã  xây nhà làm việc khang trang; Có tỉnh xây quảng trường, tượng đài, sân vận động hiện đại trong khi Nhà nước vẫn phải trợ cấp hàng năm cho dân vì thiên tai, đói kém. Các công trình, dù to hay nhỏ, đều động thổ, khởi công, hoàn công. Dịp đầu năm, cuối năm nào, các cơ quan, xí nghiệp đến từng HTX đều tổ chức liên hoan sơ kết, tổng kết tốn kém, nặng về hình thức. Tình trạng lãng phí phổ biến đến mức báo động như thói quen sính hàng ngoại; hiếu, hỉ phải làm mâm cao cỗ đầy... Một đất nước có quá đông người như vậy, không thể giàu có, phát triển bền vững được.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017. Theo đó, chính phủ sẽ cắt 100% ngân sách dành cho việc động thổ, khánh thành, giảm 12% cho các cuộc hội thảo, hội họp, hội nghị; giảm 12% ngân sách chi hành chính cho các cơ quan, xí nghiệp, yêu cầu mỗi công trình, dự án tiết kiệm 12% so với dự kiến. Hạn chế dần các cuộc họp không cần thiết (có cuộc họp trực tuyến nhưng tính ra, kinh phí còn cao hơn cả cuộc họp được triệu tập thông thường), thực hiện lồng ghép nội dung công việc cần xử lý, giảm dần tần suất và sự phô trương của các lễ hội, hạn chế kinh phí đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài; thu hồi 100% nhà công vụ  sử dụng sai mục đích; hạn chế mua ô tô đắt tiền không đúng quy định; tinh giản từ 1,5 - 2% biên chế công chức, cán bộ sự nghiệp…
Đây là những bước đi ban đầu tấn công vào thói lãng phí, tham nhũng, thực hành tiết kiệm theo Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã được Quốc hội thông qua. Nó cũng là một bước công khai tấn công vào tệ nạn lãng phí vốn rất trầm trọng trong xã hội ta. Thành công này sẽ tạo đà để tấn công sâu hơn vào tệ lãng phí, còn phức tạp và nặng nề. Mong rằng nó không bị chìm giữa một đống giấy tờ, văn bản mà thực sự gây dựng được ý thức tiết kiệm trong người Việt Nam, để tích cóp nguồn lực xây dựng một Việt Nam cường thịnh.