Nhiều nút thắt
Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của huyện Quốc Oai, với nhiều trang trại lợn, gà thịt, gà đẻ trứng quy mô lớn.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Phạm Quang Tuấn, đưa ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi là mục tiêu huyện phấn đấu để tăng hiệu quả. Tuy nhiên, việc nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao ở địa phương còn rất hạn chế. Bởi chăn nuôi công nghệ cao cần nguồn vốn và quỹ đất lớn. Mặt khác, thời hạn cho thuê đất hiện nay ngắn (5 năm), sau đó phải đấu giá lại mới được thuê tiếp nên người dân, doanh nghiệp chưa yên tâm đầu tư lâu dài. Bên cạnh đó, một số chính sách ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ nên khó thu hút được các DN.
Ông Lê Đình Bình ở xã Đông Yên, Quốc Oai hiện đang phát triển mô hình chăn nuôi gà đồi với quy mô trang trại hơn 1.000 con. Gia đình ông rất muốn ứng dụng công nghệ vào sản xuất, nhưng chưa thực hiện được vì thiếu vốn. Để xây dựng chuồng trại quy mô khép kín, có hệ thống làm mát, máng ăn tự động... cần nguồn vốn khoảng từ 700 – 800 triệu đồng, đây là một khoản không nhỏ với các hộ dân. Do đó, gia đình mới chỉ đầu tư từng phần, xây dựng chuồng trại khép kín để phòng chống dịch bệnh.
Công ty CP Tiên Viên là một trong những DN đầu tư lớn vào chăn nuôi gà ở Chương Mỹ. Hiện công ty đang liên kết với 30 trang trại chăn nuôi vệ tinh, duy trì đàn gà khoảng 120.000 gà đẻ, thương phẩm. Để hoàn thiện chuỗi, công ty đầu tư hàng chục tỷ đồng cho khu sơ chế, đóng gói sản phẩm trứng với công suất 200.000 quả/ngày. Tuy nhiên, hiện nay công ty chưa xây dựng được nhà máy giết mổ công nghiệp hiện đại theo kế hoạch do chưa đáp ứng yêu cầu về vấn đề cấp phép xây dựng. Giám đốc Công ty CP Tiên Viên Đặng Đình Tiên cho biết, hiện công ty đang phải thuê giết mổ gia cầm ở bên ngoài với chi phí cao. Công ty kiến nghị các sở, ngành tham mưu TP hỗ trợ các vấn đề liên quan đến thủ tục cấp phép xây dựng và kết nối các nguồn vốn hỗ trợ để công ty sớm hoàn thành dự án xây dựng nhà máy giết mổ công nghiệp hiện đại.
Nói về thực trạng ứng dụng công nghệ vào chăn nuôi ở Hà Nội, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, những năm gần đây hầu hết các trang trại chăn nuôi lớn trên địa bàn TP đã bước đầu ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Trong đó có 557 trang trại sử dụng công nghệ chuồng kín; 26 trang trại sử dụng công nghệ dây chuyền cho ăn uống tự động; 200 trang trại sử dụng công nghệ bán tự động; 35 trang trại sử dụng công nghệ nuôi trên sàn nhựa... Tuy nhiên, hầu hết các trang trại mới chỉ đầu tư một phần, manh mún, chưa đồng bộ, nên hiệu quả chưa cao.
Cần đồng bộ giải pháp
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp TP sẽ tập trung thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và đẩy mạnh ứng dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ sản xuất hiện đại nhằm tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng đàn gia súc gia cầm.
Cụ thể phấn đấu, 100% trang trại chăn nuôi lớn sử dụng hệ thống chăn nuôi chuồng kín, tự động hóa dây chuyền trong chế biến thức ăn, cho ăn uống tự động, kiểm soát dịch bệnh, xử lý môi trường chăn nuôi; 100% các trang trại chăn nuôi quy mô lớn được ứng dụng công nghệ cao sản xuất theo chuỗi có thương hiệu sản phẩm, được đánh giá đủ điều kiện chăn nuôi, an toàn dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm; 100% cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp, bán công nghiệp được ứng dụng công nghệ cao, tiên tiến, hiện đại, đảm bảo các điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm.
“Trong giai đoạn vừa qua, TP có các chính sách về phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn TP, trong đó có chính sách phát triển chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh. Điểm nhấn là Nghị quyết số 10/2018/NQ- HĐND ngày 5/12/2018 của HĐND TP về một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; xây dựng hạ tầng nông thôn. Đây chính là những tiền đề phát triển nông nghiệp nói chung, phát triển chăn nuôi công nghệ cao nói riêng” – ông Nguyễn Huy Đăng nhấn mạnh.
Để tháo gỡ những vướng mắc trong việc ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi ở Hà Nội, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho rằng cần có giải pháp đồng bộ từ cơ chế chính sách, hạ tầng phụ trợ. Việc làm đầu tiên đó là cần quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, để kêu gọi các cá nhân, DN đầu tư. Trong đó, những cá nhân, DN đầu tư vào lĩnh vực này được ưu tiên giao đất, cho thuê đất ở những vị trí thuận lợi cho sản xuất; được hưởng các chính sách ưu đãi về đầu tư, cơ sở hạ tầng, khoa học công nghệ, môi trường.
Tiếp đến là tháo gỡ về chính sách đầu tư. Trên cơ sở rà soát, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các cơ chế, chính sách hiện có về hỗ trợ phát triển ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, nhất là chính sách về đất đai, môi trường, xây dựng hạ tầng, giết mổ, an toàn thực phẩm, chợ đầu môi… Mặt khác, cần phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ hỗ trợ cơ khí hóa sản xuất thiết bị chuồng nuôi, thiết bị chế biến, giết mổ, máy chế biến thức ăn, chế biến sản phẩm gia súc, gia cầm. Tăng cường tổ chức cho các đối tượng tham gia chợ, hội chợ, triển lãm công nghiệ cao trong chăn nuôi (các hội thi về bò, lợn, gia cầm, các phiên đấu giá gia súc, gia cầm...).