Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chăn nuôi Hà Nội thiệt hại khoảng 1.500 tỷ đồng

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước tình hình giá lợn hơi giảm mạnh, ngày 27/4, Trung tâm Phát triển Chăn nuôi Hà Nội đã tổ chức hội nghị triển khai các giải pháp ổn định chăn nuôi trên địa bàn TP.

Theo Trung tâm Phát triển Chăn nuôi Hà Nội, giá lợn hơi trên thị trường trong 6 tháng trở lại đây bình quân là 25.000 đồng/kg, trong khi giá sản xuất trung bình là 33.000 đồng/kg (đối với các hộ phải mua lợn giống là 39.000 đồng/kg). Do vậy, người chăn nuôi thiệt hại khoảng 1 triệu đồng/một con lợn (đối với các hộ phải mua lợn giống là 1,6 triệu đồng/con). Với số lượng 1,5 triệu con lợn thịt bán ra từ tháng 10/2016 tới nay, các hộ chăn nuôi trên toàn TP Hà Nội thiệt hại khoảng 1.500 tỷ đồng.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Huy Đăng phát biểu tại hội nghị.
Giám đốc Trung tâm Phát triển Chăn nuôi Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, do giá lợn xuống thấp khiến một số nông hộ chủ động tự giết mổ đưa ra chợ tiêu thụ. Các hộ này bán bằng mọi giá nên ảnh hưởng tới yếu tố cân bằng giá thị trường. Để ổn định tình hình, Trung tâm Phát triển Chăn nuôi Hà Nội khuyến cáo trước mắt cần giảm nhanh đàn lợn nái, các trang trại chăn nuôi quy mô lớn cần loại ngay lợn nái kém chất lượng, năng suất sinh sản thấp (hiện chiếm khoảng 30 - 40% tổng đàn nái), đối với Hà Nội cần giảm đàn lợn nái xuống còn 180.000 - 200.000 con. Đồng thời loại thêm lợn con sơ sinh có trọng lượng thấp dưới 0,8kg/con, sức khỏe kém.

Ngoài ra, các DN giết mổ, chế biến cần hợp tác với trại chăn nuôi để giết mổ, chế biến cấp đông sản phẩm chăn nuôi. Đồng thời tăng cường chế biến, đa dạng hóa sản phẩm thức ăn từ lợn, tăng sức tiêu thụ của thị trường trong nước, tăng cường giết mổ cấp đông lợn sữa để xuất khẩu hoặc tiêu thụ trong nước. Trung tâm Phát triển Chăn nuôi Hà Nội cũng đề nghị các hộ chăn nuôi sử dụng thức ăn tự phối trộn để giảm giá thành và tận dụng nguồn thức ăn có sẵn, chăm sóc đàn lợn để không phát sinh dịch bệnh. Đặc biệt, các ngân hàng, tổ chức tín dụng cần khoanh nợ, giãn nợ cho người chăn nuôi.

Đối với giải pháp dài hạn, theo Trung tâm Phát triển Chăn nuôi Hà Nội, cần phát triển chăn nuôi theo quy hoạch, ưu tiên theo hướng xã trọng điểm, chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư, áp dụng thức ăn sinh học và hữu cơ. Đồng thời ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng xuất, giảm giá thành sản phẩm. Đặc biệt, chăn nuôi theo chuỗi liên kết từ chăn nuôi đến tiêu thụ sản phẩm đảm bảo ATTP, cân đối cung cầu và đẩy mạnh tiêu dùng thịt mát, thịt cấp đông.

Liên quan tới vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Huy Đăng cũng đề nghị cần tổ chức chăn nuôi theo hướng liên kết giữa cơ sở cung cấp giống, thức ăn, thuốc thú y, trang trại, giết mổ, chế biến, phân phối nhằm chia sẻ lợi ích cũng như rủi ro. Theo ông Đăng, người chăn nuôi chỉ mở rộng sản xuất khi có kế hoạch đầu ra, trong đó chủ trương của TP là tập trung vào thế mạnh cạnh tranh là sản xuất con giống, vừa tốn ít đất đai lại hạn chế ô nhiễm môi trường và mang lại giá trị gia tăng cao. Ông Đăng cũng đề nghị các DN tăng tỷ lệ thịt cấp đông, tăng thu mua và giảm giá bán sản phẩm thịt để kích thích tiêu dùng. Trước mắt, Sở NN&PTNT sẽ đề xuất tăng cường cho vay từ Quỹ Khuyến nông TP và đề nghị TP cho vay từ Quỹ Bình ổn giá, Quỹ Đầu tư phát triển để giúp các hộ chăn nuôi duy trì, phục hồi sản xuất.