Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chăn nuôi lợn an toàn sinh học: Hướng đi bền vững

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm qua, chăn nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học (ATSH) phát triển khá nhanh.

Trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) chưa có dấu hiệu được khống chế, đây được xem là một trong những giải pháp tích cực cần được nhân rộng.
Phương thức được chú trọng
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, năm 2017, số trang trại chăn nuôi lợn ATSH cả nước là 2.483 trang trại với tổng đàn gần 2,8 triệu con, chiếm tỷ lệ 9,3% tổng đàn lợn cả nước. Đến năm 2018, số trang trại chăn nuôi lợn ATSH tăng lên 2.502 trang trại, với tổng đàn trên 2,82 triệu con, chiếm tỷ lệ 9,9% tổng đàn. Trong khi đó, năm 2017, số hộ chăn nuôi lợn ATSH cả nước được thống kê là 27.710 hộ, chiếm 10% tổng số hộ chăn nuôi lợn cả nước, với tổng đàn 276.250 con (chiếm tỷ lệ 0,9%).
 Chăm sóc đàn lợn tại huyện Đông Anh. Ảnh: Lâm Nguyễn
Đến năm 2018, số hộ chăn nuôi lợn ATSH tiếp tục tăng lên 27.991 hộ, chiếm tỷ lệ 11,1% tổng số hộ chăn nuôi lợn của cả nước, với tổng đàn là 373.770 con (chiếm khoảng 1% tổng đàn lợn của các tỉnh, TP).
Số lượng trang trại, hộ chăn nuôi lợn ATSH tăng dần qua các năm phù hợp với xu thế chăn nuôi hiện nay. Điều này cũng cho thấy người dân đang ngày một quan tâm nhiều hơn tới phương thức chăn nuôi lợn ATSH.
Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, chăn nuôi lợn ATSH đóng vai trò rất quan trọng, mang tính bền vững, đặc biệt là trong bối cảnh bệnh DTLCP diễn biến phức tạp. Thực tiễn thời gian qua cho thấy, những trang trại, cơ sở, hộ gia đình chăn nuôi lợn làm tốt công tác ATSH cơ bản vẫn an toàn, dù nằm giữa vùng bệnh dịch tả lợn.
Chuyển dịch chăn nuôi nông hộ
Một trong những định hướng của ngành chăn nuôi được xác định trong thời gian tới là phát triển nhanh quy mô đàn lợn theo hướng trang trại, công nghiệp bền vững. Để hiện thực hóa mục tiêu trên, chú trọng áp dụng chăn nuôi lợn ATSH, theo tiêu chuẩn VietGAHP và an toàn dịch bệnh ở những nơi có điều kiện về đất đai, kiểm soát thú y và môi trường là rất cần thiết.
Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Xuân Dương cho rằng, trong bối cảnh bệnh DTLCP vẫn diễn biến phức tạp thì việc tăng cường các biện pháp ATSH trong chăn nuôi lợn là hết sức cần thiết.
Bên cạnh đó, người chăn nuôi nên kết hợp sử dụng các chế phẩm sinh học trong vệ sinh chuồng trại, bổ sung trong thức ăn, nước uống, độn chuồng theo hướng dẫn đã được Bộ NN&PTNT khuyến cáo tại Công văn số 5329/BNN-CN về tăng cường một số biện pháp ATSH trong chăn nuôi đề phòng, chống bệnh DTLCP.
Cũng theo ông Nguyễn Xuân Dương, thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục chỉ đạo các tỉnh, TP chuyển dần từ chăn nuôi nông hộ sang chăn nuôi trang trại. Xác định quy mô trang trại phù hợp với từng vùng miền, địa phương. Tổ chức lại sản xuất, trong đó, với chăn nuôi lợn trang trại, công nghiệp, theo hướng hữu cơ, ATSH, chăn nuôi ở vùng an toàn dịch bệnh thì thực hiện theo chuỗi liên kết.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến thông tin thêm, để ưu tiên phát triển chăn nuôi bền vững theo hướng hữu cơ, ATSH, Bộ sẽ nghiên cứu, trình Chính phủ xem xét, hoàn thiện các cơ chế, chính sách ưu đãi.
Đặc biệt, Bộ sẽ nghiên cứu cơ chế cho vay vốn ở mức cao nhất có thể đối với các cơ sở chăn nuôi giống, cơ sở được xác nhận an toàn dịch bệnh, các cơ sở chăn nuôi ATSH có tham gia chuỗi liên kết, cơ sở giết mổ đảm bảo an toàn thực phẩm có công suất tối thiểu 200 con lợn/giờ. Đây sẽ là đòn bẩy cho mục tiêu nhân rộng phương thức chăn nuôi ATSH, góp phần hạn chế thiệt hại do bệnh DTLCP trong giai đoạn tới.

Theo thống kê, tổng đàn lợn bị tiêu hủy do bệnh DTLCP trên cả nước hiện vào khoảng 5,6 triệu con. Riêng tại Hà Nội, đã có trên 538.531 con lợn bị tiêu hủy (chiếm khoảng 29% tổng đàn), với tổng trọng lượng khoảng 37.000 tấn. Toàn TP hiện có 5 quận có bệnh DTLCP đã qua 30 ngày không phát sinh lợn mắc bệnh gồm: Hà Đông, Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Hoàng Mai và Bắc Từ Liêm.