Chàng trai Cơ Tu làm giàu từ cây đảng sâm

Công Huy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không chịu khuất phục cái khổ cái khó, sau nhiều năm phấn đấu vươn lên, giấc mơ cùng dân làng làm giàu từ cây đảng sâm của chàng trai Cơ Tu 35 tuổi Alăng Lơ đã thành hiện thực.

Chuyện người đi tiên phong
Những ngày cuối tháng 5, có dịp trở lại làng Achoong, xã Ch’Ơm, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, chúng tôi nhận thấy sự đổi thay của ngôi làng vùng biên một thời nghèo của đồng bào Cơ Tu này. Con đường nhựa mới thẳng tắp, nối dài từ trung tâm huyện Tây Giang đến tận ngõ làng Achoong.
Alăng Lơ - Trưởng thôn Achoong mời chúng tôi vào nhà, hồ hởi kể về sự “thay da đổi thịt” của vùng đất này. Cuộc sống đồng bào vùng cao bây giờ dần đổi khác nhờ cây đảng sâm - một loại dược liệu thuộc hạng đặc sản của đồng bào vùng cao nơi đây. 
Alăng Lơ sinh ra và lớn lên trong gia đình nghèo khó, lại sớm mồ côi cha mẹ từ khi còn nhỏ nên tuổi thơ anh chỉ quanh quẩn bên bản làng. Nhưng bù lại Alăng Lơ lanh lợi, siêng năng và ham học hỏi, điều này đã giúp anh vượt qua mọi gian khó, trở thành tấm gương sáng của làng.
Anh Lơ kể, khi mới bước vào lớp 1, người mẹ già anh yêu thương nhất không may qua đời khiến anh buồn rầu, tự nhốt mình trong nhà một thời gian. Sau đó, anh Lơ bỏ học, một phần vì trường quá xa, phần thì tâm lý không ổn định.
Anh Alăng Lơ giới thiệu về cây đảng sâm, dược liệu đặc sản của đồng bào vùng cao. 
“Mình học xong lớp 5 thì phải nghỉ 2 năm vì không có trường để học tiếp. Sau đó, mình cùng 3 người bạn khác đi bộ 2 ngày xuống xã Lăng xin học. Vì nhà xa quá nên cả nhóm phải đi xin nhà để ở, lần đầu thất bại, quay về rồi xuống xin lại thì may mắn có chú Alăng Bưng cho ở lại, nuôi nấng đến khi lên đại học”, anh Alăng Lơ chia sẻ.
Với kết quả học tập khá, giỏi, Lơ được tuyển vào trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh (tại TP Hội An). Hết cấp 3, anh lại trúng tuyển vào trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng. Nhưng do hoàn cảnh quá khó khăn nên hết năm thứ 2 Lơ phải nghỉ học, trở về quê sinh sống.
“Mình phải bỏ dở đại học vì không có tiền đóng học phí. Lúc này, các anh chị và chú Bưng đều gặp khó khăn về kinh tế nên mình quyết định nghỉ học về quê làm ăn. Đây là tiếc nuối lớn nhất của mình khi thất hứa với chú Bưng về chuyện học hành”, anh Lơ nghẹn ngào kể.
Rời ghế nhà trường về với bản làng biên giới còn nhiều khó khăn, anh Lơ quyết tâm thoát nghèo, Lơ bắt đầu tìm hiểu và bắt tay vào trồng cây đảng sâm và vận động bà con cùng trồng thử nghiệm. Thành công bước đầu, anh Lơ quyết tâm xây dựng mô hình hợp tác xã từ cây sâm bản địa để người dân vươn lên thoát nghèo.
“Lúc mới về làng, thấy bà con trồng không tập trung, chăm sóc chưa hiệu quả nên mình chủ động khởi xướng bà con trồng lại, trồng xen canh với các loại cây khác để tăng hiệu quả kinh tế”, anh Alăng Lơ nói.
Cùng dân làng làm giàu
Được bà con tin tưởng, bầu làm trưởng thôn, Alăng Lơ càng nung nấu quyết tâm khởi nghiệp, cùng bà con bản làng làm giàu từ đảng sâm, phát triển kinh tế của địa phương. Bước đầu anh Lơ vay ngân hàng, trồng sâm trên mảnh vườn 5ha của mình. Chỉ sau một thời gian ngắn, vườn sâm đến mùa thu hoạch, cho năng suất cao. Thấy vậy, cả làng Achoong đều trồng sâm, kinh tế của cả làng dần dần tăng lên, người dân nay đã vươn lên thoát cái đói, cái nghèo.
“Cả thôn Achoong có 32 hộ dân thì 100%  đều trồng sâm. Từ đó, đời sống bà con khá lên dần. Hồi xưa làm gì có cái tủ, cái kệ để ti vi, bây giờ ít nhất nhà nào cũng có được thứ đó, vui rồi, chỗ ăn chỗ uống thì đã được cải thiện, không còn ăn sắn nữa, thức ăn thì tùy theo mỗi hộ gia đình thôi”, anh Alăng Lơ chia sẻ.
Ngôi nhà mới khang trang của gia đình anh Lơ có được nhờ bán đảng sâm. 
Hiện hợp tác xã nông nghiệp Ch’Ơm của anh Lơ đã có hơn 20ha trồng đảng sâm, trong đó xã Ga Ri có 2ha. Theo anh Lơ, liên minh hợp tác xã thành lập nhằm mục đích hỗ trợ giống miễn phí cho bà con làm kinh tế. Bên cạnh đó, thành lập một tổ chức có tính pháp lý để lãnh tạo tỉnh, huyện quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện để phát triển.
“Năm 2019, khi mới thành lập, tỉnh hỗ trợ cho hợp tác xã 15 triệu đồng. Phòng Nông nghiệp huyện về chủ trì hỗ trợ xây dựng dự án trồng 20ha đảng sâm. Tiếp đến xã chủ trì trồng tiếp 10ha giai đoạn 2020 - 2022, chia ra từng giai đoạn để hỗ trợ”, anh Lơ cho hay.
Nhiều hộ dân sau khi tham gia trồng sâm kinh tế gia đình đã khá hơn, vươn lên làm giàu. Điển hình như là hộ bà Alăng Thị Nhôn (41 tuổi, làng Achoong). “Gia đình chị Nhôn thuộc diện hộ nghèo của làng, nhưng sau một thời gian tham gia hợp tác xã trồng sâm thì đến nay kinh tế đã ổn định, nhà cửa khang trang, con cái được đến trường đi học”, anh Lơ cho biết.
Hiện giá bán 1kg sâm tươi khoảng 100 - 200 nghìn đồng, hoặc bán theo củ với giá 200/4 củ, tùy vào chất lượng mỗi loại. Nhờ vậy, bình quân mỗi năm, hợp tác xã thu về hơn 200 triệu đồng, giúp nâng cao thu nhập trực tiếp cho 100 thành viên liên kết, trong đó có 9 thành viên của xã Ch’Ơm.
Ông Bríu Hồ - Chủ tịch UBND xã Ch’Ơm cho biết hợp tác xã nông nghiệp Ch’Ơm của Alăng Lơ là mô hình kinh tế đầu tiên tiên ở địa phương, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cho bà con, nhất là các hộ tham gia.
“Mô hình này đã thay đổi bộ mặt của xã Ch’Ơm và thay đổi nhận thức của người dân, góp phần phát triển kinh tế vườn, từ sản vật địa phương, mở ra cơ hội giảm nghèo bền vững cho người dân”, ông Bríu Hồ nói.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần