Chiếc ghe Ngo được bà con Khmer ở Sóc Trăng sử dụng để tranh tài tại mỗi dịp lễ hội Óoc Om Bóc – Đua ghe Ngo, nhằm mục đích cầu mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt. Cũng chính từ niềm đam mê bộ môn thể thao này mà Thạch Rô Si Dol quyết tâm thực hiện việc thu nhỏ chiếc ghe ngo, đặc biệt giữ nguyên vẹn tất cả các chi tiết đúng với nguyên mẫu.
Anh Thạch Rô Si Dol kể, anh xuất thân trong gia đình nông dân Khmer và cha là họa sĩ vẽ hoa văn cho các chùa Khmer và trang trí ghe ngo nên từ nhỏ Si Dol đã được chỉ dạy về ý nghĩa các hoa văn và sự kết hợp màu sắc. Từ đó, Thạch Rô Si Dol đã nảy sinh ý tưởng và thực hiện mô hình ghe ngo mô hình giống y ghe thật.
Nghĩ là làm, anh Si Dol đã thực hiện mô phỏng chiếc ghe ngo vốn dài khoảng 30m nặng 3,5 tấn thành mô hình ghe ngo chỉ dài khoảng 2m và nặng 4kg, vẫn giữ nguyên vẹn tất cả các chi tiết đúng với nguyên mẫu, giữ được hồn cốt của chiếc ghe thật. Một chiếc nghe ngo mini của anh có kích thước từ 50cm - 2m, hoàn thành sau 3-5 ngày thực hiện.
Theo anh Thạch Rô Si Dol, vật liệu để làm những chiếc ghe ngo mi ni là cây bình bát, cây tràm có dáng cong cong giống như chiếc ghe ngo. Bởi những loại cây này dễ kiếm, đục đẽo và tạo dáng ghe ngo thu nhỏ. Cây sau khi chặt về được bóc bỏ lớp vỏ bên ngoài rồi phơi nắng cho khô. Công đoạn tiếp theo là đục rỗng phần trong và dùng các phương tiện máy móc để hỗ trợ làm nhẵn bề mặt thân và các chi tiết khác.
Từ nhỏ được cha chỉ dạy về ý nghĩa các hoa văn và sự kết hợp màu sắc nên anh Thạch Rô Si Donl đều tỉ mỉ trong phối màu, đến vẽ từng đường nét, chi tiết nhỏ trên thân ghe để đảm bảo được sự sắc sảo, tinh tế, tô lên nét đặc trưng, sinh động của từng chiếc ghe nhỏ xíu của mình, tạo sự hấp dẫn đối với người xem.
“Khâu quan trọng nhất là phần vẽ họa tiết, phối màu sắc phải đảm bảo được sự sắc sảo, tinh tế, tô lên nét đặc trưng, sinh động của từng chiếc ghe” - anh Si Dol chia sẻ.
Hiện mô hình ghe ngo của Thạch Ro Si Dol rất được khách hàng ưa chuộng, nhiều người nghe tiếng anh làm đẹp nên tìm tận nơi để đặt hàng. Giá một mô hình ghe ngo được bán từ 500 ngàn đồng đến 1,8 triệu đồng, giúp cho chàng trai người dân tộc Khmer có nguồn thu nhập khá ổn định.
Đặc biệt, vào tháng 11 vừa qua, mô hình ghe ngo mi ni của Thạch Rô Si Dol đã lọt vào vòng chung kết cuộc thi Sáng tạo khởi nghiệp thanh niên nông thôn năm 2023 tổ chức tại tỉnh Sóc Trăng.