Cháo se đất Dày: Hương vị làng quê

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ bao đời nay, cháo se đã trở thành món ăn quen thuộc, không thể thiếu trong những ngày lễ, Tết, hội hè… những dịp đặc biệt quan trọng của người dân đất Dày (xã Liên Trung, Đan Phượng, Hà Nội).

Ai đã từng được thưởng thức một lần món cháo se thì còn nhớ mãi. Cháo se đất Dày được coi là "đặc sản số 1" . Người may mắn lắm thì một năm cũng chỉ 2 đến 3 lần được ăn món cháo se.

Đất Dày không chỉ nổi tiếng là làng nghề lâm sản, mà còn được biết đến với món cháo se truyền thống. Cháo se là món ăn dân dã, được làm từ bột gạo tẻ, nấu trong nước xương và thịt nạc băm.

Ngót 20 năm làm nghề nấu cháo se, bác Tuyên (xã Liên Trung, Đan Phượng, Hà Nội) chia sẻ, nấu cháo se là cả một nghệ thuật, dễ mà lại khó. Cách chế biến món ăn này cũng thật kỳ công, đòi hỏi người nấu phải thật tỉ mỉ, khéo léo.
Nhào bột bằng máy đến khi thấy quả bột dẻo quẹo, ôm chặt vào nhau thì mới được.
Nhào bột bằng máy đến khi thấy quả bột dẻo quẹo, ôm chặt vào nhau thì mới được.
Gạo để nấu cháo se là loại gạo tẻ ngon, hạt dài được xay giã kỹ. Gạo được vo, xát sạch, ngâm trong nước từ 8-10h, rồi xay nhỏ mịn bằng máy nghiền bột. Sau đó, đổ nước và bột dùng (đã được sơ chế) vào phần gạo đã được nghiền mịn, tiếp tục nhào bột bằng máy đến khi thấy quả bột dẻo quẹo, ôm chặt vào nhau thì mới được. Đây là công đoạn quyết định sự thành công của một nồi cháo se.
Công đoạn se bột được nhiều người ưa thích nhất.
Công đoạn se bột được nhiều người ưa thích nhất.
Nhưng xem ra, công đoạn mà được nhiều người hưởng ứng nhất lại là lúc đem bột ra se. Những nắm bột được hai lòng bàn tay xoe xoe đều đều, từ từ chảy thành con se to bằng ngón tay trỏ người lớn. Khi lăn nhẹ, bột ướt dần dần chảy từng sợi nhỏ giữa hai lòng bàn tay vào nồi cháo đang sôi nên xuống đến đâu thì bột chín đến đó, không bị chìm mà lơ lửng trong nồi cháo. Do cách làm này mà quê tôi gọi là cháo se.

Nước để nấu cháo là nước luộc gà hoặc nước xương lợn ninh nhừ. Sau khi đã chắt hết nước dùng làm nước nấu cháo, phần xương còn lại sẽ được lọc lấy thịt và bì để cho thêm vào cháo, tạo nên vị béo ngậy rất đặc trưng.

"Vị ngon của cháo không thể thiếu vắng món thịt nạc vai băm nhuyễn xào hành. Đây là bí quyết để tạo nên món cháo se có mùi thơm đặc trưng", bác Tuyên bật mí.

Khi các con se nhỏ bằng ngón tay út thì lượng bột từ các con se mòn ra quyện với nước tạo thành một nồi cháo sanh sánh. Bấy giờ các con se đã chín có màu trong trong, cắn đôi không còn lõi bột nữa. Cái khéo của người nấu cháo se là làm sao cho lượng muối mắm và gia vị vừa đủ.

Điều quan trọng theo bác Tuyên đó là, nồi nấu cháo phải là nồi gang được đúc dày. Khi se cháo, phải để lửa liu riu thì cháo mới không bị khê.
Vị ngon, ngọt của thịt nạc vai quyện với hương gạo trong cháo.
Vị ngon, ngọt của thịt nạc vai quyện với hương gạo trong cháo.
Cháo chín, hương thơm ngào ngạt, các “con se” trắng tròn trông thật cuốn hút. Ăn một thìa cháo là có thể cảm thấy vị thơm ngon của gạo quê, vị béo ngọt của xương ninh, vị ngọt mềm của món thịt nạc vai băm nhuyễn xào hành quyện với hương gạo trong cháo và cái dẻo mềm của từng “con se” tất cả được hòa quyện sánh đặc thật thú vị, tạo cảm giác hấp dẫn khó tả. Với món cháo này, người ăn không có cảm giác ngấy, mà ngược lại mang lại vị mát cho người ăn.
Món cháo se khi thưởng thức lúc còn nóng tạo cảm giác ấm lòng khi thời tiết se lạnh, còn thưởng thức lúc nguội, cháo se mang lại vị thanh mát cho người ăn.
Món cháo se khi thưởng thức lúc còn nóng tạo cảm giác ấm lòng khi thời tiết se lạnh, còn thưởng thức lúc nguội, cháo se mang lại vị thanh mát cho người ăn.
Ở quê tôi, cứ mỗi độ xuân về hay khi có lễ hội, thì những người dân địa phương lại "hò nhau" đi ăn cháo se. Nhiều người bán thật đấy nhưng cũng có hàng vạn người mua.

Đây là món cháo phù hợp cho mọi lứa tuổi bởi chính sự mềm mại, ngọt mát của nó, nên cháo se đã trở thành hương vị đặc trưng của đất Dày quê tôi.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần