Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh cho biết: Đây là sự kiện lớn đầu tiên được tổ chức trên địa bàn huyện Phú Xuyên sau thời gian dài bị hạn chế bởi dịch Covid 19, nên đã thu hút đông đảo người dân tới thăm quan, mua sắm hàng hóa.
Chị Nguyễn Thị Hạnh ở thị trấn Phú Minh chia sẻ: “Tại Festival lần này, các sản phẩm trưng bày đa dạng, phong phú và khá độc đáo. Sau hơn 2 năm do ảnh hưởng của dịch Covid 19 nên trên địa bàn huyện không có hoạt động gì lớn, tôi thấy chương trình được tổ chức là một khởi sắc mới cho huyện trong thời gian tới”.
“Festival Nông sản, sản phẩm OCOP gắn kết du lịch Hà Nội 2022” với quy mô 220 gian hàng, trong đó 160 gian hàng làng nghề truyền thống và ẩm thực của huyện Phú Xuyên; 40 gian hàng doanh nghiệp và làng nghề của nhiều quận, huyện trên địa bàn TP Hà Nội; 20 gian hàng của các tỉnh bạn. Các xã, thị trấn năm nay mang đến cho Festival những sản phẩm đặc trưng, thế mạnh như các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm của các làng nghề, đồng thời giới thiệu kỹ thuật và các công đoạn, quy trình sản xuất độc đáo của các nghề, làng nghề; tiếp tục quảng bá tới du khách về sự tài hoa mảnh đất, con người Phú Xuyên.
Nằm ven sông Hồng, xã Hồng Thái (huyện Phú Xuyên) mang tới Festival những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng như măng tây xanh, bánh gai…Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Hồng Thái Nguyễn Thị Lý cho biết: “UBND xã giao cho Hội phụ nữ xã mang các sản phẩm đặc trưng của địa phương trưng bày, giới thiệu tại Festival, gồm các sản phẩm như măng tây xanh, nho hạ đen, bánh gai. Chúng tôi rất phấn khởi là trong mấy năm dịch Covid 19 bùng phát, việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản của chúng tôi bị ảnh hưởng lớn, đợt này huyện phối hợp tổ chức hoành tráng như này sẽ góp phần kích cầu, tạo liên kết tiêu thụ không chỉ cho các sản phẩm nông sản của chúng tôi”.
Ngay khi đặt những bước chân đầu tiên tới cổng Sân vận động Phú Xuyên, du khách đã được chiêm ngưỡng một không gian đậm chất nghệ thuật nhưng vẫn toát lên được những tinh hoa của làng nghề truyền thống huyện Phú Xuyên. Những sản phẩm mộc cao cấp của xã Tân Dân, Văn Nhân hay những sản phẩm khảm trai của làng nghề xã Chuyên Mỹ luôn được du khánh đánh giá cao về độ tinh xảo và độc đáo. Với các sản phẩm tinh tế, độc đáo, gian hàng của nghệ nhân Phạm Văn Bắc, ở thôn Thượng, xã Chuyên Mỹ luôn thu hút khá đông du khách tới thăm quan, chiêm ngưỡng.
Nghệ nhân Phạm Văn Bắc chia sẻ: “Những sản phẩm trưng bày của cơ sở sản xuất trên chất liệu gỗ trắc, ốc Singapo có đủ màu phát quang và toàn những chỗ tinh xảo đưa vào đồ gỗ. Các mặt hàng tương đối phong phú, đáp ứng cho những người có đam mê về đồ gỗ, đam mê về đồ cổ. Đây là nghề cha truyền con nối, các cụ để lại cho nghề truyền thống thì mình cũng cố gắng giữ nghề của cha ông”.
Vốn được mệnh danh là đất trăm nghề, người dân Phú Xuyên cần cù, sáng tạo và có tinh thần ham học hỏi, chính bởi vậy mà tại Festival năm nay, chị Đỗ Thị Hồng, chủ cơ sở sản xuất giày dép da Đức Anh ở xã Phú Yên đã làm mới và mang tới trưng bày, giới thiệu những mẫu mã giầy dép công sở, chất lượng cao theo phong cách giày Sài Gòn.
Chi Hồng chia sẻ: “Cơ sở giày Đức Anh chúng tôi chuyên về giày công sở. Thực tế tại làng nghề da giày truyền thống Phú Yên mọi cơ sở chủ yếu sản xuất giày nam, giày nữ cũng có nhưng ít chủ yếu là hàng chợ. Chính vì vậy 5 năm trước tôi đã học nghề tại TP Hồ Chí Minh và trở về quê để làm nghề với mong muốn phát triển giày dép công sở ở Phú Yên. Đây là lần đầu tiên tôi tham gia trưng bày giới thiệu tại Festival và hy vọng sẽ giới thiệu, quảng bá để ngày càng có nhiều người biết đến giầy dép công sở Đức Anh”.
Các gian hàng của các doanh nghiệp, làng nghề của nhiều quận, huyện trên địa bàn TP Hà Nội và các tỉnh, thành như: Lạng Sơn, Bắc Giang, Lào Cai, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hà Nam, Lâm Đồng cũng góp phần tạo bức tranh sinh động, đầy màu sắc tươi mới cho Festival.
Chị Lê Thị Ngoan, đến từ tỉnh Nghệ An chia sẻ: “Các sản phẩm của chúng tôi chủ yếu là những sản phẩm chăm sóc tóc từ nguyên liệu thiên nhiên, thảo mộc. Chúng tôi có tham gia các chương trình OCOP và thấy rất là tự hào vì đã khẳng định được thương hiệu của mình và kết nối được nhiều nơi, giới thiệu được các đặc sản vùng miền của quê hương”.
Còn bà Nguyễn Thị Thơm, đến từ huyện Thường Tín cho biết: “Gian hàng của tôi giới thiệu các sản phẩm đặc sắc của làng nghề truyền thống quê tôi đó là các sản phẩm bằng sừng và đồ gỗ, xuất khẩu đi nước ngoài. 3 năm vì ảnh hưởng của dịch Covid 19 cho nên không xuất khẩu được. Tôi rất cảm ơn vì TP Hà Nội và huyện Phú Xuyên đã tổ chức Festival, các cơ sở sản xuất như chúng tôi được đến đây giới thiệu sản phẩm, qua đó nhân dân phát triển nhiều hơn nữa”.
“Festival Nông sản, sản phẩm OCOP gắn kết du lịch Hà Nội 2022” khép lại, đã để lại nhiều dư âm tốt đẹp trong lòng du khách. Festival cũng đã mang đến những cơ hội quảng bá sâu rộng thương hiệu, sản phẩm, mô hình nông nghiệp gắn kết du lịch; tăng cường đẩy mạnh công tác kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm giữa TP Hà Nội và các tỉnh, thành trên cả nước, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, dịch vụ du lịch nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung, thích ứng an toàn, linh hoạt, thực hiện có hiệu quả mục tiêu “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế” - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh khẳng định.