Chặt chẽ từ khâu lập hồ sơ, kê khai tài sản ứng cử viên

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kê khai tài sản với những người được giới thiệu ứng cử đại biểu (ĐB) Quốc hội Khóa XIV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 là một trong những nội dung được nhiều người quan tâm và cho rằng cần có sự giám sát từ đầu, cũng như công khai để cử tri biết tại các cuộc đối thoại.

Tại cuộc triển khai toàn quốc cuộc bầu cử ĐB Quốc hội Khóa XIV và ĐB HĐND các cấp, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc - Phó Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia cho biết: Để cuộc bầu cử được tổ chức bảo đảm dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, thực sự là ngày hội của toàn dân, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ thị yêu cầu Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn việc kê khai tài sản đối với người được giới thiệu ứng cử ĐB Quốc hội và ĐB HĐND các cấp theo chỉ đạo của Hội đồng Bầu cử quốc gia và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các khiếu nại, tố cáo của công dân trước, trong và sau bầu cử.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc kê khai tài sản đại trà lâu nay vẫn mang tính hình thức, nên cần phải có thời gian và quy định cụ thể hơn nữa, và ứng cử viên là những người chọn lọc tiêu biểu, số lượng đông nên nhân dịp này cần là tấm gương kê khai tài sản để tạo niềm tin cho cử tri. Để làm được điều này, các cấp có thẩm quyền, Hội đồng bầu cử có quy định, hướng dẫn kê khai và công khai tài sản, trong đó có sự giám sát của người dân trước khi bầu cử. Khi có ý kiến của cử tri nếu thấy kê khai không trung thực thì phải xác minh cụ thể các trường hợp kê khai không rõ ràng.

Theo ông Lê Văn Cuông - nguyên Phó Trưởng đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, đây là cơ hội để sàng lọc, lựa chọn người tiêu biểu mẫu mực vào Quốc hội, qua đó sẽ được cử tri tín nhiệm. Theo đó, ứng cử viên tự nguyện kê khai, còn cơ quan có thẩm quyền công khai với cử tri. Nếu cử tri thấy chưa minh bạch rõ ràng thì kiến nghị với tổ chức bầu cử để xác minh và thông báo cho cử tri biết để cho cử tri bầu chuẩn xác. Công khai và có ý kiến giám sát của cử tri để chọn lựa bầu là giải pháp thiết thực. Còn không, nếu kê khai không chuẩn xác cũng là bước để chặn lại ngay từ lúc đang là ứng cử viên, tránh tình trạng bầu tù mù, về sau giải quyết hậu quả cũng phức tạp.

Nhiều ý kiến cũng đồng tình với việc kê khai nhưng phải công khai tài sản cho cử tri biết, bởi bầu cử là do cử tri tín nhiệm. Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha cho rằng: Bất cứ ai khi đã kê khai những vấn đề liên quan đến mình như tài sản phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản kê khai đó. Không phải kê khai xong rồi là xong, mà bản kê khai sẽ theo người đó đến hết nhiệm kỳ, nên họ phải chịu trách nhiệm về mặt pháp lý về nội dung bản kê khai đó. Thế nhưng nếu có những khiếu nại tố cáo kiến nghị của cử tri về bản kê khai tài sản của người đó thì đương nhiên Mặt trận sẽ yêu cầu xác minh. Còn quy trình xác minh thì trong quy định của pháp luật đã có rồi.  “Vấn đề là chúng ta phải tin người ứng cử, họ sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung kê khai của mình. Nếu kê khai không trung thực mà khi được bầu vào Quốc hội bị phát hiện thì sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật” - ông Pha khẳng định.

Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho rằng, để đảm bảo chất lượng các ứng cử viên ĐB Quốc hội Khóa XIV, công việc đầu tiên là cần đảm bảo quy trình thẩm tra, duyệt hồ sơ chặt chẽ. Quốc hội Khóa XIII có 2 ĐB bị Quốc hội bãi nhiệm, trong đó một ĐB có hành vi vi phạm pháp luật và một ĐB bị bãi nhiệm vì thiếu trung thực trong kê khai lý lịch khi tham gia ứng cử vào Quốc hội. Rút kinh nghiệm từ những vụ việc này, để đảm bảo chất lượng các ứng cử viên, các quy trình thẩm tra, xét duyệt hồ sơ phải chặt chẽ hơn; lấy ý kiến Nhân dân phải đầy đủ, kỹ càng, quy trình phải công bằng cũng giống như quy trình của các ĐB được tổ chức giới thiệu.

Valid: True