Chất keo gắn kết hai vùng văn hóa

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Những ngày văn hóa, du lịch Hà Nội tại Thanh Hóa" là sự tiếp nối truyền thống gắn kết, với nhiều nét tương đồng trong sâu thẳm tâm linh, văn hóa và lịch sử ngàn đời nay giữa hai vùng đất: Xứ kinh kỳ Thăng Long - Hà Nội và xứ Thanh nức tiếng văn vật.

"Tiếng nói chung" di sản

Khẳng định vị thế của mảnh đất đế đô ngàn năm trong dòng chảy lịch sử dân tộc, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn nhấn mạnh: "Kể từ khi vua Lý Thái Tổ chọn đất này làm nơi "thượng đô kinh sư mãi muôn đời", Thăng Long - Hà Nội luôn là nơi lắng đọng hồn thiêng dân tộc, nơi hội tụ nhân tài hào kiệt, nơi kết tinh và tỏa sáng tinh hoa văn hóa dân tộc Việt Nam. Trong mạch nguồn lịch sử ngàn năm văn hiến, Thăng Long - Hà Nội luôn giữ trong mình sự kết nối, giao thoa với vùng đất địa linh nhân kiệt xứ Thanh - vùng đất của văn minh Đông Sơn, của tam Vương nhị Chúa, của văn hiến khoa bảng".
Chương trình nghệ thuật "Hà Nội - trái tim hồng"
Chương trình nghệ thuật "Hà Nội - trái tim hồng"
Sự gắn kết ấy phải kể đến hơn 5 thế kỷ trước, khi vua Lê Thái Tổ - người con ưu tú của xứ Thanh - trải hơn 10 năm nếm mật nằm gai, đánh đuổi giặc Minh, giành lại giang sơn, trả gươm báu cho Thần Kim Quy làm nên huyền thoại hồ Hoàn Kiếm như là biểu tượng cho khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam. Đó là đền Đồng Cổ (Yên Định), công trình được gắn biển kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và đền Đồng Cổ ở Hà Nội đều thể hiện tâm linh hướng thiện và tâm thức về nguồn của người Việt Nam. Rồi gần đây nhất, Hoàng thành Thăng Long cùng với Thành Nhà Hồ - những kinh đô cổ nước Việt đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa thế giới…

Quả thật, để có được "tiếng nói chung" là các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, là các danh nhân, anh hùng hào kiệt ấy phải tìm về cội nguồn chung của hai vùng đất. Bởi, nếu Thanh Hóa là nơi phát tích nền văn minh Đông Sơn, thì kinh kỳ Thăng Long lại góp phần chắp thêm đôi cánh để nền văn minh ấy lan tỏa rạng rỡ ra ngoài biên giới quốc gia; hoặc nếu Thanh Hóa là cố hương của các vương triều Tiền Lê, Hậu Lê, Chúa Trịnh, Chúa Nguyễn thì Thăng Long - Hà Nội lại là cái nền tảng bền vững, là "bệ phóng" để các vương triều ấy ghi dấu ấn đậm nét vào lịch sử dân tộc… Quá khứ là cơ sở để "Những ngày văn hóa, du lịch Hà Nội tại Thanh Hóa" như là tiếp nối truyền thống gắn kết, với nhiều nét tương đồng trong sâu thẳm tâm linh, văn hóa và lịch sử ngàn đời nay giữa hai vùng đất - hai vùng văn hóa.

Khởi đầu mới cho sự kết nối

Chắp nối sợi dây từ quá khứ, "Những ngày văn hóa, du lịch Hà Nội tại Thanh Hóa" đã mang vào xứ Thanh chút không khí vừa trầm mặc, cổ kính, hào hoa vừa hiện đại, năng động và sôi trào sức sống của xứ kinh kỳ ngàn năm văn hiến. Không gian văn hóa hết mực đậm đà bản sắc ấy được thể hiện qua một chuỗi các hoạt động hết sức ý nghĩa, giàu tính nhân văn, đầy âm hưởng tự hào, ngợi ca. Đó là Triển lãm nghệ thuật "Hà Nội - điểm đến hấp dẫn" đã đưa người xem đi qua hầu khắp các điểm đến hấp dẫn của Hà Nội, đặc biệt là các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể nổi tiếng như Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu -Quốc Tử Giám, hồ Hoàn Kiếm, chùa Một Cột, Quảng trường Ba Đình, lễ hội Gióng, lễ hội Chùa Hương... Qua đó, khái quát nên bức tranh toàn cảnh về một Hà Nội ngàn năm văn hiến song hành cùng một Hà Nội đang đổi mới, phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt, khán giả và Nhân dân Thanh Hóa hết sức ấn tượng với các chương trình nghệ thuật "Hà Nội - trái tim hồng", "Hồng Hà mùa thu", "Trời thu Hà Nội", các buổi trình diễn sân khấu nghệ thuật truyền thống chèo, múa rối dân gian… do các nghệ sĩ, ca sĩ nổi tiếng của Hà Nội biểu diễn. Có thể nói, âm nhạc, ca từ, giai điệu cùng với nghệ thuật tạo hình, sân khấu đã mang đến cho người xem một góc nhìn khác về Hà Nội - đó là nét đằm thắm và lắng sâu, trữ tình và da diết, đồng cảm và đi sâu vào lòng người... Cùng với đó là nhiều hoạt động diễu hành đường phố tại đô thị du lịch biển Sầm Sơn hay ca múa nhạc tạp kỹ hài đã phô diễn được những nét độc đáo, đặc sắc và giàu có vốn văn hóa phi vật thể xứ kinh kỳ.

"Những ngày văn hóa, du lịch Hà Nội tại Thanh Hóa" là sự kiện hưởng ứng Năm Du lịch Quốc gia 2015 diễn ra tại Thanh Hóa và được lãnh đạo địa phương đánh giá là một trong những sự kiện văn hóa tiêu biểu, nổi bật và mang nhiều ý nghĩa. Sự kiện này là "chất keo" góp phần gắn kết, duy trì và phát triển mối quan hệ tốt đẹp và bền vững giữa hai vùng đất; đồng thời cũng là "khởi đầu mới" cho chương trình kết nối các di sản văn hóa, thúc đẩy mạnh mẽ sự liên kết phát triển du lịch nói riêng và mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội giữa Thủ đô Hà Nội và Thanh Hóa.
"Những ngày văn hóa, du lịch Hà Nội tại Thanh Hóa" diễn ra từ ngày 24 - 27/7 với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc sắc, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng Nhân dân Thanh Hóa và du khách. Sự kiện này được bế mạc vào tối 27/7, tại Nhà hát Lam Sơn, TP Thanh Hóa.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần