Trong dòng chảy văn hóa ấy, người Hà Nội đã gạn đục, khơi trong, vừa tiếp nhận những nét ứng xử mới vừa gìn giữ lề lối văn hóa truyền thống. Nhờ đó, qua những cử chỉ, hành động thường ngày, người Hà Nội đều toát lên sự lịch lãm của đời sống đương đại, vừa có sự lắng đọng của văn hóa nghìn năm văn hiến.
Tiếp nhận cái hay, cái tốtVới vị thế của Thủ đô Hà Nội, trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước, vấn đề phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội, thanh lịch, văn minh luôn được Đảng bộ, Nhân dân Hà Nội coi trọng, là nhiệm vụ chủ yếu của tiến trình đổi mới Thủ đô, đất nước, tiếp tục phát triển ở giai đoạn từ nay đến năm 2025, tầm nhìn 2030.
Khi xác định văn hóa là một trong những ưu tiên hàng đầu, Hà Nội đã chú trọng vào việc xây dựng văn hóa ứng xử, trong đó lấy truyền thống làm nền tảng và bổ sung nhiều tiêu chí khác để hình thành nên lớp văn hóa mới. Trong cuộc sống thường ngày, ở khu vực phố cổ hay hiện đại, ở từng con đường, ngõ phố, ai cũng có thể thấy văn hóa, lối sống của cư dân đô thị đang có những biến đổi tích cực. Lối sống, tác phong sản xuất nhỏ, tùy tiện, luộm thuộm, manh mún dần bị loại bỏ. Ý thức kỷ luật, trách nhiệm đang dần hình thành. Khách du lịch đến Thủ đô có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh người Hà Nội xếp hàng chờ sử dụng dịch vụ, người bán hàng nhẹ nhàng nói chuyện với khách, như tại quán phở Bát Đàn (phố Bát Đàn, quận Hoàn Kiếm). Đến những khu tập thể cũ như Kim Liên, Trung Tự, Giảng Võ..., người ta lại bắt gặp hình ảnh người dân dậy sớm tổng vệ sinh cảnh quan, môi trường mỗi sáng thứ Bảy hàng tuần. Theo TS Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Xa hơn, sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, cái lõi thanh lịch truyền thống vẫn được giữ ở những vùng ven đô như Đông Anh, Long Biên, Thường Tín, Mỹ Đức… Ở đó, người Hà Nội cũng tiếp nhận những cái hay, cái tốt từ văn hóa ứng xử của người dân 36 phố phường xưa. Hà Nội ngày càng xuất hiện nhiều những con đường bích họa hay mô hình “bãi rác nở hoa”; phường Việt Hưng (quận Long Biên), có 7/15 tổ dân phố đang triển khai thực hiện các mô hình: Mái nhà xanh 3.1; đường hoa tự quản, xóa điểm chân rác; thu gom phế liệu gây quỹ nhân đạo; đổi rác, phế liệu lấy cây xanh.Mặt khác, những năm gần đây, ngày càng nhiều trào lưu văn hóa được du nhập vào Hà Nội theo xu thế phát triển thông qua điện ảnh, âm nhạc, lễ hội, thể thao. Theo GS Lê Hồng Lý - Viện Nghiên cứu Văn hóa - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam: Trong nếp sống người Hà Nội đang có sự giao thoa. Tuy nhiên, sự giao thoa đó là hội tụ, chắt lọc những tinh túy để trở thành lớp văn hóa mới lan tỏa đi bốn phương.Kim chỉ nam cho văn hóa ứng xửTheo các chuyên gia văn hóa: Giữa một thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa như bão lũ thế này, tìm cho văn hóa một lối đi, một cách thức để thích ứng và phát triển, quả là không dễ! Quả thực, mặc dù văn hóa người Hà Nội đã tiếp biến, chắt lọc tinh hoa bốn phương nhưng có thời điểm, mặt trái của văn hóa vẫn biểu hiện như một hệ quả của sự giao lưu. Điển hình vụ việc, cô gái 20 tuổi đi vào thang máy khu chung cư Golden Palm (quận Thanh Xuân) bị người đàn ông lạ ép vào góc thang máy “đòi hôn”; hay sự việc công trình nghệ thuật sắp đặt bên bờ hồ Hoàn Kiếm mang tên “Tháp” bị người dân đi vệ sinh bên trong...Có thể thấy mặt trái của lối sống hiện đại, một phần do tác động của những luồng văn hóa ngoại lai đến từ đông đảo dân nhập cư. GS.TS Nguyễn Quang Ngọc - Trung tâm Hà Nội học và phát triển Thủ đô cho rằng: Hà Nội luôn chứng kiến quá trình biến đổi, giao hòa, ổn định và phát triển giữa đặc trưng của người Hà Nội gốc và người dân nhập cư. Hàng trăm nghìn dân các địa phương đến Hà Nội mỗi năm, mang luôn cả phong tục tập quán, thói quen, văn hóa, lối sống, ứng xử của vùng quê họ. Ở những thời điểm nào đó, một số thói quen còn chưa tương thích với lối sống thanh lịch, văn minh tạo ra những va đập không đáng có.Trước những biến đổi không ngừng của văn hóa Hà Nội, chương trình phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh được hình thành, trong đó việc ra đời bộ Quy tắc ứng xử dành cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội và Quy tắc ứng xử nơi công cộng được coi là bộ khung để định hướng các chuẩn mực văn hóa. Có người đã ví von, văn hóa ứng xử của người Hà Nội như một chiếc diều. Nếu vậy, có thể nói, việc ra đời của bộ Quy tắc ứng xử chính là sợi dây. Vì vậy, sợi dây càng bền chặt bao nhiêu, người cầm sợi dây đó càng vững chắc bao nhiêu, con diều - văn hóa ứng xử của người Hà Nội sẽ càng bay cao, ổn định trước những xô đẩy của các yếu tố bên ngoài.