Chất lượng đại biểu quan trọng hơn cơ cấu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Việc đánh giá chất lượng của người ứng cử, trong đó có khối tư nhân và ngoài Đảng là thuộc trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong cuộc bầu cử, nhất là UB Bầu cử và UB MTTQ các cấp” - Phó Chủ tịch UB T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha.

Ngay sau khi Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng ứng cử viên đại biểu (ĐB) Quốc hội Khóa XIV, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 hoàn tất, việc tiếp nhận hồ sơ ứng cử viên cũng đã được tiến hành. Đóng góp ý kiến về vấn đề cơ cấu, thành phần, tiêu chuẩn các ứng cử viên, nhiều người cho rằng, chất lượng ĐB mới là điều quan trọng chứ không nên quá coi trọng vào cơ cấu thành phần.
Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu ý kiến tại Hội nghị  Hiệp thương lần thứ nhất.   	­Ảnh: Nguyễn Dân
Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu ý kiến tại Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất. ­Ảnh: Nguyễn Dân
Trong Luật Bầu cử ĐB Quốc hội và ĐB HĐND, tỷ lệ cơ cấu thành phần đã có những quy định cơ bản, nhưng căn cứ vào đặc thù của từng vùng, từng nơi sẽ có sự hiệp thương để quy định cụ thể, để chọn được người đủ tài, đủ đức. Trước nhiều ý kiến cần tăng số lượng ĐB Quốc hội chuyên trách hơn nữa, là một người trong cuộc, ĐB Bùi Thị An (đoàn Hà Nội) cho rằng: “Việc tăng số lượng ĐB chuyên trách lên 1/3 tổng số ĐB Quốc hội là cần thiết, nhưng phải đảm bảo chất lượng. Chúng ta đặt ra 35% nhưng không tìm được đủ người có chất lượng thì sẽ như thế nào? Tôi cũng thống nhất với một vài ý kiến tại hội nghị hướng dẫn cách tiến hành giới thiệu người ứng cử đối với các cơ quan tổ chức, đơn vị  ở T.Ư do Ủy ban (UB) T.Ư MTTQ Việt Nam vừa tổ chức, đó là nên để cho cử tri đánh giá. ĐB chuyên trách hay kiêm nhiệm mà không đủ chất lượng sẽ không đại diện cho ý chí nguyện vọng của cử tri”.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, Hội đồng bầu cử Quốc gia và các tỉnh, thành phải tìm ra giải pháp để lựa chọn được người đủ tài, đủ tầm, đủ tâm tham gia Quốc hội. Theo ĐB Bùi Thị An, Quốc hội nhiệm kỳ qua đã làm được khá nhiều việc làm tăng lòng tin của Nhân dân. Vì vậy, tôi mong cử tri cả nước chọn được những ĐB rất xứng đáng để đại diện cho mình, mang tiếng nói, nguyện vọng chính đáng của mình đến với Quốc hội: “Quốc hội là làm chính sách, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, và giám sát các vấn đề tối cao. Chọn được ĐB có trí tuệ, có bản lĩnh thì chắc chắn sẽ có nhiều việc làm mang tính đột phá cho Việt Nam phát triển trong giai đoạn tới”.

GS Đỗ Quang Hưng - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Chủ tịch Hội đồng tư vấn về Tôn giáo (UB T.Ư MTTQ Việt Nam) cũng cho rằng, ĐB Quốc hội phải là người nói được tiếng nói của quần chúng, tức là phải có trí tuệ, trình độ. Nếu chúng ta không lưu tâm đến điểm này thì rõ ràng chất lượng chưa cao. “Trong lần bầu cử này có mấy việc có thể làm được đó là không máy móc trong việc tiêu chuẩn và có linh hoạt cần thiết. Nếu ĐB nào đó mà người ta tương đối đủ phương diện mà các tổ chức như Mặt trận phát hiện thì có thể đề xuất. Theo tôi, trong Quốc hội cần xem xét trình độ đích thực” - GS Đỗ Quang Hưng góp ý.

Khi trao đổi về vấn đề tiêu chuẩn ĐB sau những ý kiến đưa ra tại cuộc hiệp thương lần thứ nhất, Phó Chủ tịch UB T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha cũng nhận định: Về chất lượng của ĐB thì bất cứ là ai, thuộc khối nào, Nhà nước hay phi Nhà nước đều phải đủ điều kiện theo luật định. Khi có một số ĐB Quốc hội Khóa XIII vừa qua vi phạm pháp luật bị Quốc hội bãi nhiệm, trong quá trình xây dựng các văn bản hướng dẫn về bầu cử ở Khóa XIV cũng đã có một số ý kiến ở cấp tham mưu cho rằng cần phải có một thứ rào cản về kỹ thuật để hạn chế, sàng lọc người tự ứng cử và các doanh nhân. Nhưng theo quy định của Hiến pháp và pháp luật thì mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Với bầu cử ĐB Quốc hội và HĐND thì mọi công dân từ đủ 21 tuổi trở lên nếu có đầy đủ các tiêu chuẩn theo quy định của Luật Bầu cử đều được ứng cử ĐB Quốc hội và ĐB HĐND. Do vậy, không thể có những quy định phân biệt giữa người được giới thiệu ứng cử với người tự ứng cử.