Chất lượng dịch vụ là yếu tố có tính quyết định để xe buýt kế cận phát triển - Ảnh 1

Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Thạc sĩ tổ chức, quản lý vận tải Nguyễn Tuyển cho rằng, chất lượng dịch vụ cao là yếu tố quan trọng nhất để xe buýt kế cận phát triển. Đó cũng là chìa khóa vạn năng mở ra thị trường đầy tiềm năng cho loại hình vận tải hành khách (VTHK) văn minh, hiện đại này.

Chất lượng dịch vụ là yếu tố có tính quyết định để xe buýt kế cận phát triển - Ảnh 2

Ông nhận định như thế nào về vai trò và tiềm năng phát triển của xe buýt kế cận?

- Xe buýt kế cận thực chất là xe khách liên tỉnh được áp dụng cơ chế giống như xe buýt thông thường. Ví dụ như có nhiều điểm dừng đón trên đường, được hỗ trợ về một số loại thuế phí, xe có thiết kế cả chỗ đứng… Ở nhiều đô thị lớn trên thế giới, xe khách liên tỉnh đã được thay thế bằng xe buýt kế cận, xe buýt đường dài và hoạt động rất hiệu quả, mang lại lợi ích cho cả người dân lẫn DN vận tải. Có thể nói xe buýt kế cận là xu thế chung của VTHK cự ly dưới 100km.

Xe buýt kế cận không chỉ tăng cường năng lực VTHK đường bộ mà còn có vai trò rất lớn trong việc xóa bỏ xe dù, bến cóc. Với lợi thế về giá vé, nhiều điểm dừng đỗ… xe buýt kế cận phát triển sẽ triệt tiêu tự nhiên các loại hình xe ngoài luồng. Đối với Hà Nội, Sở GTVT cũng đã tham mưu cho TP kế hoạch dần dần chuyển đổi xe khách liên tỉnh cự ly dưới 100km sang xe buýt kế cận.

Chất lượng dịch vụ là yếu tố có tính quyết định để xe buýt kế cận phát triển - Ảnh 3

Vậy vì sao hiện nay xe buýt kế cận vẫn chiếm một tỷ trọng khiếm tốn trong hệ thống VTHK đường bộ của Hà Nội?

- Có thể nói là khung chính sách dành cho xe buýt kế cận hiện nay đã khả đầy đủ, toàn diện. Tuy nhiên loại hình VTHK này chưa hấp dẫn các DN vận tải vì nhiều lý do, trong đó có lo ngại doanh thu thấp, tỷ suất lợi nhuận không cao. Xe buýt kế cận không được trợ giá, hơn nữa cung đường nào cũng có sự cạnh tranh khốc liệt từ xe dù, xe trá hình, xe tiện chuyến… nên DN vẫn khá dè dặt trong đầu tư, khai thác.

Mặt khác, xe buýt kế cận dù đã xuất hiện từ nhiều năm nay nhưng do số lượng ít, chất lượng phương tiện, dịch vụ không nổi bật nên chưa thu hút được hành khách. Ít khách khiến DN lại càng thiếu quyết tâm đầu tư đổi mới, nâng cao chất lượng. Vòng lặp đó là lực cản chính khiến xe buýt kế cận chưa nâng cao được sức cạnh tranh, chưa mở rộng được thị phần.

Chất lượng dịch vụ là yếu tố có tính quyết định để xe buýt kế cận phát triển - Ảnh 4

Vậy xe buýt kế cận cần phải làm gì để phát triển tương xứng với vai trò và tiềm năng của mình thưa ông?

- Thực chất xe buýt nói chung và buýt kế cận nói riêng vẫn được người dân ưa chuộng vì giá vé rẻ, nhiều điểm dừng đỗ, đó là những lợi thế rất lớn để nâng cao sức cạnh tranh. Ví dụ như một chiếc vé xe limousine từ Hà Nội đi Bắc Ninh vào khoảng trên 100.000 đồng, nhưng xe buýt kế cận cùng cung đường chỉ bằng 1/3.

Hơn nữa, tâm lý của người dân khi đi xe buýt bao giờ cũng thấy thoải mái, an toàn hơn, không nhiều lo ngại như đi xe ngoài luồng. Vì vậy chỉ cần xe buýt kế cận phát huy được những thế mạnh sẵn có, nâng cao chất lượng dịch vụ, tự làm cho mình hấp dẫn là có thể chiếm lĩnh thị phần. Nói cách khác, chất lượng dịch vụ là chìa khóa vạn năng để xe buýt kế cận mở ra thị trường rộng lớn cho chính mình. 

Chất lượng dịch vụ là yếu tố có tính quyết định để xe buýt kế cận phát triển - Ảnh 5

Chất lượng cuộc sống của người dân hiện tại đã khác, đã được nâng cao hơn rất nhiều so với những năm trước. Chất lượng phương tiện, dịch vụ là yếu tố sống còn, quyết định sự tồn tại và phát triển của tất cả các loại hình VTHK nói chung, xe buýt kế cận nói riêng. Nếu xe sạch đẹp; thái độ phục vụ tốt; nói không với lê la, dừng đỗ trên đường… thì dù giá vé có tăng cao hơn đôi chút, người dân vẫn thoải mái chấp nhận.

Đặc biệt, DN vận tải cần tìm hiểu, nắm bắt thị hiếu của người dân để chủ động đáp ứng. Ví dụ như với phương tiện, xe buýt kế cận đi quãng đường dài hơn thì phải có điều kiện đáp ứng tốt hơn cho hành khách, sử dụng xe hạn chế chỗ đứng, tăng thêm chỗ ngồi, thậm chí là xe toàn bộ ghế ngồi, ko có chỗ đứng. Trong suy nghĩ của nhiều người lê xe buýt là có thể phải đứng. Với quãng đường hàng chục cây số, phải đứng sẽ khiến họ ngần ngại, nếu xe đảm bảo có chỗ ngồi sẽ thu hút khách hơn.

Chất lượng dịch vụ là yếu tố có tính quyết định để xe buýt kế cận phát triển - Ảnh 6

Ngoài nỗ lực của DN, cần có cơ chế, chính sách như thế nào để khuyến khích DN đầu tư cho xe buýt kế cận?

- Xe buýt kế cận thực chất là xe khách nhưng được áp dụng nhiều quy định đặc thù cho xe buýt như: có nhiều điểm dừng đỗ; được sử dụng hạ tầng của xe buýt; chi phí bến chỉ bằng khoảng 15% thông thường… như vậy là đã được ưu đãi hơn hẳn.

Tất nhiên, để phát triển rộng khắp trên các tuyến VTHK cự ly dưới 100km loại hình xe buýt kế cận sẽ cần được khuyến khích hơn nữa. Nhiều DN đã bày tỏ mong muốn được hưởng ưu đãi như: vay vốn lãi suất thấp để đầu tư phương tiện; kết nối tốt hơn đến các điểm trung chuyển hành khách trong nội đô, tăng giá vé… Về phía Sở GTVT Hà Nội sẽ nghiên cứu những đề xuất này, tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Chất lượng dịch vụ là yếu tố có tính quyết định để xe buýt kế cận phát triển - Ảnh 7

Không ít DN vận tải cho rằng với thực trạng xe dù, xe tiện chuyến, xe trá hình còn diễn biến phức tạp, buýt kế cận sẽ khó phát triển. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

- Các loại hình như xe dù, xe khách trá hình, xe tiện chuyến, xe ghép hiện đang gây nhiều khó khăn cho lĩnh vực VTHK nói chung. Muốn giải quyết dứt điểm vấn đề này cần phải có sự nỗ lực của cơ quan quản lý, lực lượng chức năng, người dân và cả DN vận tải.

Như tôi đã nói, xe buýt kế cận nếu phát triển rộng khắp, dịch vụ tốt sẽ góp phần tích cực triệt tiêu xe kinh doanh VTHK ngoài luồng. Trên thực tế, những loại hình như vừa đề cập đều hoạt động mạnh trong cự ly từ 200km trở xuống, đặc biệt là trong khoảng 100km. Nguyên lý của thị trường là có cầu tất có cung. Người dân mong muống có xe buýt kế cận để đi lại với giá vé rẻ, chất lượng cao nhưng chưa thỏa mãn nên không ít người lựa chọn đi xe ghép.

Chất lượng dịch vụ là yếu tố có tính quyết định để xe buýt kế cận phát triển - Ảnh 8

Bản chất xe ghép, xe trá hình có thể xem như một loại hình buýt vì nó đón trả khách lẻ ở nhiều điểm dừng, nhưng giá vé cao cấp gấp nhiều lần. Hơn nữa thời gian đi lại cũng kéo dài, nhất là khi đón khách trong TP. Chắc chắn xe ghép, xe trá hình không hơn nhiều so với xe buýt kế cận, chỉ hơn về chất lượng dịch vụ và quảng bá, tiếp cận khách hàng. Nếu xe buýt kế cận cải thiện phương tiện, đảm bảo dịch vụ chất lượng cao, tiếp cận hành khách đa dạng hơn thì chắc chắn sẽ cạnh tranh tốt với xe ghép, xe trá hình.

Nói như vậy để các DN vận tải thấy rõ rằng việc đầu tư khai thác xe buýt kế cận, nếu được làm bài bản, chất lượng dịch vụ tốt chắc chắn sẽ thành công, kể cả trước sự cạnh tranh khốc liệt từ những loại hình vận tải khác.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Chất lượng dịch vụ là yếu tố có tính quyết định để xe buýt kế cận phát triển - Ảnh 9

07:25 10/11/2024