Chất lượng không khí của Hà Nội được cải thiện

Thương Huế
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nếu như năm 2019, các chỉ số chất lượng không khí (CLKK) - AQI của Hà Nội liên tục ở ngưỡng “kém” và “xấu” vào các thời điểm giao mùa hay giai đoạn cao điểm của hoạt động giao thông, thi công xây dựng, sản xuất công nghiệp… thì năm 2020, vấn đề này đã được cải thiện đáng kể.

Chất lượng không khí ở Hà Nội đã được cải thiện đáng kể. Ảnh: Hải Linh
Triển khai nhiều giải pháp
Kết quả quan trắc của Sở TN&MT mới đây cho thấy, chỉ riêng quý IV/2020 (từ ngày 1/10 - 15/12/2020), CLKK có xu hướng cải thiện hơn so với năm 2019. Trong đó, tháng 11 AQI của năm 2020 ở mức “tốt” là 6,7% (tăng 3,4% so với năm 2019), mức “trung bình” là 93,3% (tăng 56,6% so với năm 2019), không có ngày CLKK ở mức “kém” trở lên. Tháng 12, AQI của năm 2020 ở mức “tốt” là 6,7% (không thay đổi so với năm 2019), mức “trung bình” là 66,7% (tăng 46,7% so với năm 2019), mức “kém” là 26,7% (giảm 6,6% so với năm 2019), không có ngày CLKK ở mức “xấu” trở lên.

Trao đổi về chuyển biến tích cực này, PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý môi trường, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, ngoài nguyên do thời tiết có những tác động nhất định thì việc thực hiện đồng bộ các giải pháp của Hà Nội như kiện toàn hệ thống quan trắc, thực hiện kiểm soát ô nhiễm không khí trong hoạt động xây dựng, giao thông, vệ sinh môi trường, đốt rơm rạ, trồng cây xanh… đã góp phần không nhỏ trong việc cải thiện CLKK.

Đáng nói, nhiều địa phương trên địa bàn Hà Nội tích cực triển khai chương trình hành động cụ thể nhằm cải thiện CLKK và thu được kết quả đáng ghi nhận. Ví như mô hình đầu tư, cải tạo nâng cấp sân chơi vườn hoa, cây xanh tại quận Đống Đa; mô hình tuyên truyền trực tiếp, gần gũi với người dân qua hệ thống loa truyền thanh tại huyện Phú Xuyên, Mê Linh; mô hình xử lý rơm rạ sau vụ mùa thu hoạch được triển khai hiệu quả tại huyện Sóc Sơn, Thanh Trì…

Tăng cường phối hợp

Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Lê Tuấn Định cho biết, một trong những điểm nhấn năm 2020 của ngành TN&MT TP là việc kiện toàn hệ thống quan trắc trên địa bàn. “Với việc tiếp nhận 24 trạm quan trắc không khí tự động vào cuối tháng 5/2020 đã nâng tổng số trạm trên địa bàn TP Hà Nội lên 35. Như vậy, 3 năm liên tiếp, từ năm 2018 đến nay, Hà Nội luôn giữ ngôi vị là địa phương đi đầu cả nước trong việc lắp đặt các trạm quan trắc không khí, cung cấp chuỗi dữ liệu quan trắc tin cậy, liên tục tới người dân; kịp thời đưa ra các cảnh báo và khuyến cáo các biện pháp bảo vệ sức khỏe cho người dân Thủ đô” - ông Lê Tuấn Định chia sẻ.

Năm 2021, Sở TN&MT Hà Nội tiếp tục tăng cường công tác phối hợp nhằm triển khai các giải pháp đồng bộ, hiệu quả cải thiện CLKK, bảo vệ sức khỏe người dân. Trong đó, phối hợp với Tổng cục Môi trường, kiểm tra công tác vận hành và công bố số liệu quan trắc của các đơn vị trên địa bàn. Đồng thời phối hợp các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức ra quân từ đầu năm vận động người dân không đốt rơm rạ, không tái sử dụng bếp than tổ ong, rà soát, vận động các cơ sở sản xuất bếp than/than tổ ong chuyển đổi loại hình kinh doanh nhằm đảm bảo hoàn thành mục tiêu loại bỏ hoàn toàn bếp than tổ ong trên địa bàn TP. Đặc biệt, phối hợp các đơn vị chức năng kiểm tra, rà soát, xử lý các phương tiện giao thông xả khói đen; phương tiện cơ giới quá niên hạn sử dụng...

Cùng với việc kiện toàn hệ thống quan trắc không khí, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh công khai AQI trên các phương tiện truyền thông là việc làm rất thiết thực. Qua đó, Nhân dân biết được khu vực nào AQI an toàn và chưa thực sự an toàn để có những biện pháp đảm bảo sức khỏe, đồng thời tự ý thức hơn được vai trò của bản thân trong các hoạt động gây tác động đến CLKK.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần