Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung: “Nóng” tình trạng xâm hại tình dục trẻ em

Hồ Hạ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 5/6, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung đã trả lời nhiều câu hỏi của các ĐB Quốc hội liên quan đến tình trạng bạo hành, xâm hại tình dục trẻ em gây bức xúc dư luận thời gian qua.

Mở đầu chất vấn về nhóm vấn đề bạo hành và xâm hại trẻ em, ĐB Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) nêu thực trạng bạo hành trẻ em có diễn biến phức tạp, gia tăng trong thời gian qua: "Nhiều vụ việc liên tiếp xảy ra từ nông thôn đến thành thị, gây bức xúc trong xã hội. Xin hỏi Bộ trưởng trong thời gian tới, Bộ có giải pháp gì để ngăn chặn tình trạng này? Khung pháp lý đã đầy đủ, hoàn thiện chưa?".
Trả lời chất vấn của ĐB Nguyễn Tạo, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: Trên thế giới bình quân mỗi năm có 150 triệu trẻ em bị bạo hành, trong đó khoảng 73 triệu trẻ em trai. Châu Á -Thái Bình Dương là khu vực có có tỉ lệ trẻ em bị bạo hành cao nhất.
 Bộ trưởng Đào Ngọc Dung.
Cũng theo Bộ trưởng: "Việt Nam có khoảng 2.000 trường hợp bạo hành, xâm hại mỗi năm. Đây là số liệu được thu thập từ 3 kênh khác nhau, nhưng theo nhìn nhận của chúng tôi, đây mới chỉ là phản ánh, còn còn số thực tế có thể tăng lên”
Về vấn đề khung pháp lý để xử lý hành vi bạo hành, xâm hại trẻ em, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định hoàn toàn có đầy đủ, như Luật trẻ em, Nghị định 61. "Khi tình trạng xâm hại tình dục gia tăng, Thủ tướng đã có chỉ thị 18 phân cấp từng ngành, từng địa phương trong công tác quản lý"- Bộ trưởng cho biết thêm.
Nói về nhóm giải pháp ngăn chặn tình trạng bạo hành, xâm hại trẻ em, Bộ trưởng cho hay: Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, Bộ LĐ-TB-XH đã tiến hành nhiều giải pháp, trong đó có tuyên truyền, thành lập đường dây nóng, xử lý nghiêm một số vụ việc. Ngoài ra, Bộ sẽ tiếp tục theo dõi, đôn đốc xử lý các vụ việc bạo hành, xâm hại trẻ em.
Bộ trưởng thông tin: "Gần đây xuất hiện một số vụ việc có tính chất phức tạp hơn, gây bức xúc trong xã hội, cả xã hội lên án. Thời gian tới đây chúng tôi sẽ rà soát lại hệ thống pháp luật, cụ thể trách nhiệm các ngành trong việc này. Bên cạnh đó, đề cao trách nhiệm gia đình, nhà trường"
Tham gia tranh luận sau phần trả lời của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, ĐB Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội, chưa hài lòng với con số 2.000 trường hợp bạo hành, xâm hại trẻ em mà Bộ trưởng LĐ-TB-XH vừa cung cấp. Theo bà Nga, báo cáo của các cơ quan tư pháp cho thấy mỗi năm riêng xâm hại tình dục trẻ em đã xảy ra 1.500 vụ.
 ĐB Nguyễn Quang Tuấn (đoàn Hà Nội).
"Với tư cách Bộ trưởng, đồng thời là Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban quốc gia về trẻ em, Bộ trưởng có giải pháp mạnh mẽ nào để đẩy lùi tình trạng này?"- ĐB Lê Thị Nga chất vấn.
ĐB Lê Thị Nga cũng cho biết thêm: Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã có phiên giải trình, đồng thời kiến nghị với 3 cơ quan tư pháp về một nội dung liên quan đến công tác điều tra, xử lý hành vi xâm hại tình dục trẻ em.
ĐB nhấn mạnh: "Chúng tôi đã kiến nghị nhưng các cơ quan tư pháp chưa trả lời. Trong buổi chất vấn này, chúng tôi kiến nghị Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao và Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao trả lời cụ thể về giải pháp để giải quyết bế tắc trong việc chứng minh hành vi xâm hại tình dục trẻ em".
Tiếp tục nói về vấn đề này, ĐB Nguyễn Quang Tuấn (đoàn Hà Nội) cho biết, tình trạng xâm hại tình dục ở trẻ em đang gia tăng và ngày càng nguy hiểm, trầm trọng. Chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm 2018, đã có 572 vụ xâm hại tình dục trẻ em, đã có 562 cháu bị xâm hại. Nếu tính tối thiểu mỗi vụ 1 cháu, thì có ít nhất có 10 cháu bị 2 vụ, với tính chất cực kỳ nghiêm trọng. Về nguyên nhân, 6% số vụ liên quan đến hàng xóm, người quen; 21% liên quan đến người thân trong gia đình.
ĐB Nguyễn Quang Tuấn “truy” Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: "Vậy xin hỏi Bộ trưởng, giải pháp nào là căn cơ, quyết liệt để ngăn chặn tình trạng hết sức đau lòng này?”
Trước các chất vấn và kiến nghị của ĐB, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên chất vấn cho biết, chiều nay 5/6, bà sẽ mời cơ các quan tư pháp trả lời, giải trình các vấn đề liên quan đến tình trạng bạo hành, xâm hại tình dục trẻ em.