Trả lời ĐB Phạm Thị Hải Hoa về dự án nhà máy xử lý rác thải rắn chậm tiến độ, Giám đốc Sở KH&ĐT Đỗ Anh Tuấn cho biết, dự án nhà máy xử lý rác thải rắn ở Phú Xuyên chậm tiến độ do nguyên nhân mặt bằng. Sau đó, TP có chủ trương chuyển đổi công nghệ, tăng quy mô diện tích từ 4,8ha lên 20ha. Công ty Cổ phần Môi Thăng Long đã liên hệ với huyện Phú Xuyên, cam kết thực hiện GPMB.
Dự án chậm tiến độ, TP đã chỉ đạo Sở KH&ĐT chủ trì, phối hợp với các sở ngành thanh tra dự án, đã thực hiện thanh tra, có kết luật nêu rõ nguyên nhân chậm của dự án. Do công tác GPMB để kéo dài, và do kinh nghiệm triển khai của chủ đầu tư, dẫn đến chưa đảm bảo tiến độ dự án.TP đã yêu cầu chủ đầu tư có phương án triển khai, cam kết tiến độ. Qua báo cáo thẩm định, đề xuất chủ trương đầu tư của chủ đầu tư chưa đảm bảo theo quy định, Sở KH&ĐT đã 3 lần yêu cầu chủ đầu tư hoàn thiện thủ tục, chủ đầu tư nêu lý do dịch bệnh. Quá hạn thời gian do với yêu cầu của TP, tới đây, chúng tôi sẽ xử phạt hành chính, và nếu tiếp tục chậm trễ lần 2, chúng tôi sẽ kiến nghị TP thu hồi dự án.Trả lời câu hỏi, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn cho biết, công nghệ xử lý chất thải rắn liên tục thay đổi, vòng đời rất ngắn. Trước năm 2010 công nghệ xử lý rác chủ yếu chôn lấp tự nhiên với rất nhiều tồn tại, sau đó chôn lấp có kiểm soát có hạn chế được một phần nhược điểm.
Năm 2014, Thủ tướng ban hành quy hoạch chất thải rắn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến 2050 trong đó yêu cầu các dự án của Hà Nội phải sử dụng công nghệ tái chế, đốt và chôn phải thu hồi năng lượng, ưu việt hơn phương pháp cũ nhưng vẫn phải phân loại rác vô cơ - hữu cơ, sử dụng nhân công, rác thải gây ô nhiễm môi trường còn rất nhiều...
Từ đó, năm 2016, UBND TP ban hành yêu cầu mới có các tiêu chí bắt buộc phải đảm bảo có tỷ lệ phát điện cao, tỷ lệ tro sau đốt thấp; sau đó 2019 yêu cầu các dự án phải có nước thải và mùi phải được xử lý với công suất cao, hiệu quả kinh tế cao...
Nói tóm lại, các dự án xử lý chất thải rắn đều đã được Sở thực hiện theo Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017 và các văn bản hướng dẫn, theo 2 giai đoạn quyết định chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư.Đối với các công nghệ điều chỉnh thực hiện ở giai đoạn quyết định đầu tư, theo quy định việc thẩm định phải căn cứ quyết định chủ trương đầu tư, do đó trong quá trình thực hiện các dự án kéo dài thường các công nghệ ở giai đoạn chủ trương đầu tư đã cũ phải điều chỉnh. Với những dự án đủ điều kiện và thủ tục đã phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, Sở thực hiện theo đúng quy trình không có vướng mắc gì.
Một số dự án hiện chưa thẩm định về công nghệ vì chưa được phê duyệt lại chủ trương đầu tư và điều chỉnh chủ trương đầu tư, nên chưa có căn cứ để thực hiện thẩm định cho ý kiến về công nghệ - chúng tôi đều đã hướng dẫn nhà đầu tư phối hợp Sở KH&ĐT để phê duyệt lại chủ trương đầu tư.
Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng
Trả lời chất vấn về nhà máy điện rác Seraphin trên địa bàn thị xã Sơn Tây và huyện Ba Vì, Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho biết nhà máy này có công suất 1.500 tấn ngày đêm, sử dụng công nghệ đốt rác phát điện. Ngay khi TP có quyết định 2485, TP đã chỉ đạo sở thành lập tổ công tác đàm phán hợp đồng xử lý rác thải. Sở đã cơ bản hoàn thành đàm phán với nhà đầu tư, tuy nhiên còn một vài khó khăn vướng mắc như phương thức hợp đồng, thời hạn.
“Sở Xây dựng đã chủ động chuẩn bị đầu tư như chuẩn bị mặt bằng, các thỏa thuận đấu nối hạ tầng, thẩm định hồ sơ thiết kế cơ sở, với cả tiến độ nhà đầu tư cam két, dự kiến công trình sẽ khởi công trong quý I/2022” – ông Võ Nguyên Phong nói.
Lãnh đạo Sở Xây dựng cũng cho biết nhà máy xử lý rác Núi Thoong, công nghệ tại thời điểm đó là phân loại, tách ủ, công nghệ đã lạc hậu, trong quá trình triển khai thực hiện gặp phải chưa đồng thuận của người dân, chậm giải phóng mặt bằng. TP đã giao xem xét lại công nghệ, tập trung tuyên truyền, thuyết phục người dân.
Qua tuyên truyền và đưa người dân đi tham quan các nhà máy xử lý, người dân đã đồng thuận nên đã GPMB được 10,3 ha. Hiện nhà đầu tư đề xuất điều chỉnh chủ trương là phát điện sử dụng lò đốt của Đức, nâng công suất lên 2.000 tấn, phù hợp với định hướng của TP và diện tích GPMB và vị trí của nhà máy xa khu dân cư, đã có đường đi vào khu xử lý.Trong quá trình, thẩm định, báo cáo UBND TP, giao Sở Xây dựng nghiên cứu rà soát quy hoạch chuyên ngành để đề xuất thỏa mãn các yêu cầu để điều chỉnh quy hoạch. Văn bản TP giao nhiệm vụ, Sở xây dựng đã làm việc đơn vị của Bộ Xây dựng để xem xét tiến độ của nhà máy xử lý chất thải rắn để triển khai khu ở Đồng Ké ở Chương Mỹ.Sở Xây dựng sẽ phối hợp với UBND huyện Chương Mỹ các sở ngành rà soát tổng công suất xử lý rác trên địa bàn, để đề xuất nâng công suất điều chỉnh quy hoạch. Sở cũng phối hợp địa phương để thông tin để người dân hiểu, ủng hộ các dự án xử lý rác thải trên địa bàn, đẩy nhanh tiến độ GPMB đáp ứng việc xây dựng kịp tiến độ.Liên quan đến dự an tại Chương Mỹ, Bí thư Huyện ủy Chương Mỹ Nguyễn Văn Thắng cho biết, với dự án xử lý chất thải rắn ở Núi Thoong, huyện đã hoàn thành các công tác GPMB, đã kiến nghị có lựa chọn nhà đầu tư đặc biệt liên quan lựa chọn công nghệ đáp ứng yêu cầu hiện nay, tránh công nghệ cũ lạc hậu dẫn đến người dân đồng thuận không cao. Trách nhiệm của huyện đã thực hiện xong.
Với dự án Đồng Ké, thực hiện chỉ đạo của T.Ư và TP, chúng tôi đang cùng cơ quan chức năng xây dựng tuyến đường vào khu xử lý này, nhưng trong quá trình triển khai xây dựng gặp phản ứng của người dân, nên đã tập trung tuyên truyền tạo đồng thuận. Xác định đây là dự án trọng điểm của huyện và TP, huyện đã thành lập các tổ công tác và phối hợp cơ quan ban ngành, tổ chức đoàn thăm các dự án sử dụng công nghệ tiên tiến như ở Cần Thơ… Với 2 dự án này, các cơ quan TP đang quyết liệt lựa chọn nhà thầu và công nghệ. Trên địa bàn Chương Mỹ có 2 dự án rác, mong thời gian tới được xem xét đánh giá có điều kiện thì được nâng công suất xử lý.
Nếu nhà đầu tư không phối hợp hoặc làm không tốt, huyện đề xuất thu hồi dự án
Liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tại thôn Lễ Thượng, xã Châu Can, Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Xuân Thanh giải trình thêm, dự án có từ năm 2015. UBND huyện Phú Xuyên đã phối hợp với nhà đầu tư triển khai công tác giải phóng mặt bằng trong giai đoạn 2016 – 2017.
Tuy nhiên trong quá trình giải phóng mặt bằng, người dân có đề xuất trọn thửa, và thu hoạch trọn vùng như kế hoạch 1259 của Chính phủ, nâng diện tích quy hoạch lên hơn 20ha. Sau đó, huyện Phú Xuyên đã có báo cáo Thành phố cho điều chỉnh quy hoạch lên hơn 20ha và được Thành phố chấp thuận.
Từ 2017 đến nay, dự án tạm dừng hoạt động để điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh chủ trương đầu tư và thực hiện lại các thủ tục liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng. Về công tác điều chỉnh quy hoạch, huyện Phú Xuyên đã hoàn thành năm 2017. Từ đó đến nay huyện phối hợp chặt chẽ với nhà đầu tư để triển khai các thủ tục tiếp theo. Tuy vậy đến thời điểm này huyện chưa nhận được các thủ tục hồ sơ pháp lý kiên quan đến công tác giải phóng mặt bằng sau khi điều chỉnh.
Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên nhận định, cho đến thời điểm này, trách nhiệm liên quan đến hoàn thiện các thủ tục pháp lý để thực hiện giải phóng mặt bằng vẫn thuộc về chủ đầu tư. Hiện nay Phú Xuyên chưa nhận được bất cứ hồ sơ pháp lý liên quan đến điều chỉnh để triển khai công tác giải phóng mặt bằng". "Trong trường hợp nhà đầu tư không phối hợp hoặc làm không tốt thì đề xuất thu hồi dự án", Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Xuân Thanh cho biết.Đề nghị Sở KH&ĐT kiểm tra năng lực nhà đầu tư
Tham gia trả lời chất vấn, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Trọng Đông cho biết, trung bình mỗi ngày Hà Nội thu gom khoảng 7.000 tấn rác thải sinh hoạt. Hiện nay, nhà máy xử lý rác thải bằng công nghệ tiên tiến ở Sóc Sơn tiến độ chậm.
Thời gian qua, TP đã chỉ đạo triển khai các nhà máy xử lý rác thải, và tới đây, TP giao Sở Xây dựng chủ trì, rà soát lại quy hoạch các khu chứa rác thải trên địa bàn TP; quý I/2022 có thể phê duyệt được điều chỉnh.
Đối với dự án nhà máy xử lý rác thải triển khai ở Phú Xuyên, đề nghị Sở KH&ĐT kiểm tra năng lực nhà đầu tư, nếu Công ty Môi trường Thăng Long không đảm bảo yêu cầu, có thể thu hồi lại dự án.Trước câu hỏi chất vấn của ĐB Nguyễn Quang Thắng và Giám đốc Ban Duy tu - Sở NN&PTNT báo cáo về dự án Sông Tích, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền khẳng định: Đây là dự án được TP xác định là dự án trọng điểm, triển khai lấy nước từ sông Đà ra hệ thống sông Tích để phát triển nông nghiệp và đảm bảo VSMT. Năm 2010 UBND TP rà soát điều chỉnh mục tiêu dự án, chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 từ Ba Vì lên Sơn Tây (triển khai từ vốn trái phiếu Chính phủ và ngân sách TP), đang triển khai thực hiện; giai đoạn 2, từ Sơn Tây đến Phúc Thọ, triển khai bằng hình thức BT nhưng vừa qua theo quy định chuyển sang đầu tư công; giai đoạn 3, TP đã điều chỉnh chưa thực hiện ở giai đoạn 2016-2020.
Bí thư Thành ủy đã chỉ đạo thúc đẩy dự án rất sát sao, UBND TP đã chỉ đạo các ngành và UBND huyện Ba Vì tập trung triển khai. Song đến nay dự án đã triển khai hơn 11 năm, trước hết do vướng GPMB ở huyện Ba Vì vì có nguồn gốc đất đai được xác đinh chưa rõ ràng và đầy đủ, địa hình địa chất phức tạp, khảo sát của đơn vị tư vấn chưa đầy đủ…
Vì vậy, vừa qua chúng tôi đã chỉ đạo các ngành rà duyệt hoàn chỉnh lại hồ sơ, các ngành đã thẩm định và UBND TP đã xem xét, báo cáo xin chủ trương của Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy. Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP sẽ hoàn thiện toàn bộ hồ sơ điều chỉnh dự án, cho phép thực hiện theo 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1 từ Ba Vì - Sơn Tây, sẽ hoàn thành trong năm 2022 để cung cấp được nguồn nước vào Sông Tích phục vụ hệ thống tưới tiêu và đảm bảo môi trường; giai đoạn 2 từ Sơn Tây - Phúc Thọ đến Mỹ Đức, đã đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 để làm sao hoàn thành, toàn bộ tuyến sông Tích trên địa bàn TP được hoàn thành; có định hướng để tiếp nước từ sông Tích sang sông Đáy để phục vụ sản xuất nông nghiệp, đảm bảo môi trường.