70 năm giải phóng Thủ đô

Chật vật bảo tồn câu lạc bộ ca trù

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhìn lại chặng đường 25 năm của Câu lạc bộ (CLB) Ca trù Hà Nội (CLB ca trù đầu tiên của Việt Nam), ca nương, NSƯT Bạch Vân không khỏi ngậm ngùi.

Bởi cho dù ca trù đã được thế giới công nhận là di sản văn hóa phi vật thể (cuối năm 2009), các ca nương, kép đàn vẫn chưa hết long đong, chưa mấy ai sống được bằng nghề.

Năm 1991, CLB Ca trù Hà Nội chính thức ra mắt. Ở thời điểm đó, nghe và hát ca trù vẫn là điều chưa phổ biến, thế nhưng với mong muốn gióng tiếng chuông báo động về nguy cơ biến mất một loại hình di sản độc đáo, ca nương Bạch Vân đã quyết tâm để CLB ca trù đầu tiên của Việt Nam ra mắt. CLB mở cửa đón tất cả các thế hệ già trẻ, trai gái của đất Hà thành đến thưởng thức. Vì mục đích bảo tồn và phát triển, nên những người tổ chức không đứng ra thu tiền vé mà chỉ “trông” vào tiền thưởng từ người hâm mộ - một hình thức thân quen của ca trù khi xưa.
Các nghệ nhân hát ca trù tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.  	Ảnh: Văn Phúc
Các nghệ nhân hát ca trù tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Văn Phúc
NSƯT Bạch Vân tâm sự: “25 năm qua, không ít lần tôi phải khóc, phải tủi hờn về sự thờ ơ của các cơ quan chức năng. Cho dù các thành viên CLB, trong đó có sự tham gia của không ít nghệ nhân ca trù có tiếng như cụ Nguyễn Thị Chúc, Nguyễn Phú Đẹ, Phó Thị Kim Đức…, nhưng chúng tôi chưa từng nhận được một đồng hỗ trợ của Nhà nước. Số tiền lớn nhất mà chúng tôi nhận được là 20 triệu đồng của một cá nhân. Ngoài ra, đôi lần có một vài người yêu nghệ thuật ca trù ủng hộ 500 ngàn đến 1 triệu đồng. Còn lại, tôi phải tự bỏ tiền túi để duy trì hoạt động biểu diễn thường xuyên của CLB”.

Nếu như những ngày đầu tiên mới thành lập, CLB mỗi tuần chỉ sinh hoạt được một buổi còn chật vật, thì những năm gần đây đã duy trì được hoạt động thường xuyên tại Bích Câu đạo quán, đồng thời có những buổi diễn tại các địa điểm của Hà Nội như số 25 Tông Đản, 87 Mã Mây, đình Kim Ngân phố Hàng Bạc, 34 Hoàng Cầu (Hà Nội). Nói như NSƯT Bạch Vân thì đến nay, ca trù đã có “sô”, từ biểu diễn trong những dịp ngày lễ trọng đại của dân tộc đến hát thờ tại các hội nghị, hội diễn, các lễ hội, các trường đại học, cao đẳng của T.Ư và Hà Nội, cũng như phục vụ các đoàn khách nước ngoài đến tìm hiểu ca trù. Thế nhưng, cũng chưa mấy ai sống được bằng hát ca trù. Theo ca nương Bạch Vân, không chỉ CLB Ca trù Hà Nội mà rất nhiều CLB ca trù khác trong cả nước chật vật để tồn tại, vài ba đơn vị nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước nhưng cũng rất ít ỏi. Chính vì vậy, trong câu chuyện kỷ niệm 25 năm thành lập CLB Ca trù Hà Nội, người ta mong muốn các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý văn hóa nói và giải đáp được vấn đề làm sao để bảo tồn và phát triển mô hình CLB ca trù cho Việt Nam hiện nay.
Lễ kỷ niệm 25 năm thành lập CLB Ca trù Hà Nội sẽ diễn ra vào ngày 24/9, với các hoạt động: Triển lãm một số tư liệu trong quá trình 25 năm hoạt động, tọa đàm về phương hướng bảo tồn và phát triển ca trù nói chung và CLB Ca trù Hà Nội nói riêng, biểu diễn một số thể cách cơ bản của nghệ thuật ca trù của các nghệ nhân, nghệ sĩ, ca nương, kép đàn của Hà Nội và một số tỉnh, TP trong cả nước.