Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

ChatGPT và cú hích cho AI Việt

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thành công ngoài sức tưởng tượng của ChatGPT đã mở ra cơ hội cho những quốc gia nhạy cảm với công nghệ mới, trong đó có Việt Nam.

Nếu tận dụng tốt cơ hội này, Việt Nam hoàn toàn có thể ghi dấu ấn rõ nét vào bản đồ AI thế giới, điều tương tự mà chúng ta từng thực hiện được với Blockchain vào hơn một năm trước đây.

Một câu hỏi vui với ChatGPT. Ảnh: Minh Hoàng
Một câu hỏi vui với ChatGPT. Ảnh: Minh Hoàng

“Cơn sốt” ChatGPT

Chỉ mới ra mắt vào tháng 11/2022 nhưng tới hiện tại ChatGPT đang tạo nên một cơn sốt toàn cầu bởi sự thông minh và hữu dụng của nó. Sở hữu tới 10 triệu người sử dụng thường xuyên, công cụ tương tác với người dùng (chatbot) có tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) có thể trao đổi với con người tương tự như một người thật.

Với khả năng vượt trội, ChatGPT không chỉ thực hiện các cuộc trò chuyện với con người dưới dạng hỏi đáp thông thường mà còn có thể thực hiện nhiều nội dung phức tạp hơn với thời gian siêu tốc. Chỉ với việc nhập vài dữ liệu đầu vào đơn giản, ChatGPT sẽ cho ra được một bài văn, bài báo, luận văn, đề xuất kinh doanh hoặc thậm chí là viết code cho lập trình máy tính.

Điểm nổi trội của ChatGPT còn nằm ở khả năng tự học hỏi. Điều này có nghĩa nếu người dùng phản hồi rằng nội dung ChatGPT trả lời là sai thì nó tự sửa chữa những lỗ hổng này để đưa ra câu trả lời đúng cho các lần giao tiếp tới. Bên cạnh đó, với kho dữ liệu lên tới 750GB, tập hợp từ hàng loạt bài viết trên internet, báo chí, sách online cho đến tài liệu học thuật được nghiên cứu có chiều sâu và liên tục được bổ sung khiến “kiến thức” của ChatGPT ngày càng được tăng cường theo cấp số nhân.

Theo nhiều chuyên gia về công nghệ và AI trên thế giới, với sức mạnh và tiềm năng của mình, ChatGPT sẽ khiến nhiều lĩnh vực trên internet phải định hình lại. Có thể kể đến như cách thức tìm kiếm trên mạng, hoạt động của các trợ lý ảo, việc viết nội dung cho website… Không những thế ChatGPT còn có khả năng gia nhập những lĩnh vực phức tạp hơn như y tế, sáng tạo nội dung, xây dựng phim ảnh ….

Được biết, vào năm 2019, Microsoft đã từng đầu tư 1 tỷ USD vào OpenAI, công ty sáng tạo ra ChatGPT. Nhưng tới thời điểm hiện tại, nhận ra khả năng vô hạn của chatbot này, gã khổng lồ công nghệ đang trong quá trình xúc tiến rót thêm 10 tỷ USD nhằm tăng cường phát triển ChatGPT cũng như tích hợp vào những sản phẩm như Bing, Word, hay Outlook của mình.

Sự nhanh tay của Microsoft không phải là không có cơ sở chắc chắn khi nhiều đại gia công nghệ khác đang coi ChatGPT là đối thủ cực kỳ nguy hiểm của mình trong tương lai ngắn hạn. Tiêu biểu như Google, CEO Sundar Pichai của hãng đã yêu cầu ở mức “báo động đỏ” là tái định hướng mọi nguồn lực nhằm mau chóng đưa ra chatbot có tên Apprentice Bard nhằm đối đầu với ChatGPT. Đồng thời hơn 20 dự án AI khác của Google cũng đồng loạt được đẩy nhanh tiến độ nhằm tránh bị tụt hậu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.

Sự thành công bất ngờ của ChatGPT cũng vô tình mở ra cơ hội cho các startup về AI khác trên toàn cầu. Có thể kể đến như Anthropic với chatbot AI có tên Claude, gồm những tình năng tương tự ChatGPT sắp kêu gọi thành công 300 triệu USD, qua đó nâng định giá công ty lên khoảng 5 tỷ USD. Các startup có quy mô nhỏ hơn như Character.AI hay Replika cũng đang có kế hoạch gọi vốn lên tới hàng trăm triệu USD.

Cơ hội cho AI Việt

Hiện tại, Việt Nam đang có nhiều điều kiện thuận lợi để nâng tầm AI trở thành một công nghệ chủ lực. Theo báo cáo "Chỉ số sẵn sàng AI của Chính phủ năm 2022” do Oxford Insights (Anh) công bố, Việt Nam xếp hạng 55/181 toàn cầu và xếp thứ 6/10 trong ASEAN về chỉ số sẵn sàng AI. Báo cáo này cũng nhận định Việt Nam đang có các lợi thế như dân số trẻ, có kỹ năng kỹ thuật số cao, có khả năng thích nghi nhanh với các giải pháp kỹ thuật số, đây là những điều kiện lý tưởng để phát triển công nghệ AI.

Không những thế, việc DN Việt đầu tư vào các dự án AI không phải là hiếm, cùng với đó ứng dụng trí thông minh nhân tạo được hiển hiện trong mọi mặt của cuộc sống từ đời sống, công nghệ, đô thị, bảo hiểm cho đến nông nghiệp, y tế … Các cái tên như Viettel, Vingroup, FPT… cũng đang rót hàng trăm tỷ đồng nhằm nghiên cứu, ứng dụng AI với mặt bằng công nghệ tiệm cận hoặc thậm chí là vượt qua nhiều quốc gia trên thế giới.

Nói về công nghệ AI, Giám đốc Công nghệ FPT Vũ Anh Tú khẳng định đây là một trong bốn công nghệ cốt lõi của Tập đoàn. Ngay từ năm 2013, FPT đã bắt tay vào đầu tư toàn diện cho AI từ nghiên cứu, phát triển sản phẩm, đào tạo nhân lực cũng như hợp tác với các tổ chức hàng đầu thế giới về AI.

Tới hiện tại, hệ sinh thái AI của FPT đang có hơn 20 giải pháp đang phục vụ hơn 20 triệu người dùng cuối và 600 triệu lượt sử dụng/năm. “AI sẽ xu hướng của toàn thế giới, trong đó có cả Việt Nam. Trong vòng 3 năm tới, FPT sẽ tiếp tục đầu tư khoảng 300 tỷ đồng nhằm đưa AI vào tất cả các sản phẩm, dịch vụ của mình, qua đó tạo ra sự phát triển vượt trội cho các ngành nghề trong cuộc sống như y tế, giáo dục, chăm sóc khách hàng …”- ông Vũ Anh Tú chia sẻ.

Như vậy có thể thấy, Việt Nam đang nắm bắt khá tốt xu hướng phát triển AI so với mặt bằng chung của thế giới. Với việc nhiều DN lớn đã sẵn sàng đứng ra dẫn dắt quá trình phát triển AI với hàng loạt sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo, điều này đã mở ra thuận lợi cho các DN nhỏ, startup tiếp bước. Cùng với đó, sự bùng nổ của ChatGPT cũng là cơ hội để ngành AI Việt có bước phát triển vượt bậc.

 

“Chiến lược Quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030” đặt mục tiêu đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI, đưa AI trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam. Đến năm 2030, Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp và ứng dụng AI trong khu vực ASEAN và trên thế giới.