Giá dầu cao ngất ngưởng
Các nhà phân tích cảnh báo, giá dầu tăng do khủng hoảng ở Iraq đang làm tăng nguy cơ thiếu hụt dầu ở Châu Á. Trong đó, Ấn Độ và Indonesia là hai quốc gia ảnh hưởng nghiêm trọng, liệu châu Á có vượt qua cơn bão này?
Ngày 19/6, giá dầu thô Brent đạt mức cao nhất trong 9 tháng qua với mức 115,71 USD/thùng và liên tục giữ mức cao cho đến thời điểm này.
Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã có buổi gặp gỡ với Thủ tướng Iraq Nouri Al-Maliki cùng các bộ trưởng và các nhà lãnh đạo đảng. Ông Kerry cho biết, Iraq đang phải đối mặt với một “mối đe dọa hiện hữu” về chính trị cũng như kinh tế.
Các tay súng Hồi giáo dòng Sunni ở Iraq hôm nay (24/6) tuyên bố họ đã kiểm soát hoàn toàn nhà máy lọc dầu chính của nước này tại Baiji, phía bắc Baghdad.
Nhà máy lọc dầu Baiji sản xuất 300.000 thùng/ngày, nếu tiếp tục đóng cửa thời gian dài, Iraq có thể cần phải nhập khẩu thêm dầu để đáp ứng nhu cầu, tiếp tục thắt chặt thị trường dầu mỏ. "Điều này sẽ gây mất cân bằng toàn cầu", một nhà phân tích tại Công ty tư vấn JBC Energy có trụ sở tại Vienna, cho biết.
Giá dầu có thể tăng cao nếu sự bùng nổ đá phiến sét của Mỹ không phát huy tác dụng tích cực cho nguồn cung cấp dầu toàn cầu, Nansen Saleri của Quantum Reservoir Impact cho biết trên Bloomberg News.
"Nếu sản xuất dầu của Mỹ không tăng, thêm 2 triệu thùng/ngày, giá dầu sẽ tăng 20-30 USD/thùng. Sự gia tăng trong sản xuất dầu của Mỹ là yếu tố góp phần vào sự ổn định", ông Saleri nói. Sản lượng dầu thô của Mỹ đạt gần 8,5 triệu thùng/ngày vào tuần trước, mức cao nhất kể từ năm 1986 nhờ vào sự gia tăng sản lượng sản xuất từ đá phiến sét ở Bắc Dakota và Texas.
Nguồn cung dầu của ASEAN, Ấn Độ bị đe dọa
Tuy nhiên, giá dầu tăng kéo dài có thể tạo ra gánh nặng cho nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là các quốc gia Châu Á đang phụ thuộc lớn vào nguồn nhập khẩu dầu mỏ. Vào tháng 9/2013, nhập khẩu ròng xăng dầu và các chất lỏng khác của Trung Quốc vượt Mỹ, biến Trung Quốc trở thành nước nhập khẩu ròng lớn nhất.
Một câu hỏi đặt ra là liệu Trung Quốc sẽ ra sao trong cuộc khủng hoảng Iraq? Theo báo cáo, Trung Quốc đầu tư 4 tỷ USD vào ngành công nghiệp dầu mỏ của Iraq và nước này là điểm đến của một nửa số dầu mỏ xuất khẩu của quốc gia Vùng Vịnh.
Tuy nhiên, nghiên cứu của ANZ cảnh báo, biến động giá dầu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng hơn cả đối với khu vực châu Á, đặc biệt là Indonesia và Singapore. Theo ANZ, châu Á có khả năng đối phó và thích ứng với việc giá dầu hơn 100 USD/thùng, nhưng giá dầu cao có thể tác động trực tiếp tới tốc độ tăng trưởng và gây lạm phát, buộc các ngân hàng trung ương phải thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa.
Trung Quốc đang đa dạng hóa nguồn cung cấp dầu, trong đó có Saudi Arabia, Oman, UAE, Angola, Venezuela và Nga. Tuy nhiên, giá dầu tăng có thể tiếp tục cản trở quá trình tăng tốc nền kinh tế của nước này. Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng được xem là nước chịu tác động lớn nhất khi phải nhập khẩu 75% dầu.
Theo Barclays, nếu giá dầu tăng 10 USD/thùng, tốc độ tăng trưởng của New Delhi sẽ giảm 0,5%. "Nếu dầu thô tăng lên, kim ngạch nhập khẩu của Ấn Độ tăng lên, vì vậy chi phí trợ giá nhiên liệu và phân bón tăng lên, và đồng rupee ngay lập tức phải gánh chịu áp lực", Bhaskar Chakraborty, nhà phân tích năng lượng tại India Infoline, nói với Financial Times.
Cty JOGMEC của Nhật Bản đã tính đến kế hoạch tăng đầu tư vào dầu khí, trong khi nhà kinh doanh Mitsui&Co cũng đã thảo luận việc mua đa số cổ phần trong các dự án một khi quốc gia nghèo năng lượng này đang tích cực vận động để đảm bảo nguồn cung dài hạn ổn định.
Nhà máy lọc dầu Baiji nếu bị đóng cửa trong thời gian dài sẽ gây ra thiếu hụt dầu (Ảnh: Reuters)
|