Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 18/9 nói rằng châu Âu chỉ có thể khẳng định tầm ảnh hưởng của mình trên sân khấu thế giới nếu châu lục này có chung một tiếng nói, giải quyết khủng hoảng nợ công và nâng cao sức mạnh kinh tế.
Thủ tướng Merkel lưu ý rằng tỷ lệ phần trăm người dân châu Âu trong dân số thế giới đã giảm mạnh trong 60 năm qua, làm giảm mức độ ảnh hưởng của các nước Liên minh châu Âu (EU) trên bình diện toàn cầu.
Thủ tướng Đức Angela Merkel. (Nguồn: AP)
Thủ tướng Đức nhấn mạnh: "Chúng ta chỉ có thể có một tiếng nói nếu chúng ta thống nhất trong EU, và chỉ có thể có một tiếng nói (trọng lượng) nếu chúng ta thành công về mặt kinh tế, không phải nhờ sự trả giá của các khu vực khác mà là từ sự cạnh tranh công bằng với các khu vực khác."
Phát biểu của bà Merkel được đưa ra vào thời điểm điều tra mới đây cho thấy gần 2/3 người dân Đức được hỏi nói rằng họ sẽ giàu có hơn, nếu họ không chuyển đổi từ đồng tiền yêu thích deutschmark sang đồng euro.
Thủ tướng nói rằng Đức không nên hy sinh xuất khẩu để điều chỉnh sự mất cân đối vốn đang làm Eurozone trở nên bất ổn, nhưng bà nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy nhu cầu trong nước.
Bà Merkel khẳng định bà bị thuyết phục rằng Eurozone sẽ nổi lên mạnh mẽ hơn từ cuộc khủng hoảng hiện nay so với thời điểm bắt đầu của cuộc khủng hoảng kéo dài gần ba năm qua. Theo Thủ tướng, Eurozone gồm 17 thành viên đang từng bước vượt qua khủng hoảng, nhưng những vấn đề này không nên giải quyết bằng một hành động duy nhất.
Thủ tướng Merkel vẫn dứt khoát không từ bỏ quan điểm đối với kế hoạch thành lập một cơ quan mới về giám sát lĩnh vực ngân hàng ở châu Âu. Ngày 17/9, bà Merkel nhấn mạnh không được vội vàng trong việc đưa ra kế hoạch này cũng như không cần triển khai kế hoạch bảo hiểm chung ở châu Âu.
Theo kế hoạch do ủy ban châu Âu đề xuất, cơ quan nói trên sẽ giám sát tất cả các ngân hàng ở Eurozone thay vì chỉ giám sát ngân hàng lớn nhất. Kế hoạch này dự kiến bắt đầu được triển khai từ đầu năm 2013.
Tạo lập một cơ quan giám sát ngân hàng ở châu Âu được coi là phần chủ chốt trong nỗ lực chấm dứt khủng hoảng nợ tại châu lục và cần được đưa ra trước khi cân nhắc các biện pháp khác, trong đó bao gồm kế hoạch bảo hiểm tiền gửi trên toàn châu lục, biện pháp giảm số ngân hàng phá sản, cho phép quỹ cứu trợ châu Âu hỗ trợ trực tiếp cho các ngân hàng gặp khó khăn, giảm rủi ro tài chính của những gói cứu trợ dành cho từng nước./.