Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Châu Âu chuẩn bị ứng phó trước việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hỗ trợ Ukraine

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên minh châu Âu (EU) khẳng định sẽ hỗ trợ tài chính cho Ukraine trong trường hợp Mỹ rút lui khỏi thỏa thuận G7 cho Kiev vay 50 tỷ USD, nhằm giúp quốc gia này kéo dài xung đột với Nga.

Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh các đồng minh phương Tây lo ngại về việc Washington sẽ không tuân thủ các cam kết đối với Ukraine khi ông Donald Trump chính thức nhậm chức tổng thống.

Vào ngày 4/12, Thứ trưởng Tài chính Ba Lan, Paweł Karbownik, đã nêu bật nguy cơ về việc Mỹ có thể rút khỏi thỏa thuận, đồng thời kêu gọi ông Trump nhanh chóng thể hiện rõ lập trường để EU có thể chuẩn bị các biện pháp ứng phó phù hợp.

Châu Âu sẵn sàng ứng phó trước việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hỗ trợ Ukraine. Ảnh: Eastnews.ua
Châu Âu sẵn sàng ứng phó trước việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hỗ trợ Ukraine. Ảnh: Eastnews.ua

Thỏa thuận cho vay 50 tỷ USD đã đạt được vào tháng 10/2024, sau nhiều tháng đàm phán giữa các quốc gia G7. Khoản vay này nhằm hỗ trợ tài chính cho Ukraine, trong đó sử dụng tài sản bị đóng băng của Nga làm tài sản thế chấp. Mỹ và EU cam kết mỗi bên sẽ đóng góp 20 tỷ USD, trong khi phần còn lại thuộc về Anh, Canada và Nhật Bản.

Tuy nhiên, khả năng Mỹ rút lui khỏi thỏa thuận đã trở thành vấn đề được quan tâm. Sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ, Mike Johnson, bác bỏ yêu cầu từ chính quyền ông Biden về khoản hỗ trợ bổ sung 24 tỷ USD cho Ukraine, nhiều người lo ngại Nhà Trắng sẽ tiếp tục đưa ra những quyết định bất lợi dành cho Kiev khi ông Trump lên nắm quyền.

Trước nguy cơ Mỹ không thực hiện phần cam kết đồng thuận, EU đã khẳng định sẽ chuẩn bị các phương án dự phòng để đảm bảo Ukraine vẫn nhận được sự hỗ trợ tài chính cần thiết. Ông Karbownik tuyên bố EU sẵn sàng cung cấp các khoản tài chính riêng nhằm bù đắp sự thiếu hụt từ phía Mỹ.
Còn theo Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen, EU có thể cung cấp tới 35 tỷ euro để hỗ trợ Ukraine.

Nga đã nhiều lần lên án việc sử dụng tài sản bị đóng băng để hỗ trợ Ukraine, xem đây là hành vi vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế. Moscow tuyên bố sẽ thực hiện các biện pháp đáp trả tương xứng.

Việc Mỹ có thể rút lui khỏi thỏa thuận vay không chỉ ảnh hưởng đến Ukraine mà còn có thể dẫn đến những mâu thuẫn với các quốc gia G7 khác. Điều này sẽ buộc các thành viên khác, đặc biệt là EU, phải gia tăng trách nhiệm tài chính, dẫn đến những áp lực đối với ngân sách của khối.