Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Châu Âu đang là "điểm nóng" của bệnh lao

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo báo cáo của Tổng Thư ký Ban Ki-moon, hiện nay, châu Âu đang là "điểm nóng" của bệnh lao, nơi đang có tới 15 trong tổng số 27 quốc gia trên toàn thế giới có tỷ lệ người mắc bệnh lao nặng cao nhất và việc chữa trị cũng gây tốn kém nhất.

Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện nay trung bình trên thế giới mỗi năm có khoảng 9 triệu bệnh nhân lao, và 1,3 triệu người trong số đó bị tử vong vì căn bệnh này.

Nhân Ngày Thế giới phòng chống bệnh lao (24/3), Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã ra báo cáo, kêu gọi cộng đồng quốc tế đẩy mạnh cuộc chiến chống lại bệnh lao và huy động mọi nguồn lực để đạt được mục tiêu đã đề ra, đó là triệt tiêu hoàn toàn căn bệnh này trên phạm vi toàn cầu vào giữa thế kỷ 21.

Ông Ban Ki-moon nhấn mạnh rằng tất cả những người mắc bệnh lao cần phải được nhanh chóng chẩn đoán và chữa trị kịp thời, đó là sự công bằng xã hội cần có ở tất cả mọi nơi.

 
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: euronews.com)
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: euronews.com)
Ông Ban Ki-moon cho rằng do có nhiều bệnh nhân lao không được phát hiện và chữa trị kịp thời, khiến cho căn bệnh này phát triển rất nhanh, trở thành mối đe dọa đối với ngành y tế toàn cầu.

Trong những năm gần đây, giới y học đã đưa ra ngày một nhiều hơn các biện pháp và thuốc đặc trị chữa bệnh lao, và có nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động những người mắc bệnh tự nguyện khám, chữa bệnh, và nhờ vậy, trong giai đoạn 1995-2011, trên toàn thế giới đã có 20 triệu bệnh nhân lao được cứu sống.

Tổng Thư ký Ban Ki-moon cho rằng để thanh toán được bệnh lao trên phạm vi toàn cầu vào giữa thế kỷ này, hơn lúc nào hết, các quốc gia và các cộng đồng dân cư cần đầu tư, mở rộng mạng lưới y tế tới mọi vùng miền, và tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, giúp mọi người hiểu được tính chất nguy hiểm của bệnh lao, chủ động khám, chữa bệnh thật sớm để đạt hiệu quả cao nhất. Ông cũng kêu gọi giới y học tập trung nghiên cứu, điều chế thêm những loại thuốc mới để chữa trị căn bệnh nguy hiểm này.

Nhân ngày này, Chính phủ Canada nhấn mạnh sự đóng góp hiệu quả cũng như cam kết tiếp tục chung tay với thế giới trong cuộc chiến chống lại các căn bệnh truyền nhiễm phổ biến.

Bộ trưởng Phát triển quốc tế Christian Paradis ngày 24/3 khẳng định Canada đang đóng góp to lớn vào việc loại trừ các trường hợp tử vong vì bệnh lao cũng như các ca mắc lao mới.

Cụ thể, Canada đã tích cực hỗ trợ sáng kiến chữa trị cho 3 triệu người mắc bệnh lao trên thế giới chưa được điều trị - “Reach the Three Million” - của Đối tác chặn đứng bệnh lao (STBP) thuộc WHO nhằm chuẩn đoán những người mắc bệnh sớm nhất có thể, đảm bảo chữa trị kịp thời và triệt để cũng như duy trì tỷ lệ cao người được chữa khỏi bệnh thông qua các sáng kiến giúp đối tượng là người nghèo, người dễ bị tổn thương và khó khăn trong tiếp cận dịch vụ y tế.

Từ năm 2010, STBP với 109 dự án “Reach 3 Millions” tại 44 nước đã xác định được thêm 210.000 trường hợp mắc bệnh lao, cứu sống 105.000 người và ngăn ngừa 2,1 triệu ca mắc mới.

Theo Bộ trưởng Paradis, Canada cũng đang dẫn đầu trong tài trợ cho Quỹ phòng chống AIDS, lao phổi và sốt rét toàn cầu (GFATM). Đến nay, Canada đã cam kết đóng góp 2,1 triệu USD cho GFATM trong cuộc chiến chống lại các căn bệnh truyền nhiễm này, góp phần tăng cơ hội, đặc biệt đối với người nghèo, được chẩn đoán và điều trị bệnh.

Năm 2002, GFATM đã phát hiện và chữa trị cho 11,2 triệu trường hợp mắc lao, 64.000 bệnh nhân lao đa kháng thuốc vốn đang là thách thức lớn cho toàn cầu.

Bộ trưởng Paradis nhấn mạnh thông qua GFATM đến nay, Canada đã góp phần cứu sống 8,7 triệu người trước nguy cơ tử vong vì các căn bệnh AIDS, lao và sốt rét.

Bộ trưởng Phát triển quốc tế Canada cũng cam kết quốc gia này sẽ tiếp tục hỗ trợ người mắc lao cũng như góp phần ngăn chặn sự lan rộng của căn bệnh chết người nhưng có thể chữa trị được.

Mới đây, Canada cũng tuyên bố hỗ trợ “Sáng kiến tiếp cận y tế Clinton” của Mỹ ở lĩnh vực phòng chống lao nhằm ngăn chặn sự lan rộng của bệnh lao trong số các công nhân khai thác mỏ nhập cư (vào Bắc Mỹ) và trong các cộng cộng đồng của họ ở châu Phi.