Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Châu Âu kêu gọi IMF áp thuế "đặc biệt" với ngân hàng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tuyên bố chung của Hội nghị thượng đỉnh EU hối thúc IMF xem xét một loạt lựa chọn, trong đó có phí bảo hiểm, quỹ giải pháp và thuế giao dịch toàn cầu.

KTĐT - Tuyên bố chung của Hội nghị thượng đỉnh EU hối thúc IMF xem xét một loạt lựa chọn, trong đó có phí bảo hiểm, quỹ giải pháp và thuế giao dịch toàn cầu.

Châu Âu cuối tuần qua đã ủng hộ đề xuất của Anh và Pháp kêu gọi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra loại "thuế đặc biệt" đối với các ngân hàng, công ty bảo hiểm và thị trường trên toàn cầu.

Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã tán thành đề xuất của Thủ tướng Anh Gordon Brown, vốn trước đó nhận được sự ủng hộ của Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, kêu gọi IMF xem xét cái gọi là thuế "Tobin" toàn cầu.

Ý tưởng này nằm trong số những đề xuất mà các quốc gia EU muốn xem xét để đảm bảo hàng nghìn tỷ USD của người nộp thuế được sử dụng để giải cứu lĩnh vực tài chính trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, sẽ được hoàn trả một phần từ những khoản lợi nhuận thời bùng nổ.

Sau hội nghị thượng đỉnh 2 ngày ở Brussel cuối tuần qua, 27 thành viên EU nhất trí rằng sự suy giảm kinh tế đòi hỏi có sự đổi mới giữa các thể chế tài chính và xã hội mà họ phục vụ, nhằm đảm bảo những khoản hỗ trợ bằng tiền của người nộp thuế được bảo vệ trước các nguy cơ.

Tuyên bố chung của Hội nghị thượng đỉnh EU hối thúc IMF xem xét một loạt lựa chọn, trong đó có phí bảo hiểm, quỹ giải pháp và thuế giao dịch toàn cầu.

Tuy nhiên, mặc dù tán thành các mục tiêu này, song Thủ tướng Đức Angela Merkel nói rằng hiến pháp Đức không cho phép bà làm theo Anh và Pháp áp các mức thuế một lần đối với tiền thưởng kiếm được trong năm nay của giới quản lý ngành ngân hàng.

Thủ tướng Anh Brown nhấn mạnh thuế giao dịch sẽ hình thành nên một phần thỏa thuận toàn cầu dài hạn, nhằm đảm bảo rằng lợi nhuận của thời đại kinh tế thịnh vượng thuộc về người dân, chứ không phải giới quản lý ngân hàng.

Theo nhà kinh tế đoạt Giải Nobel James Tobin, loại thuế trên có thể giúp làm giảm tình trạng đầu cơ trên các thị trường toàn cầu.

Còn Bộ trưởng Tài chính Anh Alistair Darling cho rằng nó sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho các ngân hàng đóng góp vào sự "phồn thịnh" của thế giới.

Tuy nhiên, ý tưởng theo phong cách "Robin Hood" đó đã không nhận được sự hưởng ứng của Mỹ.

Nhóm 20 nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G20) đã đề nghị IMF tiến hành nghiên cứu khả thi của biện pháp này.

Còn Tổng giám đốc IMF Dominique Strauss-Kahn cảnh báo rằng nó sẽ rất khó thực hiện./.