Trong chuyến thăm Việt Nam lần này, Phó Chủ tịch Điều hành Ủy ban châu Âu Valdis Dombrovskis nhận định, Việt Nam là quốc gia đối tác thương mại lớn của Liên minh châu Âu (EU), đặc biệt trong khu vực Đông Nam Á, và khối mong muốn thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế xanh.
Sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực đất hiếm
Khẳng định chuyển dịch xanh và kinh tế số, cần nhiều đầu vào khác so với kinh tế truyền thống vốn dựa trên nhiên liệu hóa thạch, ông Valdis Dombrovskis cũng cho rằng, việc tìm kiếm các nguyên liệu cho quá trình trên như đất hiếm và các nguyên vật liệu mới là rất quan trọng.
“Trong bối cảnh đó, chúng tôi rất mong được hợp tác với Việt Nam ở lĩnh vực này,” ông Valdis Dombrovskis trả lời Kinh tế & Đô thị .
Ông cũng đề cập tới Chiến lược vật liệu thô (Raw Material Strategy) của châu Âu, trong đó đề ra mục hợp tác với các quốc gia nhằm đa dạng hóa nguồn cung, chuỗi cung ứng cho các nguyên liệu đầu vào của quá trình chuyển đổi xanh.
Thông qua đây, EU muốn thúc đẩy không chỉ quá trình khai thác mà còn chế biến, chế tạo các tài nguyên này theo hướng nâng cao giá trị mà các quốc gia đó nhận được, Phó Chủ tịch Điều hành Ủy ban châu Âu cho biết.
Hợp tác thương mại EU-Việt Nam đi đúng hướng, là điểm sáng
Về hợp tác giữa Việt Nam và EU, ông Valdis Dombrovskis nhận định, hai bên đang đi đúng hướng, hợp tác được thúc đẩy ở rất nhiều mặt, đặc biệt trong 3 năm trở lại đây sau khi Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) bắt đầu có hiệu lực.
“Năm 2022 chứng kiến kim ngạch thương mại song phương giữa EU và Việt Nam đạt kỷ lục 64 tỷ Euro, biến Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn nhất của châu Âu trong khu vực Đông Nam Á,” Phó Chủ tịch Điều hành Ủy ban châu Âu nhấn mạnh. Hiện hàng hóa Việt Nam ở Châu âu hiện diện nhiều hơn đáng kể so với các đối tác trong khu vực.
Ông Valdis Dombrovskis cũng cho biết sắp tới sẽ có phái đoàn Việt Nam sang Brussel để bàn thảo việc triển khai EVFTA hiệu quả hơn nữa
Một trong những điểm nhấn trong khuôn khổ hợp tác xanh giữa Việt Nam và EU là Cơ chế Chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP) ký kết vào tháng 12/2022 tại Brussel.
Theo Phó Chủ tịch Điều hành Ủy ban châu Âu, kế hoạch huy động nguồn lực của JETP đang được hoàn thiện. Cụ thể, cơ chế này sẽ cần huy động lượng lớn nguồn lực tài chính chủ yếu từ khối tư nhân. Nguồn lực công, hỗ trợ không hoàn lại rất hạn chế, chỉ là chất xúc tác tạo đà, là “đòn bẩy” để từ đó khai phá nguồn lực mới và mạnh từ khối tư nhân.
“Do đó, để đạt mục tiêu chuyển dịch xanh, việc xây dựng môi trường hỗ trợ huy động sự tham gia của khối tư nhân rất quan trọng,” theo Phó Chủ tịch Điều hành Ủy ban châu Âu.
Ông cũng lưu ý, cơ chế còn bao gồm một điểm quan trọng là cải cách quy định pháp lý của Việt Nam, thay đổi môi trường pháp lý trong nước phù hợp với các tiêu chuẩn JETP đặt ra.
Ghi nhận nỗ lực của Việt Nam trong xây dựng cơ sở pháp lý ngăn ngừa IUU
Tháng 10/2023 vừa qua, một đoàn thanh tra của EU về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) đã tới Việt Nam. Phó Chủ tịch Phó Chủ tịch Điều hành Ủy ban châu Âu Valdis Dombrovskis thông tin, hai bên đã xác định các vấn đề cần giải quyết, thông qua những liên hệ và hợp tác chặt chẽ.
“Châu Âu đánh giá Việt Nam đã có nỗ lực lớn trong xây dựng cơ sở pháp lý về chống IUU, vấn đề hiện nay là thực thi những quy định pháp lý này,” ông cho biết.
Phía EU cũng cam kết mạnh mẽ sẽ phối hợp đồng hành với Việt Nam. Trong vài tháng tới sẽ có đoàn thanh tra mới của EU tới Việt Nam về vấn đề này và sẽ sớm đi đến kết luận về khả năng gỡ thẻ vàng IUU cho thủy sản Việt Nam, Phó Chủ tịch Điều hành Ủy ban châu Âu lưu ý.