Châu Âu năm 2016: Nhiều bài toán phức tạp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khủng hoảng di cư, bóng đen khủng bố hay chủ nghĩa dân tộc lên ngôi... Đó là những nét chính trong năm 2016 của Lục Địa Già.

Khủng hoảng di cư diễn biến phức tạp

Dù lượng người di cư vượt biển vào Liên minh châu Âu (EU) trong năm năm 2016 đã giảm nhưng cuộc khủng hoảng nhập cư lại xuất hiện một số xu hướng đáng lo ngại. Với việc đạt thỏa thuận 3 tỷ Euro với Thổ Nhĩ Kỳ, theo đó Ankara tiếp nhận dòng người di cư tràn vào cửa ngõ Lục Địa Già, cuộc khủng hoảng di cư đã hạ nhiệt, tuy nhiên còn tiềm ẩn các thách thức cần giải quyết trong năm 2017.

Khủng hoảng vẫn tiếp diễn ở các khu vực lân cận EU. Người tị nạn từ Syria, Afghanistan và Iraq vẫn chiếm gần 90% tổng số người nhập cư vào Hy Lạp. Trong khi Syria đang phải đối mặt với cuộc xung đột trên diện rộng thì xung đột ở Afghanistan và Iraq cũng có nguy cơ bùng phát bất cứ lúc nào. Điều này đe dọa tạo ra là sóng người tị nạn ồ ạt vào châu Âu.

Cùng với đó, số lượng nạn nhân gia tăng. Báo cáo tóm tắt của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) hồi tháng 9 cho thấy, mặc dù số lượng người di cư vượt biển vào châu Âu giảm 42% nhưng số lượng nạn nhân thiệt mạng hoặc mất tích chỉ giảm 15% so với năm 2015. Đồng thời cơ cấu người tị nạn tới châu Âu thay đổi. Tỷ lệ trẻ em đi một mình đang tăng lên do triển vọng bố mẹ của chúng được tiếp nhận vào EU thấp hơn. Điều này khiến họ mạo hiểm để con cái đi một mình với hy vọng chúng sẽ được chăm sóc chu đáo hơn sau khi vào EU.

Bóng đen khủng bố

Sau làn sóng di cư ồ ạt hồi năm ngoái, năm 2016, số lượng người di cư đã giảm rõ rệt, một phần là nhờ việc Liên minh châu Âu (EU) ký với Thổ Nhĩ Kỳ thỏa thuận ngăn chặn dòng người nhập cư trái phép đổ vào khối này, một phần là nhờ các nước sử dụng những biện pháp mạnh, ngăn chặn người di cư bất hợp pháp từ biên giới đến các hải cảng. Mặc dù vậy, lượng người di cư vào “lục địa già” vẫn vượt quá mức cho phép, tiếp tục phủ “bóng đen” lên châu Âu, đồng thời tạo ra những mối nguy hiểm an ninh cho chính khu vực này.
Chưa bao giờ châu Âu lại hứng chịu nhiều vụ khủng bố như trong năm qua. Từ Pháp, Bỉ đến Đức, những nơi được xem là “trái tim”, “khối óc” của EU đều phải gồng mình đối phó với hàng loạt vụ đánh bom khủng bố do những kẻ cực đoan trà trộn trong dòng người di cư xâm nhập vào EU.
 Vụ khủng bố bằng xe tải vừa xảy ra trong tháng này tại Đức.
Những vụ tấn công trên ít nhiều đều liên quan trực tiếp đến người tị nạn ở châu Âu và càng làm rõ nét hơn cuộc đối đầu giữa phương Tây với đạo Hồi. Mức độ của khủng bố càng gia tăng, bản chất của khủng bố càng thêm tàn khốc, nhất là khi gắn kết vụ khủng bố ở thủ đô Berlin với vụ ám sát Đại sứ của Nga Andrey Karlov ở Thổ Nhĩ Kỳ hôm 19/12 vừa qua. Khủng bố Hồi giáo giờ đây không còn là vấn đề riêng của Đức, Pháp hay Bỉ, mà là vấn đề của toàn châu Âu.Điều đáng lưu ý là các vụ tấn công khủng bố gia tăng mạnh tại Đức. Chỉ trong vòng 5 tháng cuối năm 2016, nước Đức đã phải chứng kiến 3 vụ tấn công vào những nơi công cộng, tập trung đông người. Ngày 19/7/2016 tại Wurzburg, một thanh niên tị nạn người Afghanistan đã tấn công bằng rìu trên một chuyến tàu ở miền Nam khiến 4 người bị thương nặng, 20 người khác bị thương. Ngày 22/7/16 tại Munich, một vụ xả súng đã xảy ra trong 1 trung tâm mua sắm khiến 9 người thiệt mạng và 20 người khác bị thương.Chưa hết xáo động bởi sự kiện đêm 13/11/2015 tại Paris (Pháp), sáng 22/3/2016, châu Âu và thế giới lại chấn động bởi một loạt các cuộc tấn công khủng bố bằng thuốc nổ nối tiếp nhằm vào sân bay Zaventem và ga tàu điện ngầm Maalbeek ở thủ đô Brussels của Bỉ khiến 31 người chết, hàng trăm người bị thương.
Cuộc họp cuối năm của các Bộ trưởng Nội vụ EU đưa ra một con số giật mình: trong vài năm qua đã có khoảng 5.000 công dân châu Âu tìm cách trốn sang Syria gia nhập hàng ngũ tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS và sẽ có khoảng 1.500 đến 1.750 phần tử cực đoan tìm đường trở lại châu Âu trong thời gian tới sau các thất bại của IS trên chiến trường Syria và Iraq. Trong đó, mối đe doạ lớn nhất là đối với 2 nước Bỉ và Pháp, những nước có các công dân bỏ sang Syria gia nhập IS đông đảo nhất. Dự kiến, có khoảng 700 phần tử cực đoan từ Trung Đông sẽ tìm cách xâm nhập trở lại Bỉ và Pháp, tạo nên nguy cơ có một làn sóng khủng bố mới cực kỳ nghiêm trọng.
Chủ nghĩa dân tộc “lên ngôi”
Bên cạnh đó, phong trào dân túy nổi lên như một làn sóng rộng khắp châu Âu, góp phần tạo nên thì sự kiện Brexit (nước Anh rời khỏi EU) lại tạo ra những cơn “địa chấn” làm rung chuyển giới chính trị châu Âu và có thể gây hiệu ứng domino trong thời gian tới. Cho đến thời điểm hiện tại, đã có hai nhà lãnh đạo châu Âu là cựu Thủ tướng Anh David Cameron và cựu Thủ tướng Italia Matteo Renzi phải “ra đi” sau hai cuộc trưng cầu ý dân riêng rẽ nhưng lại có chung một nguyên nhân. Đó là do cử tri hai nước này lo ngại về an ninh, về làn sóng nhập cự ảnh hưởng tới công ăn việc làm của họ, từ đó khiến họ quay lưng lại với các chính sách của EU. Sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc này còn đang đe dọa chính phủ cầm quyền ở một số nước châu Âu khác như Pháp, Hà Lan, Ba Lan… trong bối cảnh những nước này sẽ tiến hành các cuộc bầu cử quan trọng vào năm sau.
 Brexit đã gây ra cơn "địa chấn" cho châu Âu.
Tại Pháp, thủ lĩnh Marine Le Pen của đảng Mặt trận Dân tộc cực hữu đang sẵn sàng tâm thế để tranh cử tổng thống vào tháng 5/2017, mặc dù khảo sát dự báo bà sẽ bị đánh bại bởi một ứng cử viên bảo thủ chính thống hơn.Tương tự, từ Áo tới Hà Lan, Đức tới các nước thuộc khu vực Scandinavi, các đảng từng đứng bên rìa đang dần mạnh lên và được người dân chấp nhận. Ví như đảng chống người nhập cư, bài xích Hồi giáo mang tên Sự lựa chọn cho nước Đức (AfD) đang giành được 12% tỷ lệ ủng hộ trên toàn quốc sau khi thắng một số ghế trong bầu cử nghị viện bang. Đảng này đang là cơn đau đầu với Thủ tướng Angela Merkel khi bà chuẩn bị tranh cử nhiệm kỳ 4.Thủ tướng cánh hữu Hungary là ông Victor Orban cũng đã trở thành một nhân vật đi đầu cho phong trào chống người tị nạn ở Đông Âu. Tại Áo, chính trị gia Norbert Hofer thuộc đảng cực hữu cũng đang kỳ vọng chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu lại để bầu tổng thống vào tháng 12 tới.
Quan hệ Nga - Thổ "ấm" lại
Năm 2016 đánh dấu sự ấm lên bất ngờ trong quan hệ Nga - Thổ lên một tầm mới. Hai nước đã giải quyết ổn thỏa cuộc khủng hoảng kéo dài từ cuối năm ngoái sau khi một máy bay chiến đấu của Moscow bị Ankara bắn hạ tại biên giới Syria.
 Tổng thống Nga Putin (trái) và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan.
Trước đó, giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tồn tại bất đồng lớn trong vấn đề Syria. Chính quyền Ankara hậu thuẫn nhóm đối lập chống lại chính phủ Tổng thống al-Assad kể từ khi bắt đầu cuộc nội chiến, trong khi Moscow ủng hộ chính quyền của ông al-Assad, dẫn đến xung đột đỉnh điểm khi một máy bay chiến đấu của Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ.
Tuy nhiên, sau nhiều tháng căng thẳng và các lệnh cấm vận kinh tế đối với nông sản Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Erdogan đã xin lỗi về vụ việc và có chuyến thăm Nga để gặp ông Putin vào mùa hè. Hai nước đã nhanh chóng có các động thái “làm lành” ngay sau đó, thông qua dự án đường ống khí đốt và cam kết tăng cường quan hệ kinh tế.
Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ đã phát đi tín hiệu của việc chuyển đổi cách tiếp cận về vấn đề Syria gần với Moscow hơn. Đặc biệt là trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ hứng chịu một loạt vụ tấn công khủng bố tàn bạo bởi các chiến binh Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, bao gồm cuộc tấn công vào sân bay chính của Istanbul tháng 6 vừa qua khiến 45 người thiệt mạng. 
Thậm chí, vụ ám sát Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ hồi cuối năm nay không những không tạo ra bất cứ khủng hoảng nào mà còn khiến 2 nước xích lại gần nhau hơn. Cả Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Nga Vladimir Putin đều coi vụ ám sát này như động cơ cũng như tiếng nói chung để xích lại gần nhau, cùng hợp sức đối phó với các mối nguy tiềm ẩn.  
Bên cạnh đó, sau rất nhiều chỉ trích đối với cuộc thanh trừng sau âm mưu đảo chính bất thành từ phương Tây và đặc biệt là Mỹ, nước từng là đồng minh của Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara đang rất cần một sự ủng hộ thay thế.