Châu Âu sẽ phạt 7 công ty Trung Quốc vì hỗ trợ thiết bị cho Nga?

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên minh châu Âu cần có sự đồng thuận từ 27 thành viên để thực thi lệnh trừng phạt.

Dãy căn hộ ở Chasiv Yar thuộc Donetsk Oblast, Ukraine, vào ngày 21/4. Nguồn: Nikkei Asia
Dãy căn hộ ở Chasiv Yar thuộc Donetsk Oblast, Ukraine, vào ngày 21/4. Nguồn: Nikkei Asia

Brussels đã đề xuất nhiều biện pháp trừng phạt đối với các công ty Trung Quốc vì hỗ trợ linh kiện, máy móc phục vụ cho Nga trong cuộc chiến ở Ukraine.

Theo Financial Times, các thành viên Liên minh châu Âu (EU) trong tuần này sẽ thảo luận về biện pháp trừng phạt bảy doanh nghiệp Trung Quốc bị cáo buộc. Trong đó, một số công ty đã là đối tượng chịu các lệnh trừng phạt từ Mỹ.

Động thái này của EU có thể sẽ làm phát sinh mâu thuẫn với Bắc Kinh, nhất là trong bối cảnh quốc gia này đang ra sức chèo kéo Brussels về phía mình thay vì Washington trong cuộc chiến giành ảnh hưởng toàn cầu.

Cho đến nay, Brussels vẫn không hề muốn đối đầu trực tiếp với Trung Quốc, và cố gắng chứng minh rằng không có bằng chứng nào cho thấy quốc gia tỷ dân trực tiếp cung cấp vũ khí cho Nga.

Hiện các lệnh trừng phạt cần có sự chấp thuận của cả 27 quốc gia thành viên mới được thi hành.

Trước đó, hai công ty Trung Quốc trong danh sách này là 3HC Semiconductors và King-Pai Technology đã bị Mỹ áp lệnh trừng phạt. Không những vậy, hai công ty có trụ sở tại Hồng Kông trong danh sách của EU là Sinno Electronics và Sigma Technology cũng nằm trong danh sách của Bộ Ngân khố Hoa Kỳ.

Giải thích về những đề xuất trừng phạt này, Brussels cho biết: "Xét đến vai trò chủ yếu của các linh kiện điện tử được Nga sử dụng để hỗ trợ cho cuộc chiến ở Ukraine, thì việc áp dụng lệnh trừng phạt này hoàn toàn phù hợp, vì một số công ty ở các nước thứ ba có hành vi lách hạn chế thương mại, và một số công ty Nga tham gia vào sản xuất và cung cấp linh kiện điện tử cho quân đội Nga".

“Trước đây, King-Pai cung cấp thiết bị vi điện tử và ứng dụng quốc phòng bao gồm hệ thống dẫn đường tên lửa hành trình cho Nga” - Bộ Ngân khố Hoa Kỳ cho biết.

Brussels cũng đang đề xuất các biện pháp trừng phạt đối với một số công ty Iran liên quan đến sản xuất và cung cấp máy bay không người lái cho Nga.

Hiện EU đang tìm cách giải quyết hành vi lách lệnh trừng phạt của các công ty theo một cách tổng quát hơn. 

Ngoài ra còn có quyền cấm các tàu chở dầu che giấu vị trí của mình mà không có lý do chính đáng đối với các cảng của EU. Nhiều tàu đã lách các lệnh cấm vận nhập khẩu dầu trên biển của Nga bằng cách giả vờ chở hàng của họ đến từ nơi khác.

Ủy ban châu Âu cũng đã đề xuất mở rộng phạm vi xuất khẩu bị cấm sang Nga.