Châu Âu thiệt hại nặng vì giá rét

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Theo AP, một đợt tuyết lạnh quét qua Đông và Trung Âu trong mấy ngày vừa qua đã khiến ít nhất 36 người thiệt mạng và gây thiệt hại nghiêm trọng cho hoạt động thường nhật và sản xuất, kinh doanh của khu vực.

Mùa Đông khắc nghiệt

Tại Ukraina, nhiệt độ xuống thấp kỷ lục (-25 độ C đến -10 độ C) khiến ít nhất 18 người vô gia cư thiệt mạng, gần 500 người phải nhập viện trong vòng 3 ngày qua vì sốc nhiệt. Các trường học ở đây đều đóng cửa, trong khi đời sống của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo các nhà chức trách, hơn 17.000 người đã tìm đến 1.500 nơi trú ẩn có cung cấp thức ăn và lò sưởi miễn phí trong mấy ngày qua. Tại Ba Lan, ít nhất 10 người thiệt mạng trong ngày 30/1 do nhiệt độ giảm xuống -26 độ C. Phát ngôn viên của Bộ Nội vụ Ba Lan Malgorzata Wozniak cho biết, những nạn nhân xấu số đều là người cao tuổi và người vô gia cư. Hiện cảnh sát đã tiến hành tìm kiếm những người vô gia cư để đưa họ đến các nơi trú ẩn do Chính phủ lập ra. Trong khi chính quyền thành phố Warsaw (Ba Lan) đặt hơn 40 máy sưởi công nghiệp tại các nút giao thông trọng điểm để giúp hành khách giữ ấm, chính quyền thủ đô Praha (Séc) đã dựng lều cho khoảng 3.000 người vô gia cư, giúp họ tránh rét.

Giá rét tại miền Trung Serbia khiến 3 người chết, 2 người đàn ông 70 tuổi mất tích trong khi 14 thành phố của nước này phải ban bố tình trạng khẩn cấp, hàng chục thành phố bị cắt điện. Tại một ngôi làng ở Tây Bắc Bulgaria, một người đàn ông 57 tuổi đã bị đóng băng đến chết và tuyết rơi dày khiến 28 khu vực nằm trong tình trạng khẩn cấp. Tình hình cũng tương tự như ở Romania, nơi mà các báo cáo cho biết 4 người đã chết vì thời tiết băng giá.

Gió mạnh kèm theo tuyết rơi dày khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình trệ và thiệt hàng hàng chục tỉ euro. Hiện, cảng Varna trên Biển Đen của Bulgaria phải đóng cửa, đường cao tốc nối nước này với Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã ngừng hoạt động khiến hàng hóa xuất khẩu bị dồn ứ tại các cửa khẩu. Nhiệt độ tại tỉnh Kars của Thổ Nhĩ Kỳ, giáp biên giới Armenia đã xuống -25 độ C từ hôm 29/1 trong khi một nhà thi đấu tại Istanbul đã được trưng dụng để làm nơi trú ẩn cho khoảng 350 người vô gia cư. Gần 200 chuyến bay đến và đi của hãng Turkish Airlines buộc phải hủy do điều kiện thời tiết xấu khiến hàng nghìn hành khách bị mắc kẹt tại sân bay. Nguyên nhân khiến nhiều người thiệt mạng trong vòng 3 ngày qua là do nền nhiệt ổn định trong thời gian dài đột ngột tụt giảm mạnh, dẫn đến hiện tượng sốc nhiệt. Hiện các nước Đông và Trung Âu vẫn được được đặt trong tình trạng cảnh báo do thời tiết giá lạnh được cho là sẽ kéo dài trong những ngày tới. Trong khi đó, dự báo thời tiết cho thấy, các khu vực khác của châu Âu sẽ bắt đầu chịu ảnh hưởng của đợt rét mới từ ngày 2/2 tới. Dự kiến, nhiệt độ tại Paris (Pháp) sẽ xuống -11 độ C, tại Amsterdam (Hà Lan) là -8 hay -9 độ C. Nền nhiệt trung bình tại Anh sẽ là -5 đến -10 độ C, thậm chí một số khu vực cao của Scotland nhiệt sẽ xuống còn -15 độ C. Hồi trung tuần tháng 1, một đợt bão tuyết nghiêm trọng nhất trong vòng 30 năm qua cũng bao phủ một phần châu Âu và Mỹ khiến hàng nghìn khách du lịch bị kẹt trên núi Alps.

Tự làm khó mình

Việc châu Âu đang phải trải qua một mùa đông khắc nghiệt chưa từng có đã đẩy nhu cầu dầu sưởi ấm tăng cao và một lần nữa đặt ra câu hỏi về tính hợp lý của lệnh cấm Iran xuất khẩu dầu sẽ có hiệu lực từ 1/7 tới. Trong khi một số nước châu Âu vẫn đang ráo riết tìm kiếm đối tác cung cấp dầu thay thế cho Iran, Tehran cho biết nhiều khả năng sẽ ban hành biện pháp trả đũa vào cuối tuần này. Nếu Iran ngừng bán dầu ngay lập tức, nhiều nước châu Âu chắc chắn sẽ lâm vào cảnh khan hiếm nhiên liệu khiến giá dầu tăng nhanh và vượt khả năng thanh toán của người dân và doanh nghiệp. Điều mà châu Âu có thể làm bây giờ là hy vọng Tehran sẽ không đột ngột cắt nguồn cung, nếu không số người thiệt mạng vì giá rét chắc chắn sẽ không dừng lại ở con số 36.