Cháy hàng bình chữa cháy chưa hẳn do ý thức

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau hơn một tuần khi Thông tư 57/2015/TT-BCA của Bộ Công an có hiệu lực, không khí mua sắm tại các cửa hàng kinh doanh sản phẩm bình chữa cháy mini vẫn diễn ra nhộn nhịp.

Tuy nhiên, phần lớn người tiêu dùng mua không phải do ý thức về an toàn cho mình mà chỉ để đối phó với lực lượng chức năng.

Để không… bị phạt

Theo khảo sát của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, hiện nay, trên thị trường bán rất nhiều các loại bình chữa cháy mini, chủ yếu có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc như bình bọt, bình bột, bình nước với chất phụ gia chữa cháy dưới 5 lít hoặc bình khí CO2 chữa cháy dưới 4kg, có giá dao động từ vài trăm đến cả triệu đồng.
Khách hàng lựa chọn sản phẩm tại Công ty TNHH Công nghiệp Vạn Bảo. 	 	Ảnh: Hiền Duy
Khách hàng lựa chọn sản phẩm tại Công ty TNHH Công nghiệp Vạn Bảo. Ảnh: Hiền Duy
Tuy nhiên, khác với những ngày khi thông tư có hiệu lực, người bán hô bao nhiêu người mua mua bấy nhiêu mà nhiều người đã có sự cân nhắc, lựa chọn. Nếu như những ngày trước bình móp, méo, thậm chí là bình bị bong tróc hướng dẫn sử dụng vẫn có người mua thì người tiêu dùng đã quan tâm, lựa chọn phù hợp, có chất lượng hơn. Chị Minh Anh, chủ cửa hàng bán đồ bảo hộ lao động trên phố Yết Kiêu cho biết, những ngày trước, giá bán loại bình 1 lít chỉ từ 70.000 - 90.000 đồng, nhưng khi Thông tư có hiệu lực, giá tăng lên mỗi ngày, thậm chí lên 170.000 - 200.000 đồng/bình. Nhưng những ngày qua, sức mua đã giảm do người tiêu dùng đã có sự cân nhắc, lựa chọn. Tuy nhiên, giá các loại bình vẫn còn khá cao và người tiêu dùng mua cũng chỉ là để đối phó.
“Hiện nay thì mới chỉ có duy nhất mức phạt từ 300 - 500.000 đồng đối với phương tiện giao thông không có thiết bị PCCC. Việc trang bị không đúng chủng loại, mẫu mã theo quy định hoặc chưa được kiểm định cũng là vi phạm, nhưng chưa có quy định cụ thể về hành vi này, hiện tại lực lượng CSGT mới chỉ dừng lại ở mức tuyên truyền và nhắc nhở người dân việc chấp hành Thông tư, chứ chưa xử phạt".
Đại tá Nguyễn Quang Nhật

Trưởng phòng Tuyên truyền và phổ biến pháp luật (Cục CSGT, Bộ Công an)

Trong khi những mặt hàng trôi nổi được bán tràn lan thì hơn một tuần qua thị trường cũng ghi nhận việc, những mặt hàng có nguồn gốc, tem nhãn rõ ràng song để ra thị trường lại đang phải thực hiện thêm nhiều thủ tục.

Tại cửa hàng kinh doanh sản phẩm bình chữa cháy mini tại 593 Kim Ngưu, Trưởng Phòng Kinh doanh (Công ty TNHH Công nghiệp Vạn Bảo) Đặng Hiền chia sẻ, các sản phẩm bình chữa cháy của Công ty có đăng kiểm kiểm định đầy đủ, đáp ứng đủ tiêu chuẩn PCCC nhưng trong Thông tư 57 lại yêu cầu phải kiểm định để được cấp tem đã ảnh hưởng nhiều đến việc cung cấp sản phẩm, làm ảnh hưởng đến cơ hội kinh doanh của DN. “Thời gian qua, nhu cầu sử dụng tăng, nên bình chữa cháy đang rất khan hiếm. Bởi, dù còn hàng nhưng phải mất thời gian làm thủ tục để dán tem kiểm định, nên đành hẹn chờ” – chị Hiền cho biết.

Tuy nhiên, dù nhiều hãng thi nhau tăng giá, nhưng với tiêu chí sản phẩm tốt cho khách hàng, công ty vẫn giữ nguyên giá niêm yết, đặc biệt là những sản phẩm bình khí sol, đạt tiêu chuẩn châu Âu dùng 10 năm không cần nạp khí, thân thiện với môi trường, dùng được cho 3 loại đám cháy ABC.

Đồng quan điểm này, đa số các chủ cửa hàng kinh doanh đều cho rằng, sản phẩm khi nhập khẩu về đã có nguồn gốc xuất xứ, được kiểm định, bây giờ quy định bắt dán thêm tem, mất thêm thời gian, chi phí kiểm định lại sản phẩm, ảnh hưởng không nhỏ đến việc kinh doanh. Trong khi đó, đánh vào tâm lý đối phó để đỡ bị phạt của người tiêu dùng, một số cửa hàng đã kinh doanh sản phẩm chất lượng chưa được kiểm định. Và bản thân người mua cũng phải chịu thiệt và vẫn bị phạt khi sử dụng bình không đúng quy định.

Đừng gây nên tâm lý đối phó

Đã có những ý kiến khác nhau sau hơn một tuần Thông tư 57 có hiệu lực, đã có nhiều ý kiến xung quanh những quy định tại thông tư này. Nhiều người cho rằng, các nhà sản xuất ô tô khi cho ra đời một sản phẩm, họ đã nghiên cứu kỹ về tính năng, nhất là độ an toàn, nhưng các xe nhỏ đều không thiết kế chỗ đặt bình chữa cháy.

Đồng quan điểm này, Luật sư Vũ Lợi (Công ty Luật Hòa Lợi) cho biết, về quy định bắt buộc phải có bình chữa cháy trên xe mang nặng tính hình thức. “Thông tư đưa ra lại không hướng dẫn cho chủ xe cách sử dụng, lắp bình chữa cháy ở đâu, không lẽ để lăn lóc trên sàn xe liệu có an toàn” - Luật sư Vũ Lợi nêu ý kiến.

Rõ ràng thời gian qua, với quy định bắt buộc phải có bình chữa cháy trên xe đã khiến thị trường này nóng lên. Và thực tế vẫn còn rất nhiều điều đáng bàn xung quanh vấn đề này.
Cách sử dụng bình chữa cháy mini khi xảy ra cháy
Trên thị trường hiện có rất nhiều loại bình chữa cháy mini, tuy nhiên các chủ xe ô tô lưu ý, loại bình chữa cháy phù hợp nhất là bình chữa cháy cầm tay công nghệ SOL khí hoặc bình xịt chữa cháy Faucon. Ưu điểm của 2 loại bình này là có thể dập lửa trong nhiều môi trường cháy, trọng lượng bình nhẹ, chỉ tương đương với bình xịt muỗi nhưng phạm vi chữa cháy tương đương với bình bột, bình CO2 2kg. Cách sử dụng bình cũng rất an toàn, chỉ cần lắc và xịt trực tiếp vào đám cháy. 2 loại bình này hoạt động tốt trong vòng 10 năm mà không cần tốn chi phí nạp, bảo trì, bảo dưỡng.
Bình chữa cháy cầm tay SOL khí PFE-1 (trọng lượng 610gr) rất dễ sử dụng khi xảy ra cháy, chỉ cần: Rút khóa an toàn; Hướng thẳng đầu phun của bình vào đám cháy; Ấn nút kích hoạt và giữ chặt tay cầm bình; Phun quét qua lại đến khi đám cháy được dập tắt hoàn toàn.
Tuy nhiên, người dùng cũng phải lưu ý, các vị trí không nên đặt bình cứu hỏa là dưới gầm ghế người lái (nguy cơ gây cản trở khi lái xe – chân ga/chân phanh), hốc để nước trên cánh cửa (dễ va đập, nguy cơ nổ khi có va chạm bên hông), mặt  tap-lô, phía dưới kính sau của xe… Vị trí an toàn nhất là gầm ghế hành khách phía trước, trong khoang hành lý (nhưng phải có hệ thống gá để không bị va đập trong khi vận hành xe và cũng để dễ lấy khi cần thiết)…
Hoàng Anh

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần