Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chây ì trả nhà công vụ: Do nể nang, thiếu cương quyết

Theo VOV.vn
Chia sẻ Zalo

Đại biểu Quốc hội cho rằng việc khó thu hồi nhà công vụ có nguyên nhân từ việc sự nể nang, thiếu cương quyết.

Câu chuyện về nhà công vụ lại làm nóng dư luận khi thông tin một số vị nguyên lãnh đạo chưa trả nhà công vụ cho nhà nước mặc dù đã có văn bản yêu cầu. Vấn đề dư luận băn khoăn là mặc dù Luật nhà ở hiện hành có quy định về nhà công vụ, nhưng các quy định dưới luật chưa rõ ràng, cụ thể, quy định chung chung dễ dẫn đến tình trạng “đánh trống bỏ dùi”. Phóng viên phỏng vấn ông Phạm Tất Thắng, Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long về vấn đề này.
 Đại biểu Phạm Tất Thắng.
PV: Thời gian qua có tình trạng một số cán bộ sau khi nghỉ hưu vẫn không trả nhà công vụ, gây phản cảm và bức xúc dư luận. Ông nhìn nhận thế nào về thực trạng này?

Ông Phạm Tất Thắng: Đây là một thực trạng mà dư luận, báo chí cũng đã lên tiếng về một số đồng chí được bố trí nhà công vụ sau khi hết thời gian làm nhiệm vụ, nghỉ hưu theo chế độ nhưng không trả lại nhà công vụ. Đó là việc làm không nên.
PV: Dư luận cho rằng nguyên nhân của việc chây ì không trả lại nhà công vụ sau khi đã nghỉ hưu, hết tiêu chuẩn là vì lòng tham của những cán bộ này. Ông nghĩ sao về nhận định như vậy?
Ông Phạm Tất Thắng: Mỗi sự việc có nhiều nguyên nhân. Ở đây, cơ quan có trách nhiệm quản lý nhà công vụ cũng cần phân loại, có những người có khó khăn thực tế, có những người có lý do khách quan, có người lại có lý do chủ quan hay nói thẳng là do lòng tham không muốn trả lại nhà. Trong khi thực tế những nhà công vụ đều ở vị trí đẹp, thuận lợi, giá trị cao. Do đó, chúng ta phải nhận diện đúng những trường hợp cụ thể.
PV: Nhiều ý kiến cho rằng gốc rễ của tình trạng nhà công vụ bị chiếm dụng là do sự nể nang của những đơn vị, cá nhân thực thi pháp luật, thậm chí có sự bắt tay giữa những người thực hiện quản lý tài sản này với những cán bộ có tiêu chuẩn sử dụng nhà công vụ để đôi bên cùng có lợi. Quan điểm của ông như thế nào?
Ông Phạm Tất Thắng: Rõ ràng góc nhìn này là một thực tế. Người quản lý nhiều khi cũng là đồng nghiệp, thậm chí lại là cấp dưới của các đồng chí phải thu hồi nhà công vụ nên cũng gây nên sự nể nang, cả nể và không cương quyết trong việc thu hồi nhà công vụ.
PV: Có góc nhìn khác cho rằng vì chưa phân trách nhiệm quản lý công sản rõ ràng nên có những người tự giác muốn trả nhưng không biết trả cho ai. Theo ông, đây có phải là nguyên nhân mà nhà công vụ đang bị chiếm dụng?
Ông Phạm Tất Thắng: Tôi cho rằng đó cũng là một nguyên nhân thực tế. Nguyên nhân này có thể xếp vào nguyên nhân chủ quan từ phía quản lý, tức là quản lý không chặt chẽ hoặc quy định sử dụng nhà công vụ không chặt chẽ. Ví dụ thời gian nào phải bố trí; khi kết thúc công việc của mình thì sau bao nhiêu lâu phải trả; cơ quan nào giao, cơ quan nào nhận, liên quan đến việc quản lý, duy tu bảo dưỡng trong quá trình nhà công vụ được sử dụng. Theo tôi những việc đó phải được xác định thành một quy trình cụ thể từ việc giao vào ban đầu nhiệm kỳ cho đến khi kết thúc nhiệm kỳ và nó cũng liên quan đến trách nhiệm của một cơ quan hoặc một cá nhân cụ thể trong cơ quan đó.
PV: Theo ông, để nhà công vụ không bị chiếm dụng, được sử dụng đúng mục đích để tạo thuận lợi cho cả những người sau này đảm đương những công việc được Đảng, Nhà nước giao phó được thuận lợi về nơi ở thì mấu chốt vấn đề nằm ở đâu?
Ông Phạm Tất Thắng: Tôi cho rằng, có thể bên cạnh phương thức vẫn bố trí nhà công vụ với những quy định rất rõ, cụ thể về việc giao, nhận, thời hạn sử dụng, trách nhiệm của những người được giao, nhận tài sản này thì chúng ta cũng phải lưu ý thêm với những hình thức đã áp dụng như đối với xe công, tức là có thể tính tới việc khoán một khoản kinh phí cho những đồng chí có tiêu chuẩn nhà công vụ. Ví dụ, các đồng chí có thể lựa chọn giữa việc nhận khoán để tự lo với sự chủ động của mình.
Với việc lựa chọn để được bố trí, sắp xếp nhà công vụ thì chúng ta có những cơ chế linh hoạt. Ví dụ, có thể nhận bao nhiêu tháng cùng một lúc, ngay từ ban đầu với số tiền khoán đó cùng với nguồn tài chính của cá nhân mỗi người thì họ có thể chủ động sắp xếp chỗ ở cho họ và gia đình ổn định ngay từ đầu.
Thứ hai, với mỗi phương thức cần quy trách nhiệm rất cụ thể và có phương thức xử lý với những trường hợp không chấp hành.
PV: Xin cảm ơn ông./.