Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Chạy nước rút” giải ngân vốn đầu tư công

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa là kết thúc năm 2021 nhưng hiện tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công mới đạt gần 65% kế hoạch. Trong đó, giải ngân từ nguồn vốn trong nước đạt gần 70%, còn vốn nước ngoài chưa tới 22%. Nhiều bộ ngành, địa phương đang nỗ lực “chạy nước rút” giải ngân đầu tư công..

Giải ngân vốn đầu tư công 11 tháng chưa đạt yêu cầu 

Bộ KH&ĐT vừa có Báo cáo số 8347/BC-BKHĐT gửi Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội báo cáo về tình hình giải ngân vốn đầu tư công 11 tháng năm 2021 và các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Theo đó, tình hình giải ngân dự án quan trọng quốc gia 11 tháng năm 2021, dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông. Số vốn giải ngân đến thời điểm báo cáo là 10.752,927 tỷ đồng đạt 73,8% kế hoạch năm 2021 được giao.

Còn theo báo cáo của Bộ Tài chính, dự kiến giải ngân vốn ngân sách Nhà nước 11 tháng năm 2021 tính đến ngày 30/11/2021 của cả nước là 294.589,31 tỷ đồng đạt 63,86% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; trong đó, vốn trong nước đạt 69,19%, vốn nước ngoài đạt 21,51%.

Lãnh đạo Bộ KH&ĐT cho cũng cho hay, giải ngân vốn đầu tư công trong tháng 11 đã có sự chuyển biến tích cực, tuy nhiên tỷ lệ giải ngân 11 tháng thấp so với cùng kỳ và chưa đạt yêu cầu đề ra.

 Ảnh minh hoạ

Cũng theo báo cáo của Bộ Tài chính, hết 11 tháng có 34 bộ và 18 địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp dưới 55%. Thậm chí, có 3 bộ chưa giải ngân được đồng vốn nào. Tuy nhiên, cũng có 7 bộ, và 14 địa phương giải ngân đạt trên 70%. Để có được kết quả này, nhiều địa phương đã phải tăng cường giám sát, điều chỉnh kế hoạch vốn từ dự án chậm sang dự án có khối lượng thi công tốt, tránh tình trạng đọng vốn.

Về nguyên nhân chậm giải ngân, Bộ KHĐT cho rằng việc giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 ở các địa phương có nhiều khó khăn do dịch bệnh, vướng mắc trong các quy định của văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư. Ngoài ra, là tình trạng thiếu nhân công, tư vấn, chuyên gia và nhập khẩu, vận chuyển thiết bị. Bên cạnh đó, các địa phương còn gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, tăng giá nguyên vật liệu xây dựng.

Tại buổi làm việc giữa Tổ công tác số 4 về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 và lãnh đạo TP Hà Nội, tỉnh Vĩnh Phúc tỉnh Hưng Yên, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc cho biết những chậm trễ liên quan đến bồi thường, giải phóng mặt bằng khiến tiến độ triển khai nhiều dự án của địa phương không theo đúng tiến độ. Còn lãnh đạo TP Hà Nội cho biết nhiều dự án ODA của TP không nhập khẩu được thiết bị, thiếu chuyên gia nước ngoài, vướng mắc về quy hoạch và giải phóng mặt bằng, chưa xong thủ tục ký hiệp định vay.

Tại cuộc họp trực tuyến của Tổ công tác về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 với 6 địa phương là Quảng Trị, Quảng Bình, An Giang, Bạc Liêu, Đồng Tháp và Cà Mau cuối tuần qua, Bộ Tài chính đánh giá, tỉnh Cà Mau có số giải ngân cao nhất đạt 59%, tỉnh An Giang mới đạt gần 34%, thấp nhất trong 6 tỉnh. Nhìn chung cả 6 địa phương đều thấp hơn mức bình quân 65,7% của cả nước.

Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương - Bộ KH&ĐT Hoàng Văn Vịnh nhìn nhận: “Hiện nay, các địa phương đăng ký đến hết 31/12 giải ngân 70-80% là thấp so với trung ương, chúng ta cần khắc phục. Trung ương phấn đấu giải ngân 85-90%, hiện nay nhiều tỉnh đã giải ngân được 100% số vốn”.

Tháo gỡ khó khăn, hoàn thiện chính sách để đẩy nhanh tiến độ dự án

Trao đổi với Tổ công tác về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021, lãnh đạo các địa phương đề xuất xin được kéo dài thời gian vốn thực hiện dự án đầu tư công của năm 2021 sang năm 2022, dựa trên quy định về điều kiện bất khả kháng, tức là do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19.

Các địa phương cũng đề nghị các cấp có thẩm quyền cho phép các ban quản lý dự án, hoặc đơn vị có đủ năng lực được lập, trình chủ trương đầu tư các dự án thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của HĐND cấp tỉnh. Ngoài ra, các địa phương mong muốn các cơ quan quản lý, soạn thảo chính sách tiếp tục hoàn thiện chính sách về công tác giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.

Phản hồi thông tin, kiến nghị của các bộ và địa phương, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng cần phân tích kỹ những nguyên nhân chủ quan như giao vốn chậm, quy định còn chưa sát thực tiễn, nhất là khâu chuẩn bị các dự án đầu tư, giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, các địa phương cần khắc phục khó khăn, phối hợp chặt chẽ với bộ, ngành chuyên môn, nỗ lực cao nhất trong giải ngân vốn đầu tư công theo các mốc thời gian cụ thể.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, các địa phương cần nghiên cứu rõ và chủ động giải quyết sớm những vấn đề thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Về phía Tổ công tác, đã tiếp thu ý kiến, các đề xuất và giải pháp của địa phương về tập trung tháo gỡ các nút thắt, những vướng mắc tỏng đầu tư công, sẽ nhanh chóng tổng hợp và tham mưu với Chính phủ, sau đó cùng các bộ ngành có hướng dẫn sớm nhất.

Một giải pháp quan trọng khác đang được Bộ KH&ĐT hoàn thiện dự thảo là đề án thí điểm tách phần hỗ trợ, bồi thường, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư thành một dự án độc lập. Đề xuất này được kỳ vọng sẽ tháo điểm nghẽn giải ngân vốn đầu tư công. Bởi ước tính, trong khoảng 1.900 dự án đầu tư chậm tiến độ trong năm 2020 có gần 1.100 dự án, tức là đến 60% gặp vướng mắc do giải phóng mặt bằng.

Hiện, nhiều địa phương đang nỗ lực “chạy nước rút” giải ngân đầu tư công. Trên địa bàn TP. Biên Hòa, nhiều dự án đầu tư công do UBND TP. Biên Hòa làm chủ đầu tư đã bắt nhịp tốt sau thời gian giãn cách. Theo đó, nhiều nhà thầu tranh thủ từng giờ đẩy tiến độ xây dựng nhằm nâng cao tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong kế hoạch năm 2021. Nhiều dự án có tỷ lệ giải ngân cao, dù triển khai trong điều kiện nhiều thách thức, như: đường nối từ đường Nguyễn Ái Quốc đến đường nối Phan Đình Phùng - Cây Chàm (69%), hệ thống thoát nước khu vực Quốc lộ 51 và Khu phố Bình Dương (70%), hạ tầng kỹ thuật Khu tái định cư phường Thống Nhất và Tân Mai (68,5%), Khu dân cư phục vụ tái định cư phường Tam Hiệp (97,1%)…

Dự án cầu Hòa Bình 2 dự kiến đến cuối năm sau mới hoàn thành, nhưng đã vượt tiến độ 12 tháng nhờ nhiều giải pháp thúc đẩy giải ngân. Cây cầu này sẽ kết nối với đường đi tỉnh Phú Thọ và cao tốc Hòa Bình Mộc châu trong tương lai, tạo ra tiềm năng phát triển kinh tế cho địa phương. Tiến độ thực hiện từng mét đường, từng hạng mục xây cầu... đều được ban quản lý dự án báo cáo hàng tuần. Vướng ở đâu ngay lập tức được lãnh đạo địa phương kịp thời gỡ tới đó.

Theo đại diện tỉnh Hoà Bình, nhờ báo cáo hàng tuần, 68 dự án đầu tư công của tỉnh Hòa Bình đã được điều chỉnh kế hoạch vốn, với số tiền khoảng 600 tỷ đồng. Tiền sẽ chuyển từ dự án chậm sang dự án giải ngân nhanh. 

Tháng 11/2021, Bộ GTVT ước giải ngân được 3.283 tỷ đồng; lũy kế 11 tháng giải ngân được 31.869 tỷ đồng, đạt 73,4% kế hoạch, gồm: 28.881/38.564 tỷ đồng vốn trong nước, đạt 74,9% và 2.986/4.837 tỷ đồng vốn nước ngoài, đạt 61,7%.Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ GTVT) Nguyễn Danh Huy thông tin, “kết quả giải ngân của cả Bộ GTVT hiện cao hơn mức giải ngân bình quân chung của cả nước và đáp ứng tiến độ giải ngân theo chỉ đạo tại Nghị quyết số 63/NQ-CP của Chính phủ”.

Để đạt mục tiêu giải ngân ít nhất 95% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021, trong tháng 12/2021 và tháng 1/2022, Bộ GTVT sẽ phải giải ngân khoảng 9.932 tỷ đồng, cao gần gấp ba so với bình quân 11 tháng trước đó. Đây là áp lực rất lớn trong bối cảnh khó khăn như hiện nay. Bộ GTVT đã thông báo số lượng vốn đăng ký chưa giải ngân tới từng chủ đầu tư, yêu cầu sớm có giải pháp mang tính đột phá để đẩy nhanh tiến độ thi công. Theo chỉ đạo của Bộ GTVT, Giám đốc các ban quản lý dự án phải bám công trường, đặc biệt là tại các dự án trọng điểm để giải quyết sớm các khó khăn nhằm thông nhanh dòng vốn trong giai đoạn nước rút này.