Đánh giá chi tiết
Dự án metro Nhổn - Ga Hà Nội được xây dựng với chiều dài 12,5km, trong đó, đoạn trên cao 8,5km từ Nhổn - Cầu Giấy đang trong giai đoạn hoàn thiện, còn 4km đoạn ngầm dự kiến hoàn thành năm 2027. Sau thời gian nỗ lực thi công, người dân Hà Nội bắt đầu thấy được sự xuất hiện dày đặc của những chuyến tàu trên đường sắt Nhổn – Ga Hà Nội.
Trong giai đoạn chạy thử tích hợp, các đoàn tàu được vận hành dọc tuyến, theo từng chế độ vận hành khác nhau. Tương ứng với mỗi dải tốc độ vận hành sẽ có các quy trình kiểm tra cụ thể cho thiết bị của đoàn tàu cũng như thiết bị của các hạng mục khác.
Từng chức năng đơn lẻ của đoàn tàu, độ chính xác của các thiết bị định vị, vị trí thu phát sóng, độ ổn định của hệ thống cấp nguồn cũng như tính liên tục và độ chính xác của hệ thống truyền dẫn dọc tuyến được kiểm tra một cách cặn kẽ. Công tác này nhằm đảm bảo sự kết nối giữa các hệ thống thành phần cũng như đảm bảo chức năng của toàn bộ hệ thống sẽ được thực hiện an toàn, ổn định khi dự án được đưa vào khai thác.
Đại diện Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cho biết, từ khoảng 10 giờ sáng nay (5/12), hệ thống đường sắt đô thị (metro) Nhổn - Ga Hà Nội bắt đầu được nhà thầu đưa vào vận hành thử tích hợp toàn tuyến trong môi trường hạn chế.
Việc vận hành thử nhằm đánh giá sự hoạt động của hệ thống và các đoàn tàu chạy trên đoạn 8,5km trên cao từ Nhổn - Cầu Giấy. Theo đó, nội dung vận hành thử gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 bao gồm vận hành hệ thống trong thời gian tối thiểu 5 ngày liên tục để đo lường hiệu suất RAMs, có thể kéo dài tới 6 tuần.
Cụ thể, hệ thống metro Nhổn - Ga Hà Nội được vận hành theo 2 biểu đồ chạy tàu ngày, thời gian từ 9 giờ đến 19 giờ, với số lượng tối đa 4 - 8 đoàn tàu chạy trong 5 ngày liên tục. Hiệu suất hoạt động của hệ thống được tóm tắt, báo cáo trong cuộc họp sau 19 giờ tối mỗi ngày. Trường hợp mục tiêu hiệu suất chạy thử trong 5 ngày liên tiếp không đạt được (nếu tính khả dụng của hệ thống đạt dưới 98%), việc chạy thử sẽ được kéo dài đến khi đạt kết quả.
Giai đoạn chạy thử tiếp theo diễn ra ngay sau khi đánh giá hiệu suất RAMs, với 5 kịch bản vận hành đoàn tàu hạn chế ở các chế độ: Mất điện kéo trên toàn tuyến; mất điện kéo ở một đoạn trên tuyến; mất nguồn cấp điện phụ trợ; phát hiện cháy tại một ga và tàu cứu hộ trên tuyến chính.
Việc chạy thử hệ thống metro Nhổn – ga Hà Nội có sự tham gia của lái tàu, nhân sự của công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (đơn vị sẽ tiếp nhận vận hành) nhằm bắt đầu chuyển giao kiến thức, với tối thiểu 15 lái tàu, 5 nhân viên OCC (Trung tâm chỉ huy điều hành hệ thống) và 2 quản lý.
Sớm giải quyết ùn tắc giao thông khu vực phía Tây Hà Nội
Dù gặp nhiều khó khăn, chủ đầu tư và các đơn vị liên quan đã nỗ lực không ngừng để thực hiện dự án. Có thể thấy rằng, MRB đang dốc toàn lực để chạy đua với thời gian. Việc dự án được vận hành chạy thử đón nhận được rất nhiều sự ủng hộ và mong chờ của người dân Hà Nội.
Anh Nguyễn Văn Sơn, trú tại phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm chia sẻ: “Người dân chúng tôi rất mong ngóng tuyến tàu điện Nhổn – Ga Hà Nội đi vào hoạt động. Tuyến tàu điện sẽ giúp việc đi lại dễ dàng hơn rất nhiều khi trục đường này ngày càng trở nên đông đúc phương tiện và thường xuyên xảy ra ùn tắc”.
Bà Lê Thị Thập, trú tại phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy cho biết: “Tôi đã đi thử đường sắt Cát Linh – Hà Đông, thấy rất thuận tiện. Chúng tôi rất phấn khởi khi tàu điện được chạy thử, mong tuyến Nhổn - Ga Hà Nội sớm đi vào hoạt động để việc đi lại của người dân được an toàn, nhanh chóng hơn”.
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế&Đô thị, chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Tuấn Linh cho biết: “Việc tàu điện Nhổn – Ga Hà Nội được đưa vào chạy thử trên toàn tuyến trên cao là dấu mốc quan trọng, một tín hiệu đáng mừng cho dự án. Sau khi tuyến tàu điện đi vào hoạt động, chắc chắn sẽ thu hút được người dân sử dụng, góp phần giải quyết ùn tắc trên trụn đường hướng tâm”.
Theo chuyên gia này, việc chạy thử sẽ chứng minh được độ an toàn, tin cậy và tính khả dụng của hệ thống. Giai đoạn vận hành thử là công đoạn cuối cùng trước khi đưa dự án vào vận hành thương mại. Để bước vào giai đoạn này, từng gói thầu phải hoàn thiện thi công lắp đặt, thử nghiệm đơn động, liên động. Sau đó phải hoàn thành công tác thử nghiệm tích hợp liên động giữa các gói thầu với nhau đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật của dự án.