Chế biến thực phẩm tại TP.Hồ Chí Minh: Tràn lan dùng hoá chất tẩy trắng công nghiệp

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Để bắt mắt người tiêu dùng, nhiều loại rau quả, thực phẩm như dừa, rau sống, ngó sen, hoa chuối, hải sản, chân gà, mứt, lòng lợn... đã được ngâm hoá chất làm cho trắng, đẹp, sạch.

KTĐT - Để bắt mắt người tiêu dùng, nhiều loại rau quả, thực phẩm như dừa, rau sống, ngó sen, hoa chuối, hải sản, chân gà, mứt, lòng lợn... đã được ngâm hoá chất làm cho trắng, đẹp, sạch. Điều đáng báo động là hoá chất dùng để làm trắng các loại rau - củ - quả được sử dụng chủ yếu chính là hoá chất tẩy rửa độc hại, chỉ được phép dùng trong công nghiệp...

Đồ ôi thiu thành tươi ngon nhờ hoá chất

Chỉ cần dạo quanh một vòng các chợ sỉ đến chợ tạm, quán ăn từ lớn đến nhỏ tại TPHCM, có thể thấy nhiều loại rau sống như hoa chuối, rau muống chẻ, hải sản mực, lòng lợn... “trắng tinh” được bày rất đẹp, hấp dẫn người tiêu dùng.

Tuy nhiên, theo kết quả nghiên cứu mới nhất của Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm TPHCM cho thấy: Có đến 80% các mẫu ngó sen, rau muống, chân gà, nấm tuyết... và nhiều mẫu hải sản lấy ở các chợ, quán ăn đã được ngâm chất tẩy trắng là hoá chất công nghiệp trước khi chế biến thành phẩm...

Với hải sản - đặc biệt là mực, do để lâu bị ươn, cũng không còn cách nào khác là nhờ “phù phép” của chất tẩy trắng. Chỉ 30 phút sau khi ngâm tẩy trắng, mực sẽ trở nên cứng, trắng và sạch hơn. Các loại bánh tráng, bột dưới dạng sợi như bánh canh, bánh hỏi, bún, miến... cũng nhờ hoá chất tẩy trắng mới thu hút được thực khách.

Theo thạc sĩ Phùng Văn Trung -  Viện Công nghệ hoá học TPHCM thì, người bán hoặc chế biến không phải ai cũng hiểu tác hại của các loại hoá chất này nên thấy có người sử dụng là sử dụng theo. Các hoá chất như hydrogen peroxide, magnesium sunlfate hay sulfur dioxide và psychotrine... đều là những hoá chất công nghiệp mà người kinh doanh sử dụng nhiều nhất bởi những tác dụng tức thì của nó.

Chẳng hạn, hoá chất magnesium sunlfate dùng để tẩy vải sợi, nhưng nó cũng bị lạm dụng để tẩy trắng dừa, ngó sen, rau muống. Vì vậy ngộ độc, gây dị ứng và rối loạn tiêu hoá khi ăn phải những sản phẩm đã được đem ngâm với hoá chất này không có gì là khó hiểu. Hay như hoá chất kali sulfite dùng để tẩy trắng mủ caosu, da và gỗ cũng được giới kinh doanh quán ăn mua về tẩy trắng da lợn và bún, bất chấp tác hại của chất này khi tích tụ vào cơ thể người gây nên viêm da, mắt, miệng và teo ruột...

Theo ông Trung, chất hydrogen peroxide là hoá chất được chỉ định dùng trong lĩnh vực y tế như làm sạch vết thương và sát khuẩn. Đây là một chất ôxy hoá cực mạnh, nó còn được điều chế trong thuốc nhuộm tóc hay chất tẩy trắng giấy. Tuy nhiên, do công dụng tẩy mạnh nên người ta đã  dùng chất này vào tẩy chân gà và hải sản. Báo động hơn, khi chất này tác động trực tiếp đến cơ thể sẽ gây viêm loét dạ dày, loét giác mạc; nếu dùng thường xuyên hydrogen peroxide sẽ tích tụ, có thể gây nguy cơ ung thư.   
  
Trong khi đó, hoá chất chloride sodium hydrosufite khi bị tiếp nhiễm qua đường khí quản, cơ thể con người sẽ cảm thấy khó thở, có thể nghẹt thở và khi bị tiếp nhiễm lâu dài là nguyên nhân của nguy cơ ung thư. Vậy nhưng chất này vẫn ngày ngày được dùng để tẩy trắng bánh, lòng lợn và giá sống thay vì chức năng vốn có của nó là tẩy thuốc nhuộm, chế biến xàphòng.

Hoá chất bán tràn lan

Mới đây nhất - ngày 26.1, Thanh tra Sở Y tế đã phát hiện 3 mẫu mứt của 2 hộ kinh doanh trên địa bàn TP có chứa chất Na2SO4 - một loại hoá chất tẩy trắng trong công nghiệp. Thanh tra Sở Y tế  đã ra quyết định đình chỉ kinh doanh đối với cơ sở Trường Thọ (tại số 28/13 khu phố Trương Phước Phan, phường Bình Trị Đông, quận Tân Bình) và cơ sở Tân Hồng Phát (tại địa chỉ 174/30 Thái Phiên, phường 8, quận 11). Cơ sở Tân Hồng Phát có 2 loại mứt chứa Na2SO4. Trong đó, mẫu mứt bí có ngày sản xuất 9.1.2011, chứa hàm lượng chất tẩy trắng công nghiệp lên tới 306,2mg/kg, còn mẫu mứt củ năng ngày sản xuất 22.12.2010 của cơ sở này cũng chứa Na2SO4 với hàm lượng 224,3mg/kg.

Phần lớn các loại hoá chất được các cơ sở mua về chế biến đều có nguồn gốc từ chợ Kim Biên, quận 5. Nạn sang chai, đóng gói phụ gia thực phẩm và hoá chất công nghiệp tràn lan nhưng không tuân thủ quy định pháp luật, thường nhập lậu hoặc nhập hàng kém chất lượng rồi tự sang chiết và đóng gói.

Dù quy định hoá chất công nghiệp là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, nhưng đến khu vực chợ Kim Biên (phường 13, quận 5) ai muốn mua hoá chất nào, số lượng bao nhiêu cũng đều được đáp ứng. Theo Ban quản lý (BQL) chợ, nhiều người kinh doanh hoá chất thậm chí không có chút chuyên môn nào về lĩnh vực này và BQL cũng không kiểm soát được số lượng, nguồn gốc, xuất xứ...

Theo cơ quan chức năng, chợ Kim Biên là trung tâm phân phối hoá chất lớn nhất của khu phía nam, nhưng 2/3 số hoá chất phụ gia thực phẩm, công nghiệp và hương liệu nơi đây lại không rõ nhãn mác và nguồn gốc.

Làm sao quản lý được nguồn gốc các mặt hàng này? Chính người của BQL chợ cũng khẳng định: Khó có thể quản lý được! Còn theo ý kiến của một lãnh đạo quận 5, khó khăn nhất hiện nay là đoàn kiểm tra của quận, phường ít có kiến thức về hoá chất. “Khi kiểm tra, họ nói chất gì thì biết chất đó! Nếu nhãn dán bên ngoài ghi tên một chất, mà bên trong là chất khác thì chúng tôi cũng chịu thôi” – vị lãnh đạo này thừa nhận.