Chế định rõ hơn mô hình tổ chức chính quyền địa phương

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm nay, ngày 1/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và Dự thảo Luật Tổ chức Chính quyền địa phương.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý trình bày tại buổi thảo luận về Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương tháng 4/2015.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý trình bày tại buổi thảo luận về Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương tháng 4/2015.
Trong đó, phiên thảo luận về Dự thảo Luật Tổ chức Chính quyền địa phương được truyền hình trực tiếp tới toàn thể cử tri và người dân.

Nhiều điểm mới

Đã được các ĐB Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, các hội thảo lấy ý kiến từ địa phương đến Đại biểu Quốc hội chuyên trách…, Dự Thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương được trình ra Quốc hội lần này được các ĐB đánh giá có nhiều điểm mới, tiến bộ, trong đó thể hiện rõ hơn tổ chức chính quyền địa phương ở từng loại đơn vị hành chính, phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Bố cục của Dự Luật cũng được chỉnh sửa lại để thể hiện rõ hơn tổ chức chính quyền địa phương ở từng loại đơn vị hành chính và mối quan hệ gắn bó hữu cơ giữa HĐND và UBND, thể hiện rõ vai trò của Chủ tịch UBND với tư cách là người đứng đầu UBND, có những nhiệm vụ, quyền hạn độc lập trong việc thực thi các nhiệm vụ về hành chính của chính quyền địa phương.

Với vấn đề được đặc biệt quan tâm và được coi là "linh hồn" của Dự Luật là mô hình tổ chức chính quyền địa phương. Trên cơ sở tiếp tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Pháp luật đề nghị tiếp thu, chỉnh lý quy định về mô hình tổ chức chính quyền địa phương tại các đơn vị hành chính. Trong đó, tiếp tục báo cáo Quốc hội 2 phương án. Phương án 1: Quy định tất cả các đơn vị hành chính quy định tại khoản 1 Điều 110 của Hiến pháp năm 2013 đều tổ chức cấp chính quyền địa phương (gồm HĐND và UBND) nhưng làm rõ trong Dự Luật những điểm khác biệt về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở nông thôn, đô thị và hải đảo. Phương án 2: Quy định ở các đơn vị hành chính như tỉnh, TP trực thuộc T.Ư, huyện, quận, thị xã, TP thuộc tỉnh, TP trực thuộc T.Ư, xã, thị trấn tổ chức cấp chính quyền địa phương (gồm HĐND và UBND). Riêng ở phường, do đặc điểm đô thị, không tổ chức cấp chính quyền địa phương, chỉ tổ chức UBND để thực hiện nhiệm vụ của chính quyền địa phương tại phường. Với phương án này, cách thức thành lập UBND phường có thể thực hiện theo một trong 2 phương án: Phương án 1: Do cử tri của phường bầu trực tiếp và Chủ tịch UBND cấp trên trực tiếp phê chuẩn hoặc phương án 2: Do Chủ tịch UBND cấp trên trực tiếp bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức. Ngoài ra, mô hình tổ chức còn có tổ chức chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính hải đảo và tổ chức chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Cần minh bạch quyền và trách nhiệm từng cấp

Đánh giá về Dự Luật trình ra Quốc hội lần này, ĐBQH Trần Du Lịch (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng: So với Dự Luật trình ở Kỳ họp thứ 8, Chính phủ và ban soạn thảo đã cụ thể nhiều vấn đề. Ngoài việc chế định rõ mô hình tổ chức từng loại chính quyền, Dự Luật cũng đưa một số điều khoản quy định có cơ chế phân cấp, phân quyền và ủy quyền. Đây là điểm tiến bộ. Tuy nhiên, ĐB Trần Du Lịch nhận định: Để giải quyết tình hình hiện nay là minh bạch quyền và trách nhiệm từng cấp chính quyền thì chưa rõ, vốn là vướng mắc rất lớn trong quản lý Nhà nước, là hệ quả dẫn tới sự chồng chéo về công vụ và tình trạng quá tải ở cấp cơ sở. Dự Luật phải làm rõ những nét cơ bản về quyền và trách nhiệm của cấp xã khác cấp huyện, cấp tỉnh, khác với Chính phủ như thế nào. 

"Chúng ta cứ lồng ghép về trách nhiệm mà gọi chung là quản lý Nhà nước, cũng giống như ngân sách lồng ghép giữa T.Ư và địa phương. Đây là cái cốt tử của vấn đề. Chúng ta phải minh bạch từ ngân sách cho đến quyền, trách nhiệm rõ ràng. Nôm na, cái gì là ủy quyền, cái gì là phân quyền, cái gì là phân cấp, để khi một vấn đề xảy ra ở địa phương, đại biểu, cử tri biết cái này nên chất vấn ông Chủ tịch tỉnh hay chất vấn ông Bộ trưởng" - ĐB Trần Du Lịch phân tích; đồng thời một lần nữa khẳng định: Điểm tương đối tiến bộ trong Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật Tổ chức Chính quyền địa phương cũng như luật ngân sách đều nhấn mạnh mục tiêu tăng minh bạch, vai trò giám sát của dân. Nhưng muốn minh bạch, muốn rõ trách nhiệm thì phải xác định quyền và trách nhiệm minh bạch hơn mới dễ giám sát, còn không rất khó làm.

Theo dự kiến chương trình, sau thảo luận, hai Dự Luật này sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua tại kỳ họp này vào ngày 19/6.