Trả lời: Điều 20 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 quy định như sau: “Toà án thực hiện chế độ hai cấp xét xử. Bản án, quyết định sơ thẩm của Toà án có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của Bộ luật này. Bản án, quyết định sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị trong thời hạn do Bộ luật này quy định thì có hiệu lực pháp luật. Đối với bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị thì vụ án phải được xét xử phúc thẩm. Bản án, quyết định phúc thẩm có hiệu lực pháp luật.” Như vậy, theo quy định của pháp luật, một vụ án có thể được xét xử hai lần theo trình tự: Xét xử sơ thẩm –xét xử lần đầu, và xét xử phúc thẩm – xét xử lại bởi tòa án cấp trên. Tuy nhiên, không phải bản án nào cũng được xét xử hai lần mà chỉ có những bản án sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của pháp luật. Một số bản án sơ thẩm nếu không bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của pháp luật thì sẽ có hiệu lực ngay và không phải xét xử lần thứ hai. Việc thực hiện chế độ hai cấp xét xử có ý nghĩa quan trọng đối với quyền và lợi ích của công dân, nguyên tắc này bảo đảm một vụ việc được xem xét một cách kỹ lưỡng nhằm không bỏ lọt tội phạm cũng như không hàm oan người vô tội. Công dân, sau bản án sơ thẩm, nếu cảm thấy quyền và lợi ích của mình không được bảo đảm, có thể kháng cáo lên một cấp xét xử cao hơn để được xét xử một lần nữa.