Chế độ hưởng bảo hiểm xã hội khi phải nghỉ làm do thai nghén

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tôi là nhân viên của một công ty tư nhân đã ký hợp đồng 1 năm và đóng bảo hiểm tại công ty tôi đang làm việc được 5 tháng.

Hiện tôi đang mang thai và phải nghỉ đi làm để nằm viện điều trị và nằm tại chỗ, dưỡng thai từ tuần thứ 6 đến tuần thứ 14 do nghén quá nặng và có nguy cơ bị sảy (Có giấy nghỉ ốm hưởng bảo hiểm và giấy ra viện của 7 tuần). Vậy xin được hỏi, trong những ngày tôi nghỉ ở nhà có được hưởng bảo hiểm không, nếu được tôi phải có những giấy tờ gì để được hưởng bảo hiểm?
Nguyễn Minh Ngọc (Từ Liêm, Hà Nội)
Trả lời:

Theo Điều 21, Luật bảo hiểm xã hội (BHXH) thì “Đối tượng áp dụng chế độ ốm đau là người lao động quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 2 của Luật BHXH”. Cụ thể: Người lao động tham gia BHXH bắt buộc là công dân Việt Nam, bao gồm: Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ ba tháng trở lên; Cán bộ, công chức, viên chức; Công nhân quốc phòng, công nhân, công an; Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; Người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân đội nhân dân, công an nhân dân. Do vậy, bạn là đối tượng được áp dụng chế độ ốm đau theo quy định.

Vì bạn đang trong thời gian mang thai nên bạn sẽ được hưởng chế độ thời gian nghỉ khi khám thai theo quy định tại Điều 29 Luật BHXH như sau: Trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai 5 lần, mỗi lần một ngày; trường hợp ở xa cơ sở y tế hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ hai ngày cho mỗi lần khám thai. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại Điều này tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.Với chế độ nghỉ khám thai, bạn có 5 ngày nghỉ (tối đa là 10 ngày/trường hợp xa cơ sở khám bệnh) nghỉ trong thời kỳ mang thai. Mức hưởng là 100% theo Điều 36 Luật Bảo hiểm xã hội.

Mặt khác, theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 23 Luật BHXH: Thời gian tối đa hưởng chế độ ốm đau trong một năm đối với người lao động tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần là ba mươi ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới mười lăm năm, mức hưởng là 75% mức tiền lương, tiền công đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc. Sau khi đã hết thời gian hưởng chế độ ốm đau mà sức khỏe người lao động còn yếu thì được nghỉ dưỡng sức phục hồi sức khỏe theo quy định tại Điều 12 Nghị định 152/2006/NĐ-CP, thời gian nghỉ dưỡng sức đối với trường hợp của bạn theo điểm c khoản 2 Điều này là 5 ngày và mức hưởng là 40% mức lương tối thiểu chung do bạn đang diều trị tại bệnh viện.