Chè hoa cau có thể tìm thấy ở bất kỳ quán ăn dân dã nào trên phố phường Hà Nội. Theo kinh nghiệm, đỗ dùng để nấu chè phải là loại đỗ hạt tiêu, nhỏ nhưng vàng mà thơm. Sau khi ngâm đỗ nửa ngày, đem ra đãi, để ráo nước mới đem đồ trong chõ. Nấu chè phải đun lửa liu riu và thao tác khuấy bột phải thật đều tay, thấy nước hơi sánh lại là ngừng ngay. Bởi chỉ cần sơ ý khuấy già tay hơn một chút, chè sẽ mất đi hương thơm tự nhiên của hoa bưởi.
Chè hoa cau bao giờ cũng có độ ngọt thanh vừa phải. Bát chè múc ra phải đạt được độ sánh mượt cần thiết cùng với những hạt đậu xanh đồ chín, rắc khéo để không chìm, mà chỉ lơ lửng như hoa cau vàng ươm một nỗi vàng rộn ràng, tinh khiết. Bát chè làm nên điều kỳ diệu bằng thứ hương hoa bưởi thật lạ và vì thế dường như bát chè thơm thảo ấy đã mang được cả hương vị mùa xuân rộn ràng mà lặng lẽ.
Cho dù bây giờ món chè hoa cau của người Hà Nội xưa có nhiều thay đổi, nhưng cái hồn của bát chè hoa cau, cái tinh túy của ẩm thực Hà thành vẫn còn được lưu giữ, để món quà thanh tao ấy luôn là nét đẹp trong văn hóa ẩm thực của người Tràng An. Những ngày này, để đón Tết, nhiều phụ nữ ra chợ, mua về nào đậu xanh, đường kính, bột sắn để làm món chè mà cả nhà đều ưa thích ấy.