Chúng tôi về làng Ngọc Than đúng vào thời điểm 1 năm sau vụ đánh ghen kinh hoàng. Người dân nơi đây vẫn không thể quên nổi câu chuyện đau lòng này. Ngày 15/10/2010, trên cánh đồng rực màu của lúa chín, những nhát dao oan nghiệt đã được vung lên từ đôi bàn tay của một người anh bị chính cậu em kết nghĩa và cô vợ của mình “cắm sừng”. Một nhát dao vung lên, Lê Văn Hùng, 26 tuổi (Nông Cống, Thanh Hoá) đã phải vĩnh viễn lìa xa cõi đời, còn Đặng Tiến Thân, 31 tuổi phải trả giá bằng việc “bán đời” cho song sắt. Tìm về xã Ngọc Mỹ, hỏi nhà bà Đỗ Thị Bạt, 54 tuổi, mẹ của hung thủ Đặng Tiến Thân hầu như ai cũng biết. Nhà bà Bạt nằm ở cuối thôn Ngọc Than. Căn nhà cấp 4 tuềnh toàng là mái ấm của người đàn bà ngoại “ngũ tuần” với cô con dâu và 2 đứa cháu nội đang tuổi cắp sách đến trường. Khi chúng tôi đến, bà Bạt cùng cô con dâu đang phơi thóc ở sân. Thấy tôi, bà Bạt lật đật chạy lại gần, nhìn kỹ một hồi, bà hỏi: “Chú tìm ai? Con trai tôi nó đi vắng rồi”. Khi biết tôi là phóng viên, bà mời tôi vào nhà. Đôi tay run run cầm tách nước, bà Bạt bảo: “Khổ quá chú à, nghĩ lại thấy con trai tôi nông nổi quá, nó là người hiền lành, thật thà. Ở làng, Thân chưa hề to tiếng với ai bao giờ. Một phút ghen tuông, giận quá mất khôn, nghĩ mình bị người thân phản bội nên nó mới làm như vậy. Con dại cái mang, bây giờ nó đang bị trả giá trong song sắt, tôi nghĩ thương nó quá”. Năm 2005, Thân lập gia đình với Đỗ Thị Bích, sinh năm 1984, cũng ở làng Ngọc Than. Cuộc sống vất vả nhưng họ sống với nhau rất hạnh phúc. Hai bé Đặng Trần Duy Anh và Đặng Ngọc Anh ra đời là sự đơm hoa kết trái của tình yêu đẹp giữa hai người. Vụ đánh ghen rung động làng quê Nhấp một ngụm nước trà đặc chát đắng, bà Đỗ Thị Bạt kể tiếp: “Có lẽ, mọi chuyện sẽ không ra nông nỗi này nếu tôi không gặp cậu Hùng, một công nhân của đội cầu tại đường Láng – Hoà Lạc. Năm ấy, tôi có mở một quán trà đá ven đường cao tốc. Hàng ngày, những người công nhân thường xuống quán của tôi để nghỉ ngơi, uống trà. Trong số đó, Hùng là người lễ phép và hay giúp đỡ tôi những công việc lặt vặt nhất. Thấy cậu thanh niên này xa quê lại ngoan ngoãn, hiền lành nên tôi rất quý. Khi có đồ ăn ngon, tôi thường gọi điện cho nó xuống ăn. Vì tôi sinh được có mỗi Thân, muốn cho nó có anh có em nên tôi bảo nó kết nghĩa anh em với Hùng. Được cái là, hai anh em nó rất hợp và yêu quý nhau. Tôi thương Thân 10 thì cũng quý Hùng đến 7”. Sau đó, Hùng thường xuyên vào nhà bà Bạt ăn cơm, nghỉ ngơi. Chính từ đây, mối tình vụng trộm oan nghiệt đã xảy ra và rồi Hùng phải lấy mạng sống của mình để trả giá. Nước mắt lã chã rơi trên khuôn mặt gầy gò, ánh mắt đờ đẫn vô hồn, bà Bạt kể: “Sự việc này diễn ra vào tháng 9/2010, khi con trai tôi đi làm ở Lào Cai một tháng. Ở nhà, tôi thì già rồi với lại hàng ngày phải lên đường cao tốc bán hàng nước nên không hề biết con dâu và đứa con nuôi của tôi có quan hệ bất chính với nhau. Và tôi cũng không biết chúng nó quan hệ với nhau từ bao giờ. Hơn 1 tháng sau, Thân đi làm về, vợ chồng nó vẫn bình thường, vẫn quấn quýt nhau như ngày mới cưới. ột hôm, tôi thấy con trai tôi cứ đi đi lại lại trong nhà, vẻ mặt rất buồn chán. Thậm chí, nó còn lôi chiếc ảnh cưới phóng to của hai đứa ra xé, rồi đốt bỏ. Thấy lạ tôi hỏi nó vì sao lại làm cái điều gở ấy, nó trả lời tôi rằng: “Sống chán lắm mẹ à”. Tôi tưởng nó tự ti vì một mắt bị hỏng sau vụ tai nạn nổ bình ga hội chợ trước đó không lâu, ai ngờ trong một lần đọc tin nhắn từ điện thoại của vợ, nó phát hiện ra vợ mình đi ngoại tình. Đau lòng thay, người tư tình với vợ chính là cậu em kết nghĩa”. Bà Bạt cho biết, buổi chiều hôm xảy ra án mạng, Thân và Bích vẫn ngồi ăn cơm với mẹ và hai đứa con nhỏ như bình thường. Thân chỉ ăn một bát cơm rồi đứng dậy bỏ vào buồng ngủ. Lúc sau, Bích cũng bỏ dở cơm rồi vào buồng nói chuyện với chồng. Sau đó, hai đứa lên xe máy đi đâu cũng không nói cho bà Bạt biết. Đến 8 giờ tối, bà Bạt thấy vợ chồng Thân về tắm rửa và đi ngủ như bình thường nên cũng không để ý gì cả. Theo điều tra của cơ quan công an, trong một tuần Thân đã sử dụng điện thoại di động của vợ để nhắn tin với Hùng. Nạn nhân không hề biết người nhắn tin qua lại với mình là chồng của "người tình". Những câu nhắn mùi mẫn kiểu của Hùng nhắn cho Bích như những nhát dao cứa vào trái tim của người anh kết nghĩa. Tức nước vỡ bờ, mặc dù vì hạnh phúc gia đình, Thân đã bỏ qua cho vợ, muốn quên đi mọi việc, nhưng “cây muốn lặng mà gió chẳng đừng”. Ngày 15/10/2010, Hùng tiếp tục nhắn tin cho Bích đòi gặp để "tâm sự", đồng thời đe doạ, nếu không gặp sẽ kể chuyện cho Thân nghe. Vì yêu quý Hùng như em trai, Thân vẫn giả giọng vợ nhắn tin khuyên Hùng không nên tiếp tục quan hệ nữa nhưng Hùng không nghe. Đau đớn, Thân bảo vợ đi cùng để gặp Hùng, nói chuyện. Họ hẹn Hùng 19h30 ra cánh đồng thôn Ngọc Than để "tâm sự". Trước khi đi, Thân mang theo một cây kiếm dài khoảng 70cm. Khi thấy bóng dáng người em kết nghĩa đến, Thân bất ngờ từ chỗ nấp lao ra dùng kiếm chém xối xả vào vai, cổ, lưng nạn nhân. “Món quà” đi xa về của người anh dành em kết nghĩa được “trao tặng” bằng những nhát kiếm. Hùng cố gượng chạy nhưng ông anh “kết nghĩa” đã kịp “dốc hết tâm sự” vào thanh kiếm 70 cm này. Hùng gục ngã, vợ chồng Thân lên xe máy bỏ về nhà tắm giặt rồi đi ngủ như bình thường. Thân ném chiếc kiếm vừa gây án xuống chiếc áo trước cửa nhà để phi tang. Sáng hôm 16/10/2010, khi người dân thôn Ngọc Than phát hoảng vì xác chết của một cậu thanh niên nằm trên vũng máu thì Thân vẫn thản nhiên đưa hàng cho mẹ bán quán. Khi nhận được tin Hùng chết, bà Bạt đã bảo Thân đi mua cho Hùng chiếc chiếu và quần áo mới để lót dưới xác chết, tuy nhiên Thân không nghe. Lúc sau, Thân mua một cân hoa quả và nén hương đến hiện trường, định vào thắp hương nhưng hắn sợ phải nhìn mặt Hùng một lần nữa nên nhờ một cậu thanh niên làm cùng Hùng thắp hương hộ. Trong tiếng nấc nghẹn ngào của bà mẹ trong một ngày mất đi cậu con nuôi và đứa con trai của mình vào vòng lao lý, bà Bạt kể: “Tối hôm 16/10, sau khi ăn cơm xong, Thân xin phép đi ra ngoài. Tôi tưởng nó đi Thanh Hoá để viếng người em kết nghĩa nên cũng không lo lắng gì. Một lúc sau, thấy Công an xã xuống mời Bích lên trụ sở, tôi tưởng họ gọi Bích lên để xin thông tin về cháu Hùng. Tôi ôm hai đứa cháu đợi đến 12 giờ đêm vẫn chưa thấy Bích về, rồi đến 3 giờ sáng". Lúc này tôi bắt đầu lo lắng, bồn chồn, không sao chợp mắt được. Đến 4 giờ sáng, tôi thấy công an gọi cửa bảo là lấy chiếc điện thoại của Bích để dưới bếp. Họ tìm khắp nơi nhưng không thấy, cuối cùng phải bới hết thóc trong chiếc thùng sắt mới phát hiện chiếc điện thoại của Bích được giấu dưới đáy thùng. Lúc này, tôi đã biết, chắc chắn vụ việc này có liên quan đến hai đứa con dâu và con trai của tôi. Tôi không ngờ, sau bữa cơm tối đó, Thân xin phép tôi để đi lên công an tự thú”. Cuộc sống của bà mẹ khốn khổ và đứa con dâu lầm lỡ Ngày 8/8, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án trên, Đặng Tiến Thân đã phải trả giá cho hành động của mình bằng mức án 23 năm tù giam, còn Đỗ Thị Bích lĩnh 15 tháng tù treo. Hiện nay, bà Bạt và Bích cùng hai đứa cháu vẫn sống những ngày tháng khó khăn khi mất đi nhân lực chính trong gia đình. Mẹ chồng và nàng dâu lầm lạc vẫn yêu thương, bảo ban nhau kiếm kế mưu sinh qua ngày và nuôi hai đứa trẻ nhỏ. Tâm sự với chúng tôi, bà Bạt cho biết: “Hôm đi dự toà, tôi ngồi ở hàng ghế đầu tiên. Lúc toà cho con trai tôi nói lời sau cùng, nó tỏ ra vô cùng ân hận vì hành vi của mình. Nó quay lại chỗ tôi, khóc lóc van xin như một đứa trẻ: “Con xin mẹ đừng đuổi vợ con ra khỏi nhà. Mẹ hãy nghĩ đến hai đứa cháu mà hãy tha lỗi cho vợ con. Trước đây, con đã rơi vào hoàn cảnh không có bố nên thấu hiểu được việc thiếu thốn tình thương như thế nào. Bây giờ con phải lĩnh án hơn 20 năm, mẹ đuổi vợ con đi, hai đứa trẻ không có cha, mẹ thì chúng nó sẽ thiệt thòi lắm”. Sau khi con trai tôi nói, hai mẹ con chỉ nhìn nhau khóc”. Được biết, đứa con trai lớn của vợ chồng Thân năm nay đã bước vào lớp 1 còn cô con gái út cũng đã tròn 4 tuổi. Bà Bạt cho biết, cũng nhiều lần Duy Anh bỏ học, chạy về nhà khóc vì các bạn trêu là có bố đi tù. Còn cô con gái út tên Ngọc Anh thì vẫn luôn miệng khoe với các bạn cùng lớp mẫu giáo là “chờ quà” của bố đi công tác. Tuổi cháu quá nhỏ để biết thế nào là giết người, thế nào là tù tội. Khi Ngọc Anh hỏi mẹ bố đi đâu, chị Bích chỉ biết nuốt nước mắt vào lòng vào nói với con rằng, bố đi công tác xa chắc lâu nữa mới về. Lúc chúng tôi đang nói chuyện với bà Bạt thì cũng là lúc trời đổ mưa. Bà Bạt cùng cô con dâu chạy ra sân cào thóc. Bước chân bà liêu xiêu trong cơn mưa chiều nặng hạt. Nếu có Thân ở nhà, chắc người đàn bà năm nay đã 54 tuổi này không phải lam lũ như bây giờ. Tôi đứng dậy xin phép ra về, bà Bạt gọi với lại, khuôn mặt bà xanh xao, ánh mắt đờ đẫn như vụ án đau lòng vừa xảy hôm qua. Bà thều thào: “Sau khi gây án, người ta bảo nó lấy điện thoại của Hùng là cướp của nhưng không phải thế đâu chú à. Chính chiếc điện thoại ấy, Thân đi hội chợ mua tặng Hùng đấy. Nó không thể ngờ được, chính chiếc điện thoại ấy Hùng lại nhắn tin tư tình với vợ mình. Thân giận quá nên đã lấy điện thoại của Hùng rồi đập bỏ. Nó không phải là cướp của đâu. Tôi chỉ mong, toà án, pháp luật hãy cho con tôi sớm được về nhà với các cháu. Không có tình thương của bố, các cháu tôi khổ lắm”.