Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chen chân xem đua thuyền tứ linh trên sông Trà Khúc

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hàng trăm năm trôi qua, nhưng sức hút của hội đua thuyền truyền thống chưa bao giờ suy giảm trong lòng người dân Tịnh Long nói riêng và người dân sống dọc sông Trà Khúc nói chung.

Vang tiếng trống dồn

Chiều mùng 5 Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, hàng nghìn người dân đổ về xã Tịnh Long (TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) để xem đua thuyền. Hạ nguồn sông Trà Khúc, đoạn gần cầu Cổ Lũy - nơi nước sông đổ về biển trở nên tấp nập hiếm thấy. Ngoài các thuyền đua và thuyền của ban tổ chức, nhiều người dân còn bỏ tiền thuê phương tiện ra giữa sông để "mục sở thị" cảnh đua thuyền.

Hạ nguồn sông Trà Khúc đông đúc, nhộn nhịp.
Hạ nguồn sông Trà Khúc đông đúc, nhộn nhịp.

Trên bờ, đường làng chật kín người dân và khách địa phương. Ở các cụm tre dọc sông, nhiều người sắp sẵn ghế, thậm chí trèo lên cây để nhìn ra các thuyền đua đang ở giữa dòng, cổ vũ cho thuyền của đội nhà. Nhịp trống hòa cũng tiếng hò hét cổ vũ, tiếng vỗ tay… vang cả một khúc sông rộng.

Người dân trèo lên cây để xem đua thuyền.
Người dân trèo lên cây để xem đua thuyền.

Tham dự lễ hội đua thuyền truyền thống Tịnh Long có 4 đội, mỗi đội đều chít khăn đỏ trên đầu và mang màu áo khác nhau gồm: Xanh, đỏ, trắng-xanh, vàng- đại diện cho các các thôn trong xã là: Tăng Long, An Đạo, An Lộc và Gia Hòa. 4 thuyền đua cũng tượng trưng cho tứ linh gồm: Long, Lân, Quy, Phụng. Kết quả chung cuộc nhất, nhì, ba, tư sẽ được tính dựa vào kết quả tổng hợp sau 4 vòng đua.

Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Trà Khúc được chính quyền xã Tịnh Long tổ chức 2 năm 1 lần, vào mùng 5 và mùng 6 Tết Nguyên đán. Chính vì vậy, sự kiện này thu hút hàng ngàn người dân địa phương và các vùng lân cận cũng như du khách đến xem và cổ vũ. 

Người dân chen chân dọc bờ sông để xem đua thuyền.
Người dân chen chân dọc bờ sông để xem đua thuyền.

Chuẩn bị cho lễ hội này, ngay từ đầu năm, người dân của mỗi thôn tuyển chọn 50 thanh niên khỏe mạnh cùng một số người ở độ tuổi trung niên giàu kinh nghiệm tham gia đội đua thuyền.

Bắt đầu từ ngày 11 tháng Chạp năm Nhâm Dần, các thôn An Lộc, Gia Hòa, Tăng Long, An Đạo đã lần lượt làm lễ tại nhà thờ tiền hiền để xin phép thần linh tổ chức lễ rước thuyền và hạ thủy. Lễ hạ thủy được thực hiện tại khúc sông Trà Khúc. Sau khi làm lễ hạ thủy, các đội bắt đầu tập luyện. 

Thuyền đua là những chiếc thuyền làm bằng gỗ, với chiều dài chừng 14m. Mỗi thôn có 4 thuyền đua, nhưng chỉ có một thuyền được chính thức tham gia thi đấu vào ngày mùng 5 và mùng 6 Tết Nguyên đán.

“Chiếc thuyền này gọi là thuyền thờ, được người dân kính cẩn thờ cúng bên cạnh nhà thờ tiền hiền các thôn. Còn 3 chiếc thuyền còn lại, người dân gọi trang trọng là ông thuyền và được thành viên đội đua thuyền sử dụng trong những lần tập luyện"- Trưởng thôn An Lộc Nguyễn Văn Lâm cho biết.

Lễ hội đua thuyền diễn ra vào mùng 5 và mùng 6 Tết Nguyên đán.
Lễ hội đua thuyền diễn ra vào mùng 5 và mùng 6 Tết Nguyên đán.

Vào ngày mùng 5 Tết Nguyên đán, ban lễ nghi cúng tế, thành viên của đội đua và người làng cùng tề tựu về nhà thờ của từng thôn để tham dự buổi lễ cúng tế thần linh cùng các bậc tiền hiền. Sau khi lễ cúng kết thúc, các thuyền đua mới được phép bước vào cuộc đua để tìm ra thuyền vô địch. 

Theo quan niệm của người dân địa phương, nếu thuyền của thôn nào về đích đầu tiên trong cuộc đua thì người dân thôn ấy sẽ gặp nhiều may mắn trong năm mới.

Nếp xưa truyền lại

Tịnh Long xưa là làng Sung Tích, nằm ở phía Đông Nam huyện Sơn Tịnh (nay là TP Quảng Ngãi) thuộc tả ngạn sông Trà Khúc, gần với cửa Đại Cổ Lũy- vốn là một thương cảng sầm uất của tỉnh Quảng Ngãi. Xưa kia đây là một bãi bồi ven biển nằm cửa sông Trà Khúc. Trải qua thời gian, khu vực này mỗi năm được bồi lấp ngày một rộng lớn, đất đai màu mỡ, trở thành nơi an cư lạc nghiệp của cư dân.

Tất cả những đặc trưng về văn hóa xã hội của cư dân khu vực này có tác dụng đoàn kết sức mạnh trong trị thủy, sống trên sông nước, cầu an, cầu mùa, cầu cho người yên vật thịnh nhằm bảo vệ làng xóm và phát triển quê hương, tiêu biểu cho ý chí đó là lễ hội đua thuyền.

Lễ hội đua thuyền truyền thống ở Tịnh Long đã có từ lâu đời.
Lễ hội đua thuyền truyền thống ở Tịnh Long đã có từ lâu đời.

“Lễ hội này đã có từ thời ông, cha, chắc mấy trăm năm rồi. Tương truyền, hội đua thuyền xuất hiện cùng với sự thành lập làng được ít lâu. Giai thoại kể lại rằng bà Huỳnh Thị Chiềng - người lập ra 4 thôn của Sung Tích - sang làng bên cạnh xem hát, vì không có tiền nên không được vào xem. Về nhà, bà nghĩ nên tổ chức một trò chơi cho người dân miễn phí tại làng mình. Xét thấy người dân vùng này làm nghề sông nước nhiều nên có thể dùng thuyền đánh cá thi với nhau, như thế ai cũng có thể tham gia được... Từ đó xuất hiện hội đua thuyền và tồn tại cho tới ngày nay. Ở đây vẫn còn miếu thờ bà ấy”- ông Nguyễn Huệ (90 tuổi, thôn An Lộc, xã Tịnh Long) chia sẻ.

Lễ hội được tổ chức trên sông Trà Khúc.
Lễ hội được tổ chức trên sông Trà Khúc.

Theo một số nhà nghiên cứu, đua thuyền ở cửa sông Trà Khúc là một trong số ít lễ hội sót lại trong hệ thống các nghi lễ ngư nghiệp truyền thống. Ngoài ý nghĩa sinh hoạt tâm linh, lễ hội còn ý nghĩa nhân văn sâu sắc cầu cho quốc thái dân an, người yên vật thịnh, cầu mưa gió thuận hòa, ruộng vườn tốt tươi…

Cùng với bao lễ hội ven biển miền Trung khác, lễ hội đua thuyền Tịnh Long còn thể hiện ý chí kiên cường, khai thác và làm giàu từ nguồn lợi thủy, hải sản. Lễ hội đua thuyền không chỉ là dịp để người dân trong vùng vui chơi sau một năm lao động vất vả, mà còn chứa đựng nét đẹp văn hóa truyền thống và tinh thần gắn kết cộng đồng.