Chênh lệch giá vàng trong nước - thế giới: Ai thiệt, ai lợi?: Bài 2: Sức ép nhập lậu vàng

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với mức chênh lệch giữa giá vàng Việt Nam và quốc tế lên đến 8 - 9 triệu đồng/lượng, khó tránh được tình trạng nhập lậu vàng, “chảy máu” ngoại tệ.

 Giao dịch mua bán đồ trang sức trên phố Hào Nam. Ảnh: Thanh Hải
Thấy gì qua việc liên tiếp buôn lậu vàng qua biên giới

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học và kinh tế ứng dụng TS Đinh Thế Hiển cho rằng, khi thị trường vàng trong nước khan hiếm nguồn cung mà không được nhập qua chính ngạch sẽ dễ nảy sinh nguy cơ nhập lậu, nhất là khi giá vàng trong nước đang cao hơn giá thế giới đến 8 triệu đồng/lượng, thì việc nhập lậu vàng là khó tránh.

Thực tế, vừa qua, Công an tỉnh An Giang đã phát hiện và bắt giữ các đối tượng đi xuồng máy hướng từ Campuchia vào Việt Nam cùng hai bao tải và một bọc nylon màu đen chứa nhiều khối kim loại màu vàng với trọng lượng khoảng 51kg. Theo kết quả giám định của Viện Khoa học hình sự thuộc Bộ Công an cho thấy 51kg kim loại màu vàng nói trên là vàng 9999.

Tuy nhiên, một chuyên gia hiện đang làm cố vấn cho Hội đồng vàng thế giới tại Việt Nam nhận định, đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Ở Việt Nam, tình trạng buôn lậu vàng qua biên giới đã tồn tại từ hàng chục năm nay chứ không phải mới xuất hiện gần đây. Đặc biệt, quy mô buôn lậu vàng từ Campuchia qua Việt Nam không hề nhỏ.

“Thực tế ở khu vực phía Nam, vàng lậu chủ yếu đi từ Campuchia, miền Trung đi từ Lào và miền Bắc thẩm lậu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, tình trạng buôn lậu vàng với số lượng lớn được phát hiện nhiều nhất chủ yếu ở khu vực biên giới Tây Nam giữa Việt Nam và Campuchia”- ông Hiển đánh giá.

Đáng chú ý, tình trạng buôn lậu vàng vẫn diễn ra phức tạp vàng lậu không chỉ được vận chuyển qua đường bộ mà còn cả đường hàng không, đường biển.

Theo Tổng Cục Hải quan, trong tháng đầu năm 2021, tình hình hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới của những ngày cận Tết có chiều hướng giảm hơn so với năm 2020, song tính chất các vụ việc rất phức tạp, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu tinh vi hơn, số lượng hàng hóa vi phạm bị giữ nhiều hơn. Trên tuyến hàng không, số vụ vi phạm bị bắt giữ tăng mạnh, mặt hàng vi phạm chủ yếu là các hàng cấm, hàng nhỏ gọn, có giá trị cao, dễ cất giấu như ma túy, vũ khí, vàng,...

Buôn lậu siêu lợi nhuận

Chuyên gia ngành vàng Dương Anh Vũ khẳng định: “Với 51kg vàng lậu bị thu giữ, tính theo giá vàng thế giới ở thời điểm thấp nhất lúc đó là 1.860 USD/ounce thì tổng số tiền bỏ ra để mua 51kg vàng từ Campuchia khoảng 69 tỷ đồng. Như vậy, nếu tính giá vàng nguyên liệu tại Việt Nam cao hơn thế giới chỉ ở mức khoảng 2 triệu đồng/lượng thì khi nhập lậu trót lọt 51kg vàng, lợi nhuận thu được khoảng 4 tỷ đồng. Mức lợi nhuận này rõ ràng quá hấp dẫn” - ông Vũ tính toán.

Nhưng giới buôn lậu không chỉ ăn lãi có thế. Theo một chuyên gia lâu năm về vàng, hiện nay tại Việt Nam dân chỉ chuộng vàng “SJC 9999” do nhà nước độc quyền, giá vàng “chuẩn quốc gia” này lúc nào cũng cao ngất ngưởng, do đó với tất cả các loại vàng còn lại, đặc biệt vàng nữ trang gần như không còn đất sống khiến các DN kinh doanh vàng nữ trang hiện nay cũng đang méo mặt. Do đó, có thể dẫn đến hiện tượng các đầu mối gom vàng trôi nổi với giá rẻ xuất lậu ra nước ngoài, từ đó gia công chế tác lại thành vàng nữ trang quay về Việt Nam để tiếp tục hưởng lãi kép.

Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam Đinh Nho Bảng cho biết, trung bình mỗi năm nhu cầu vàng nguyên liệu sản xuất trang sức chiếm 20 - 30%, còn 70 - 75% là vàng sản xuất vàng miếng, trong tổng nhu cầu vàng nguyên liệu trên thị trường. Mỗi năm cả nước tiêu thụ 70 - 100 tấn vàng, nghĩa là nhu cầu vàng trang sức khoảng 20 tấn. Nhu cầu lớn nhưng hiện nay NHNN cấm các DN nhập khẩu vàng nguyên liệu nên các DN sản xuất vàng trang sức phải mua trôi nổi trên thị trường.

Theo chuyên gia vàng quốc tế Huỳnh Trung Khánh, cứ khi nào có chênh lệch khoảng 2% giữa giá vàng trong nước và quốc tế là có hiện tượng nhập/xuất lậu vàng. Mức chênh lệch vàng quá cao lên tới 7 - 8 triệu đồng/lượng là không hợp lý. Hệ lụy là tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do tăng mạnh và có thể diễn ra hiện tượng buôn lậu vàng, chảy máu ngoại tệ.

Có một điểm đáng chú ý tại thị trường ngoại hối thời gian gần đây, giá USD tự do thường trái chiều với các thị trường còn lại. Giá USD tự do tăng liên tục những ngày gần đây và tiến sát ngưỡng 24.000 đồng/USD. Cụ thể, phiên ngày 7/3, theo báo giá của một số tiệm vàng, giá bán USD tự do bán ra đã lên mức 23.880 đồng/USD. Tăng đến 380 đồng/USD so với thời điểm trước Tết, và đang cao hơn giá USD ngân hàng 760 đồng/USD.

Theo các chuyên gia, đây là dấu hiệu cho thấy có hiện tượng USD đi, vàng về vì mức chênh lệch giá vàng trong nước - thế giới hiện nay đang tạo ra siêu lợi nhuận cho giới kinh doanh vàng.

(còn nữa)

Về phía Nhà nước, buôn lậu vàng sẽ gây thất thu về thuế. Các DN, ngân hàng kinh doanh vàng chính quy sẽ sụt giảm doanh thu. Người tiêu dùng và nhà đầu tư lại vẫn phải mua với giá cao, chỉ có lợi cho giới buôn lậu.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần