[Chênh lệch giá vàng trong nước - thế giới: Ai thiệt, ai lợi?] Bài cuối: Làm gì để vàng trở về đúng giá trị?

Thảo Nguyên (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc xóa bỏ tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã triển khai nhiều giải pháp can thiệp, bình ổn thành công thị trường vàng.

Tuy nhiên, đến nay, giá vàng trồi sụt bất thường cao hơn thế giới trên 8 triệu đồng/lượng, chênh lệch giá mua, bán quá lớn cho thấy thị trường vẫn tiềm ẩn rủi ro lớn. Theo các chuyên gia, đã đến lúc cần xem lại khái niệm “bình ổn”. Giá vàng trong nước không thể mãi “một mình, một chợ”.
PGS. TS Ngô Trí Long: Thu hẹp khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới
Dư luận đang lo lắng, phải chăng vì sự quan tâm của người dân với vàng đã “nguội lạnh” nên cơ quan quản lý cũng “buông” thị trường vàng và để kéo dài tình trạng chênh lệch giá vàng cao như hiện nay? Chênh lệch giá vàng gây thiệt hại nặng nề không chỉ cho người tiêu dùng do phải mua vàng với giá quá cao so với thực tế. Dân buôn lậu còn vơ vét ngoại tệ, ra nước ngoài mua vàng rồi nhập lậu về, gây ra hậu quả khó lường.

Trước mắt NHNN nên xem xét tăng thêm nguồn cung vàng miếng SJC, đồng thời cấp hạn ngạch nhập khẩu vàng nguyên liệu cho một số DN đủ điều kiện theo quy định hiện hành để góp phần kéo giá vàng trong nước về sát giá vàng quốc tế; để các thương hiệu vàng tự cạnh tranh với nhau. NHNN cho phép DN được nhập khẩu vàng nguyên liệu để tránh nguy cơ tiếp tay cho buôn lậu vàng. Một khi thị trường vàng trong nước liên thông với thế giới, chênh lệch giá không còn thì cũng sẽ hết tình trạng buôn lậu. Bên cạnh đó, người dân mua vàng cũng giảm được rủi ro lớn khi giá vàng trong nước luôn trong tình trạng đắt hơn giá vàng thế giới.
TS Nguyễn Trí Hiếu: Hành lang pháp lý cho sàn vàng quốc gia

Chỉ có NHNN mới được phép huy động vàng. Người dân hoặc những NĐT khi gửi vàng cho NHNN sẽ được cấp Chứng chỉ vàng. Huy động vàng, gửi vàng đương nhiên phải được trả lãi, có như vậy NHNN mới có thể huy động được lượng vàng rất lớn từ người dân. Để Sở Giao dịch vàng hoạt động một cách hiệu quả, giảm thiểu rủi ro, trong thời gian đầu hoạt động, nên quy định tỷ lệ ký quỹ cao, thậm chí là 100%, rồi sau đó có lộ trình giảm dần cho phù hợp thông lệ quốc tế, nhằm giảm thiểu tình trạng đầu cơ vàng. Bên cạnh đó, cần kết nối liên thông thị trường vàng trong nước với quốc tế để đảm bảo tính thanh khoản cao cho Sở Giao dịch vàng và đẩy lùi hoạt động xuất, nhập khẩu lậu vàng đang diễn biến hết sức phức tạp như hiện nay. Ngoài ra, cần có hành lang pháp lý chặt chẽ, như quy định về tiêu chuẩn, chất lượng vàng; hạn mức giao dịch; quy trình thanh toán bù trừ; điều kiện thành viên;… Sở Giao dịch vàng ra đời không chỉ giảm thiểu tình trạng vàng hóa nền kinh tế, mà còn loại bỏ những sàn vàng chui đang “mọc như nấm” như hiện nay.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) Đinh Nho Bảng: Ngân hàng Nhà nước quản lý hay kinh doanh vàng?

Diễn biến giá vàng những ngày qua đặt ra cho cơ quan quản lý lúc này không chỉ là kiểm soát thị trường mà còn phải tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh cho những nhà đầu tư chuyên nghiệp, tránh tạo bong bóng thị trường. Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam đề xuất bỏ quy định NHNN độc quyền sản xuất vàng miếng, không sử dụng một loại vàng miếng SJC làm thương hiệu độc quyền như lâu nay mà nên cấp phép cho một số DN đủ điều kiện để sản xuất vàng miếng.

Theo chúng tôi, NHNN là cơ quan quản lý Nhà nước, chứ không phải là DN nên việc giao cho cơ quan ngân hàng trung ương sản xuất vàng miếng tại nghị định quản lý hoạt động kinh doanh vàng là không còn phù hợp. Đã đến lúc cần thay đổi quy định thị trường phát triển hợp lý hơn. Tôi nghĩ NHNN không cần thiết đóng vai trò kinh doanh vàng. Đây là đơn vị duy nhất nhập khẩu vàng nhưng lại tham gia cả vào thị trường vàng. Mặt khác, cần cho phép thêm các thương hiệu khác tham gia vào thị trường vàng, thay vì việc tuyên bố chỉ có một thương hiệu vàng quốc gia duy nhất là SJC, điều này dễ tạo ra tính độc quyền của SJC.

TS Cấn Văn Lực: Cần thiết lập sàn giao dịch vàng tập trung quốc gia
Cần thiết sớm phải thành lập một sàn vàng quốc gia, vì việc này sẽ giúp thị trường vàng trong nước và thế giới có sự liên thông. Trong thời gian trước mắt, NHNN cần nghiên cứu sớm trình Chính phủ lộ trình thành lập Sở Giao dịch vàng quốc gia. Bên cạnh đó, việc lập sàn vàng quốc gia để giao dịch vàng được minh bạch, các thành phần nhà kinh doanh, dân chúng đều được tiếp cận thông tin, tránh việc đầu cơ, lũng đoạn hoặc tung ra các thông tin bất lợi ảnh hưởng thị trường. Nếu có sàn vàng, các thông tin sẽ được minh bạch, dân chúng và NĐT được mua bán công khai, rõ ràng, lợi ích được đảm bảo.

Hơn nữa, Sở Giao dịch vàng ra đời không chỉ góp phần giảm thiểu giao dịch vàng vật chất mà còn huy động được vàng trong dân, tăng dự trữ vàng quốc gia. Hiện, lượng vàng trong dân đang còn rất lớn, cần được huy động để hỗ trợ nền kinh tế, nhất là khi nền kinh tế đang bị tác động bởi dịch bệnh. Khi NHNN huy động vàng sẽ tạo ra lượng dự trữ vàng quốc gia lớn hơn, đồng thời kiểm soát được lưu thông ngoại tệ trong nước và hỗ trợ tích cực cho điều hành chính sách tỷ giá, góp phần hạn chế tình trạng buôn lậu vàng. Nếu cứ để thị trường vàng “đóng băng” như hiện nay, nhà đầu tư, người dân luôn có tâm lý găm giữ vàng, không có nguồn tài chính để lưu thông sang nhiều kênh đầu tư hiệu quả khác.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần