Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chênh lệch giá vàng trong nước - thế giới: Ai thiệt, ai lợi?

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ nhiều năm qua, giá vàng thị trường trong nước và thế giới luôn có sự chênh lệch. Gần đây nhất, mức chênh này lên tới 8,5 triệu đồng/lượng. Đây là mức chênh lệch nhất từng được ghi nhận trong suốt 8 năm qua, tính từ thời điểm SJC trở thành thương hiệu vàng miếng quốc gia.

>>> Bài 2: Sức ép nhập lậu vàng

>>> Bài 3: Người mua luôn thua kẻ bán

Theo nhiều chuyên gia, hiện chính sách tín dụng vàng trong nước chưa liên thông được với thế giới dẫn tới việc thị trường vàng trong nước đang có một “sân chơi” riêng về giá.

Đó là thực tế diễn ra nhiều năm qua khi mà giá vàng trong nước luôn cao hơn giá vàng trên thị trường thế giới. Khi giá vàng trên thị trường thế giới tăng, giá vàng trong nước lại giảm, nhưng phổ biến vẫn là giá vàng thế giới giảm, trong khi giá vàng trong nước lại tăng hoặc giảm rất chậm.

Chênh lệch mua bán lớn, vàng SJC ngày càng đắt đỏ

Từ đầu năm đến nay, giá vàng trong nước liên tục có nhiều phiên biến động không cùng nhịp với giá vàng thế giới. Đơn cử giá vàng trong nước sáng 2/3 giảm mạnh và đã tuột khỏi mốc 56 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, tại thị trường châu Á giá vàng đi lên trong phiên ngày 2/3 trong bối cảnh lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ giảm và sự lạc quan về gói cứu trợ Covid-19 trị giá 1.900 tỷ USD đã làm tăng sức hấp dẫn của kim loại quý không sinh lời này.
Mua bán vàng tại cửa hàng Bảo tín Minh Châu trên đường Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Hoặc trong phiên 5/3, giá vàng thế giới giảm xuống mức thấp nhất trong gần chín tháng trước áp lực từ sự gia tăng của đồng USD và lợi suất trái phiếu Chính phủ của Mỹ. Giá vàng giao ngay có lúc giảm 0,9% xuống còn 1.695,26 USD/ounce, đánh dấu lần đầu tiên rơi xuống dưới mốc 1.700 USD/ounce kể từ tháng 6/2020. Giá vàng trong nước phiên này chỉ giảm khoảng 150.000 đồng/lượng, tương đương gần 0,3%. Thậm chí có thời điểm xuống 1.691 USD/ounce, tương đương 47,2 triệu đồng/lượng (tính theo giá USD ngân hàng, chưa tính thuế phí).

Có thời điểm, giá vàng SJC đã đắt hơn giá vàng trên thị trường thế giới 8,5 triệu đồng/lượng. Đây là mức kỷ lục gây choáng váng cho bất cứ ai. Với mức chênh lệch phi lý này, Việt Nam được coi là quốc gia có giá vàng đắt nhất thế giới.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia và một số DN kinh doanh vàng, từ nhiều năm qua, thị trường vàng trong nước và thế giới không có sự liên thông khiến giá vàng tại hai thị trường này luôn có sự chênh lệch. Từ lâu Việt Nam không cấp phép nhập vàng. Theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng quy định, NHNN là đơn vị duy nhất được phép nhập khẩu vàng, và khi cái “van” này không mở để lưu thông với thị trường thế giới là nguyên nhân khiến giá vàng trong nước không ở mức quân bình, dẫn đến sự chênh lệnh lớn.

Yếu tố nữa tác động mạnh đến thị trường là quá trình chuẩn hóa thương hiệu vàng quốc gia. Theo quy định, vàng SJC trở thành thương hiệu vàng quốc gia, và Việt Nam chỉ sử dụng duy nhất một thương hiệu vàng miếng cho cả nước, đã khiến giá vàng trong nước có khoảng cách khá lớn so với thế giới.

Kiến nghị sớm tăng cung cho thị trường vàng

Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) và các DN kinh doanh vàng nhiều lần kiến nghị NHNN nới lỏng hơn về chính sách quản lý vàng nguyên liệu để các DN có thể nhập về sản xuất vàng trang sức, thúc đẩy thị trường này phát triển. Tuy nhiên đến nay, gần như không có DN nào được cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ.

Trong khi đó, theo VGTA, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC triển khai thực hiện quá chậm việc gia công độc quyền cho NHNN. Ðiều này khiến dư luận nghi ngại về hiệu quả của việc chọn thương hiệu SJC thực hiện vai trò độc quyền Nhà nước hướng tới ổn định thị trường vàng.

“Nghị định 24 đã tạo được những điểm nhấn tích cực. Ðó là lần đầu tiên khẳng định một thương hiệu vàng quốc gia như là quy chuẩn chung trong giao dịch, dự trữ và đo lường vàng. Ðồng thời giảm thiểu các hoạt động buôn bán đầu cơ hoặc những mua bán không khuyến khích nhằm giữ ổn định thị trường tài chính, tiền tệ. Tuy nhiên, việc NHNN chỉ chọn duy nhất Công ty SJC gia công, chuyển đổi vàng, điều đó đồng nghĩa với việc công ty này đã nắm toàn bộ”- chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đánh giá. Ông Ngô Trí Long phân tích: “Độc quyền thương hiệu nhưng lại để cho một DN gia công sản xuất chế biến thì đó là điều bất hợp lý. Như vậy biến độc quyền nhà nước thành độc quyền thương hiệu cho một DN mà DN đó được phép gia công. Nhất là với kỹ thuật hiện nay thì có rất nhiều đơn vị gia công chế tác làm được không chỉ riêng SJC”.

Đại diện một DN vàng tại Hà Nội cho biết, nguồn cung vàng SJC trên thị trường chủ yếu mua đi bán lại. Ngoài ra, hiện nay lượng người bán vàng cũng ở mức rất thấp, các công ty vàng không chủ động được nguồn cung. Sau Tết các sản phẩm từ vàng nữ trang, vàng Thần tài đang bày bán trên thị trường đều được nhập từ trước Tết và khi đó giá nhập vẫn neo ở mức cao. "Do vậy, nếu giá vàng trong nước giảm đột ngột như giá vàng trên thị trường thế giới chắc chắn họ sẽ không thể cân bằng được giá trị mua vào.

Liên quan đến đề xuất xóa bỏ độc quyền vàng miếng của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, lãnh đạo NHNN khẳng định tiếp tục kiên định với những chính sách, kết quả đạt được trong thời gian qua. Vàng miếng, vàng nguyên liệu không phải hàng hoá bình thường như các loại hàng hoá khác nên cần được quản lý cẩn thận.


Theo một chuyên gia tài chính, ngay cả vàng trang sức, DN cũng không được nhập khẩu vàng nguyên liệu sẽ là thiệt thòi cho cả DN và người dân khi giá vàng thế giới giảm mạnh. Sau gần 10 năm, đến nay thị trường vàng đã ổn định, vàng không còn là phương tiện thanh toán. Đã đến lúc cần thay đổi quy định thị trường phát triển hợp lý hơn. Chưa kể, trong trường hợp cơ quan quản lý can thiệp tốt và mạnh vào giá vàng giúp chênh lệch thu hẹp sẽ khiến việc đầu cơ, găm giữ vàng của NĐT giảm đi.

(còn nữa)