Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chênh lệch lãi lỗ sau kiểm toán: Nhà đầu tư thấp thỏm

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Báo cáo tài chính bán niên 2019 sau kiểm toán của nhiều DN tiếp tục xuất hiện các khoản chênh lệch lớn so với báo cáo do các DN tự lập.

Đi cùng sự đầy - vơi của lợi nhuận, của các chỉ số tài chính, túi tiền nhà đầu tư cũng “nhảy múa” khi DN công bố báo cáo sau soát xét.
Chênh lệch khủng sau soát xét
Mùa công bố báo cáo tài chính sau kiểm toán bán niên, nhiều chỉ số tài chính của các DN nhảy nhót với biên độ khá lớn. Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR) giảm hơn 173 tỷ đồng lợi nhuận (tương ứng 20%) sau soát xét còn 704 tỷ đồng; Công ty Đầu tư và Phát triển Nhà đất COTEC (HoSE: CLG) báo lỗ 110 tỷ trong khi báo cáo tự lập lãi 4 tỷ đồng hay Công ty Phân bón miền Nam (HoSE: SFG) lãi sau soát xét chỉ còn chưa tới một nửa, hụt 7,4 tỷ đồng.
 Lợi nhuận BIDV giảm 1,4% sau kiểm toán. Ảnh: Công Hùng
Một số ngân hàng lợi nhuận cũng vơi đi sau kiểm toán như Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank) giảm gần 15%, VietABank (giảm 12,6%) và BIDV (giảm 1,4%). Xét về con số tuyệt đối, mức giảm từ 9 tỷ đồng đến 89 tỷ đồng. Cụ thể, lãi sau thuế của SeABank do Công ty Deloitte Việt Nam kiểm toán đã bị giảm từ 377 tỷ đồng xuống 321 tỷ đồng (giảm 15%) bởi điều chỉnh tăng chi phí thuế thu nhập DN.
Nguyên nhân tạo ra sự chênh lệch của các báo cáo tài chính này thường gặp là việc tăng -giảm mức thuế thu nhập DN, điều chỉnh thu nhập về lãi thuần, kinh doanh ngoại hối, hoạt động khác.
Ngược lại với các DN “bốc hơi” lợi nhuận sau kiểm toán thì nhiều DN “nồi cơm” lại đầy hơn sau khi các công ty kiểm toán vào cuộc. Theo báo cáo kiểm toán bởi Công ty KPMG Việt Nam, lợi nhuận sau thuế của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) tăng 5% từ 1.248 tỷ đồng trước soát xét lên 1.309 tỷ đồng.
Với việc điều chỉnh lại cơ cấu nợ, tỷ lệ nợ xấu của nhà băng giảm từ 2,92% xuống 2,88%. Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, mã CK: EIB) ghi nhận lãi trước thuế 6 tháng tăng 17% so với con số ngân hàng công bố, đạt gần 763 tỷ đồng, theo báo cáo kiểm toán bởi Công ty KPMG Việt Nam.
Nhà đầu tư no, đói theo giá cổ phiếu
Ngoài ra, báo cáo soát xét sau kiểm toán của nhiều DN cũng bị kiểm toán lưu ý một số vấn đề. Tập đoàn Đức Long Gia Lai (HoSE: DLG) bị đơn vị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục do hầu hết các khoản nợ vay đều đã quá hạn thanh toán, đặc biệt là nợ vay ngân hàng, tổ chức, cá nhân và nợ trái phiếu đến hạn trả.
Tất cả các ngân hàng đều ngừng giải ngân đối với tập đoàn. Tập đoàn này có thể sẽ không có khả năng thanh toán các khoản nợ phải trả trong điều kiện kinh doanh bình thường. Công ty CP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (HoSE: ITA) bị kiểm toán lưu ý tính không chắc chắn khả năng thu hồi hơn 3.500 tỷ đồng liên quan đến dự án Nhiệt điện Kiên Lương.
Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) (HoSE: HAG) và công ty con HAGL Agrico (HoSE: HNG) bị kiểm toán ngoại trừ khả năng thu hồi các khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn hàng ngàn tỷ đồng hoặc có thể tăng lỗ thêm hàng trăm tỷ nếu hạch toán theo quy định.
Cùng với sự nhảy múa của lợi nhuận từ các báo cáo tài chính sau soát xét, giá cổ phiếu của các DN này trên thị trường cũng ít nhiều bị ảnh hưởng. Lợi nhuận đầy, giá cổ phiếu tăng, tài khoản nhà đầu tư cũng theo đó ấm no hơn.
Ngược lại, lợi nhuận vơi đi, thậm chí từ lãi thành lỗ thì nhà đầu tư cũng khó tránh khỏi liên đới. Đơn cử, cổ phiếu ITA của Công ty CP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo tuần gần đây nhất 4/5 phiên đỏ sàn và vẫn giữ mức giá “trà đá” dưới 3.200 đồng/CP. Tính chung cả tháng cổ phiếu này giảm 3,13% về giá.
Theo giải thích từ các DN, sự “hiểu nhầm” hoặc cách tính, cách hạch toán khác nhau là nguyên nhân dẫn đến sự khác nhau giữa báo cáo DN tự lập và báo cáo được kiểm toán. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp nhà đầu tư băn khoăn là có hay không việc DN cố ý che giấu các con số tài chính quan trọng với mục đích riêng. Vì thế, cần có chế tài với DN khi phát hiện DN cố ý công bố các con số tài chính sai quy định trong báo cáo tự lập để tư lợi.

Giải trình chênh lệch lợi nhuận trước và sau soát xét, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn cho biết: Vì trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho của DN sau soát xét tăng gần 120 tỷ đồng so với tự lập do giá trị thuần có thể thực hiện được của hàng tồn kho (dầu thô, sản phẩm) tại thời điểm lập báo cáo soát xét thấp hơn so với thời điểm lập báo cáo tự lập. Giá dầu thô, sản phẩm trong tháng 7/2019 càng ngày càng giảm; giá dầu thô và sản phẩm bình quân cả tháng 7 – thời điểm lập báo cáo soát xét thấp hơn bình quân 17 ngày đầu tháng là thời điểm trước soát xét.

Bên cạnh đó, một số khoản chi phí của tháng 6/2017 nhưng Công ty nhận được hồ sơ trễ sau ngày chốt số liệu báo cáo trước soát xét dẫn đến ghi nhận thiếu chi phí. Các khoản chi phí này đã được ghi nhận bổ sung khi lập báo cáo soát xét.