Chênh vênh trên đầu con sóng

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Nhiều năm qua, biển cứ xích dần về đất liền. Vườn tược, nhà cửa của ngư dân càng ngày càng co cụm lại. Chênh vênh trên đầu những con sóng, người dân làng chài chưa khi nào dám ngủ yên.

Trắng đêm không ngủ

Suốt đêm qua, trong căn nhà rộng lớn, bà Nguyễn Thị Năm (thôn An Cường, xã Bình Hải) ngồi co ro ở góc giường trong gian nhà bếp, 2 tay ôm chặt chiếc gối.
 Lo nhà sập, bà Năm suốt đêm không ngủ.
“Tối qua triều cường, sóng lớn lắm. Sóng cứ vỗ ầm ầm phía trước nhà... mà nhà còn gì nữa đâu, mấy đợt bão liên tiếp, gian nhà chính biển ngoạm tới nơi rồi. Cả đêm không dám ngủ, cũng không dám lên nhà trên xem thế nào. Chỉ mong trời sáng...”, bà Năm rưng rưng.
Trong căn bếp tềnh toàng, bà Năm nhờ mọi người trong xóm dời chiếc giường từ gian nhà trên xuống để ở. Quanh giường là những túi đựng quần áo, vật dụng cần thiết. Mỗi cơn gió lớn, ngôi nhà như vặn vẹo, rung lắc. Nước mưa lọt qua khe hở mái tole của gian bếp, rơi thẳng xuống đầu bà Năm.
Chồng mất sớm, nhà chỉ có 3 mẹ con. Mấy năm nay, đứa con gái lớn có chồng ở nơi khác, con trai út cũng bôn ba tìm kế sinh nhai. Chỉ còn mỗi bà Năm cô đơn trong căn nhà sát biển. Đêm cũng như ngày, những sóng luôn vỗ ì oạp bên tai, lúc hiền lành, lúc hung tợn.
“Từ ngày biển động đến giờ, tui cũng bỏ hẳn chợ búa. Cá mắm cũng không có đế bán mua, quẩn quanh ở nhà dọn dẹp. Cứ sợ nhà bị sập, không còn biết ở đâu trú thân”. Dứt lời, quờ vội đôi dép nhựa, đội nón bảo hiểm vào đầu, bà Năm loẹt quẹt lên nhà trên.
 Phần trước nhà của bà Năm.
Cứ mỗi mùa mưa bão, ngôi nhà của bà Năm lại dần tiệm cận với biển…Đất cát, cây cối lần lượt bị cuốn trôi ra biển. Mái hiên trước nhà giờ lủng lẳng vài tấm tole bão số 9 chừa lại. Phần sàn thảm xi măng đã tan tác tự lúc nào, chỉ còn trơ 2 gốc cột.

Cần an cư để lạc nghiệp

Hơn 1 tháng qua, hàng loạt cơn bão nối tiếp nhau chỉ trong thời gian ngắn dường như vắt kiệt sức lực người dân làng chài của xã Bình Hải. Đặc biệt, dư âm cơn bão số 9 vẫn còn nặng nề thì giờ đây, mối nguy mất nhà cửa và tính mạng bị đe dọa bởi triều cường cứ chực chờ.
 Bờ kè tạm của người dân ngả nghiêng do sóng quá mạnh.
Vừa tờ mờ sáng, ông Trần Văn Vỹ (thôn Phước Thiện, xã Bình Hải) đã vội ra phía sau nhà kiểm tra rồi gọi thêm bà con tới để sửa lại các mối dây, dựng lại những cột trụ bị ngã. Mẹ vợ của ông, bà Thiều Thị Thủy bồn chồn đi tới đi lui, gương mặt lộ rõ vẻ chán nản nhìn cái kè chắn sóng gia đình vừa làm cách đây không lâu đã bị sóng đánh ngả nghiêng.
“Đêm qua sóng ập vào căn bếp, giờ mấy đứa nhỏ vẫn còn dọn dẹp trong đó. Từ tháng 11 giờ đã 3 lần rồi đấy. Mới tốn mấy chục triệu sửa nhà sau bão số 9, tưởng yên mà cũng không yên. Biển ngày càng lấn sâu, sóng ngày càng lớn, chẳng biết khi nào mới thoát khỏi cảnh này”, ông Vỹ rầu rĩ.
Dọc các làng chài của xã Bình Hải, nhất là khu vực sát biển, nhìn đâu cũng thấy những nét mặt lo toan. Bà Nguyễn Thị Luyến (thôn An Cường ) tay bế cháu, tay chỉ vào căn nhà của anh Huỳnh Xuân Quang ở gần bên. Ngôi nhà của anh Quang không hướng ra biển mà quay mặt vào đất liền và còn khá mới. Tuy nhiên vừa kéo nhẹ cánh cổng ra thì thấy bên trong toàn mảnh kính vỡ, gạch vỡ. Trải qua nhiều trận sóng lớn, phần sau nhà anh Quang bị lấn dần, sạt dần. Trận triều cường vào đêm 30/11 vừa rồi đã nuốt trọn các bức tường, quá nửa ngôi nhà trôi theo con sóng lớn. “Vợ chồng nó đi làm ăn hết nên không có ở nhà, chứ không thì…”, bà Luyến khẽ rùng mình, không dám nghĩ tiếp.
 Nhà của anh Quang bị triều cường giật sập.
Đi dọc bờ biển, có hàng chục ngôi nhà nằm chênh vênh trên đầu con sóng. Biển xâm thực, bóc dần mừng khoảnh đất và khoét sâu vào móng nhà. Cạnh đó, hàng dừa hàng chục năm tuổi cũng bị sóng lớn cào hết lớp đất phần gốc, trơ ra những bộ rễ.
Ông Phạm Vinh (thôn An Cường) dẫn ra phía sau nhà. Ngay trước bão, ông đã mua vật liệu về để gia cố phần móng nhà nằm sát biển nhằm ngăn sức tàn phá của con sóng dữ. Làm vừa xong thì ông cũng đổ bệnh vì gắng sức. “Bão số 9, cả nhà chạy đi trú hết. Khi về thì thấy nhà vương đầy nước biển, căn bếp cũng bị cuốn trôi mất. Mấy tấm lưới, dàn đèn vừa mua để trong bếp cũng bị lôi đi”, ông Vinh kể.
 Khu vực từng là nhà bếp của ông Vinh.
Nhớ lại, hơn chục năm trước, cũng là cơn bão số 9 đã quật ngã ông Trần My, cha của ông Phạm Vinh. Nỗi ám ảnh vì tang thương, mất mát năm đó đến giờ vẫn còn chưa tan. “Nước lớn quá nên ổng ráng neo mấy cái ghe, rồi chắc trúng gió hay sao mà ngã xuống rồi ra đi luôn. Năm đó bão lớn lắm, nhưng vẫn không kinh khủng như năm nay. Bão tan thì triều cường liên tục, chẳng đêm nào ngon giấc. Giờ hoặc là được bố trí nơi ở khác, hoặc là được đầu tư làm cái kè vững chãi. Mà kể ra, làm biển thì vẫn muốn ở đây thôi!”
Trời nhá nhem tối, gió từ biển thốc vào ngày càng lớn, tiếng sóng mỗi lúc một gần hơn. Ông Vinh nhìn sang nhà bà Năm chép miệng: “Bả sống có 1 mình, lại hay đau ốm. Giờ triều mạnh, sóng lớn vầy, nhà mình vững hơn, đông người hơn còn thấp thỏm không yên. Nói chi…”.
Khoảng 5 năm gần đây, tại xã Bình Hải (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), biển đã lấn sâu vào đất liền khoảng 30m. Hiện nay, có khoảng 200 hộ dân ở 3 thôn gồm An Cường, Thanh Thủy, Phước Thiện nằm trong vùng có nguy cơ bị sạt lở nghiêm trọng, sóng biển đe dọa trực tiếp đến nơi ở.